Chuyên gia chỉ cách phân biệt trầm hương thật và giả

Theo các chuyên gia, trầm hương là sản phẩm dễ làm giả nhưng người tiêu dùng vẫn có thể phát hiện được bằng các đặc điểm về màu sắc, mùi hương.

Trầm hương được hình thành nên từ quá trình tích lũy tinh dầu ở một số khu vực của mô gỗ (vết thương) bên trong thân cây Dó bầu. Trong đó, các vết thương này có thể được hình thành từ tác động của môi trường tự nhiên như: Bị kiến, sâu đục, mối đục hay bị gãy đổ do bão lớn gây ra. Khi cây bị thương, nó sẽ tự động tiết ra chất nhựa để chữa có thể tự chữa lành vết thương của mình. Theo thời gian dài thậm chí lên đến hàng trăm năm lớp dầu này hấp thụ các dưỡng chất bên ngoài và ăn sâu vào trong tâm gỗ. Từ đó, tạo nên trầm hương.

Trầm thường có màu đen hoặc nâu sẫm, nâu xám, vị hơi cay và tỏa hương thơm nhẹ nhàng, dễ chịu khi đốt lên. Trầm hương cần thời gian rất dài để hình thành, có thể là vài năm cho đến vài chục năm, thậm chí vài trăm năm.

Hiện nay ngoài trầm hương tự nhiên rất quý hiếm, thị trường có nhiều trầm hương nhân tạo, được sản xuất bằng cách gây ra vết thương cơ giới lên cây Dó bầu, kích thích hoá học để cây tạo trầm. Nó không quý hiếm bằng trầm tự nhiên, giá cũng "mềm" hơn nhưng vẫn là trầm thật. Ngoài ra, nhiều kẻ làm ăn bất chính đã sản xuất và bán các loại trầm hương giả. Việc phân biệt trầm hương thật giả không dễ dàng với những người ít kinh nghiệm và hiểu biết về trầm.

chuyen-gia-chi-cach-phan-biet-tram-huong-that-va-gia

 

 

Trầm hương giả hiện nay được rao bán rất nhiều nên có cách nhận biết để tránh mất tiền. Ảnh minh họa

Ông Biện Quốc Dũng, Chủ tịch Hội trầm hương Khánh Hòa cho biết, hiện nay trầm tự nhiên rất hiếm, do diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Căn cứ mức độ nhiễm dầu, màu sắc, hương vị, hình dáng, trọng lượng, nguyên xứ mà trầm có các tên gọi khác nhau như: Trầm mắt tử, trầm mắt đảo, trầm điệp trai, trầm kiến xanh, trầm kiến lọn ( trầm rục, trầm sanh).

Hiện nay chưa có quy định của Nhà nước hoặc của tổ chức nào về tiêu chuẩn phân lọai, đánh giá phẩm cấp trầm hương. Trong giao dịch mua bán, việc phân loại phần lớn dựa vào cảm nhận, kinh nghiệm.

Theo ông Dũng, để nhận biết trầm hương thật, người mua nên quan sát kỹ đường vân gỗ trên miếng (hạt) trầm. Nếu các đường vân tự nhiên, đường nét linh hoạt, chỗ lồi, chỗ lõm, gập ghềnh không "đều tăm tắp như vẽ" là trầm thật.

Trầm tự nhiên hoặc nhân tạo đều tỏa ra mùi thơm dịu nhẹ, ngọt dịu, ngửi vào cảm giác dễ chịu. Đốt trực tiếp sẽ cảm nhận được mùi thơm từ xa thoang thoảng, khói màu trắng, bay nhanh rồi tan ngay.

Về màu sắc, trầm thật sẽ có sự pha trộn của màu đen, trắng, nâu vàng xen lẫn nhau, không có một màu sắc đồng nhất hoàn toàn. Ngoài ra, trầm đạt hàm lượng dầu trên 25% có thể chìm trong nước. Loại trầm cao cấp có thể đạt hàm lượng dầu 60-80%, khi sờ vào người mua vẫn cảm nhận được độ trơn bóng tự nhiên.

Còn trầm giả nhìn vào có màu đen bóng, mùi thơm rất gắt (có sự tác động của hóa chất), khi đốt lên hương xộc thẳng vào mũi, mùi khét rất khó chịu.

Vòng trầm thật khi mới xuất xưởng màu sắc chưa thực sự nổi bật, nếu được chế tác thành trang sức (vòng tay, cổ) đeo một thời gian dài mới có một độ đậm màu và độ bóng nhất định. Còn vòng trầm giả đeo một thời gian sẽ mất mùi, một số trường hợp còn gây ngứa, sưng tay.

"Các vòng trầm hương thiên nhiên được quảng cáo với giá dưới 10 triệu đồng cũng là một yếu tố để nghi ngờ", ông Dũng nói.

Hiện nay một số cơ sở bán trầm quảng cáo bán những vòng tay kỳ nam (một loại trầm đặc biệt, quý hiếm trong tự nhiên) chỉ với giá vài chục triệu đồng. "Người mua nên cẩn trọng vì điều này hoàn toàn vô lý", ông Dũng cảnh báo.

Trầm kỳ nam được hình thành sau hàng trăm đến hàng nghìn năm, chỉ xuất hiện duy nhất ở Việt Nam. Việc kiếm được mẩu kỳ nam nhỏ chừng đốt ngón tay là vô cùng khó khăn. Đến nay, loại trầm này hầu như không còn trong tự nhiên.

"Một kg kỳ nam có giá khoảng 30 tỷ đồng nên sản phẩm tự nhận 'làm từ kỳ nam' có giá vài chục triệu thì chắc chắn 100% là hàng giả", chủ tịch Hội trầm hương Khánh Hòa nói.

Để an tâm hơn khi mua trầm hương, người mua nên nhờ các mối quan hệ như người quen, sự tư vấn của chuyên gia để kiếm những nguồn bán uy tín.

Công dụng của trầm hương

Trầm hương được dùng phổ biến làm trang sức, hương hay các sản phẩm đốt tạo mùi thơm, được dùng tạo tác thành các vật trang trí, hay điêu khắc tượng để trưng bày. Tinh dầu trầm hương cũng được sử dụng làm thành phần của nước hoa đắt tiền.

Theo TS Lê Lương Đống thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, trầm hương là vị thuốc quý trong Đông y với tính ôn, vị thơm, cay; tác động vào các kinh thận, tỳ, vị. Nó có tác dụng giáng khí, làm ấm thận, tráng nguyên dương, giảm đau và an thần.

Trong y học cổ truyền, trầm hương thường được dùng điều trị các chứng đau ngực, đau bụng, nấc, nôn, hen suyễn, thận khí hư, bí tiểu tiện...

Tác dụng của trầm hương chủ yếu là do tinh dầu. Vị thuốc này thường được dùng dưới dạng nước mài, bột tán chứ không sắc, nấu. Cần thận trọng khi dùng trầm hương cho người âm hư hỏa vượng, phụ nữ có thai.

TS Lê Lương Đống cho biết, y học cổ truyền có gần 60 bài thuốc sử dụng trầm hương được ghi nhận. Chẳng hạn, vị thuốc quý này có mặt trong bài thuốc chữa chứng nôn mửa, đau bụng, đau dạ dày như sau: Trầm hương, nhục quế, bạch đậu khấu, đinh hương mỗi thứ 10gr, hoàng liên 8gr, tất cả tán mịn, trộn đều, ngày uống 1gr với nước ấm.

Theo VietQ