Đặc sản rêu đá được đồn thổi giúp trường thọ hút khách

Những ngày gần đây, nhiều người nhắc đến đặc sản rêu đá Phú Thọ với những câu chuyện kỳ lạ xoay quanh món ăn độc, lạ này.

Rêu đá Tân Sơn - Phú Thọ ít được biết đến, nhưng đã từ lâu đây là món ăn quen thuộc của người dân địa phương trong vùng này. Gần đây, thông tin về loại đặc sản này rầm rộ mặt báo, nhiều người bắt đầu muốn nếm thử loại rêu lạ lùng này.

Rêu được chia thành 3 nhóm: “cui” - loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm; “cay”- loại rêu có sợi mọc rời rạc màu xanh và “tau” - loại rêu mọc thành từng mảng ở sông Đà, ao hoặc các khe suối. Ảnh: Depplus

Rêu đá mọc theo mùa từ tháng 9, 10 âm lịch đến hết tháng 5. Người dân thu hoạch chúng về để nấu các món canh, xào, nướng với mùi vị lạ.

Theo kinh nghiệm dân gian thì thường món rêu nướng sẽ giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp và có tác dụng trị nhiều chứng bệnh mãn tính khác. Do đó, chúng không chỉ là một loại rau sạch hàng ngày, mà được ví như thần dược, giúp trường thọ, tăng sức khỏe.

Món rêu đá nướng được yêu thích hơn cả. Trong bữa cơm thịnh soạn đón khách quý hoặc các ngày lễ, dịp cưới hỏi, rêu đá là món ăn không thể thiếu, cùng với đặc sản khác như măng chua, thịt trâu gác bếp và gà bản.

Rêu đá sau khi hái có thể bảo quản tươi được từ 2 - 3 ngày. Tuy nhiên là món đặc sản chỉ có theo mùa nên nhiều gia đình thường lấy rêu non về phơi khô để dành ăn dần hoặc dùng trong các thời cơ trọng đại như cưới hỏi, lên nhà mới hay lễ hội.

Không chỉ có vùng núi Tân Sơn (Phú Thọ) nổi tiếng món rêu đá, một số vùng Văn Chấn, Nghĩa Lộ, (Yên Bái), Tuần Giáo, Mường Chà (Điện Biên) và sông Đà ở Lai Châu, người dân cũng rất yêu thích loại đặc sản này.

Hình ảnh người dân đi thu hoạch đặc sản rêu đá. Cũng vì số lượng có hạn nên rêu đá thường chỉ đủ dùng trong nhà mà không rao bán. Nếu khách muốn thưởng thức, phải lên các vùng núi Phú Thọ, Lào Cai xa xôi.

Hình ảnh thiếu nữ thu hoạch đặc sản rêu đá ngoài suối.

Theo Ngọc Linh (KT)