Đằng sau việc rao bán bức tường giá 1 tỷ đồng

 Bức tường 1 tỷ đồng là một trong những hệ quả của quy hoạch dự án và có khả năng việc định giá như vậy là một cách tạo sức ép trong quan hệ dân sự.

Ông Vũ Tuấn Định, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, đã có trao đổi với Zing.vn về những vấn đề quy hoạch từ câu chuyện bức tường 1 tỷ đồng trên "con đường đắt nhất hành tinh" được rao bán.

- Câu chuyện về bức tường rao bán với giá 1 tỷ đồng trên phố Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy, Hà Nội), con phố được mệnh danh “đắt nhất hành tinh” được quan tâm trong những ngày vừa qua. Ông thấy gì từ câu chuyện này?

- Chủ sở hữu bức tường rao bán giá 1 tỷ đồng có thể là cách để họ gây sức ép với hộ bên cạnh. Đây chỉ là giao dịch dân sự đơn thuần. 

Đằng sau câu chuyện này là vấn đề liên quan đến quy hoạch. Bởi lẽ, đa số các dự án mới triển khai đều vấp phải những phần không nằm trong quy hoạch nên không có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng.

Quy định mới đã thống nhất khi giải phóng mặt bằng làm dự án, đơn vị thực hiện phải chừa thêm phần đất 2 bên đường để quản lý. Tuy nhiên, với những tuyến đường cũ mở rộng phát triển, bên thực hiện dự án thường chỉ thu hồi đất trong phạm vi mở đường. 

Nhà đầu tư được giao cũng chỉ vạch tuyến đường trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu hồi và thực hiện dự án. Dù trước đó phương án đã được cơ quan tham mưu xây dựng khi giải phóng mặt bằng, Nhà nước khi thu hồi cũng có giải pháp nhưng khi triển khai, việc thực hiện chưa quyết liệt. Đa phần các dự án đều “dính” chuyện đó. Bức tường 1 tỷ nói trên là một trong những ví dụ như vậy.

Đằng sau việc rao bán bức tường giá 1 tỷ đồng

Bức tường trên đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội) được rao bán với giá 1 tỷ đồng. Dòng thông tin về giá đã bị xóa đi. Ảnh: Hoàng Anh.

- Ông bình luận như thế nào về mức giá 1 tỷ đồng chủ sở hữu bức tường đưa ra?

-  Việc xác định giá trị thật của bức tường trên là rất khó. Trong trường hợp này, người mua và người bán cần có thỏa thuận, thống nhất với nhau, giao dịch mới thành công. Nếu chủ bức tường giữ “độc quyền”, cho rằng ngoài nhà liền kề mà chẳng ai mua, còn người sở hữu căn nhà kia lại nghĩ họ không mua thì chẳng ai giao dịch.

- Trong trường hợp nhà bên cạnh không đủ điều kiện để mua bức tường trên, cách giải quyết như thế nào là hợp lý nhất?

- Văn bản quy định về xử lý đất không đủ điều kiện mặt bằng do UBND TP Hà Nội đã có từ năm 2011. Tuy nhiên đến nay, quá trình triển khai thực hiện khi giải phóng mặt bằng xây dựng vẫn chưa triệt để.

Ví dụ, ở các tuyến đường mới tại Hà Nội, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo diễn ra phổ biến hoặc trường hợp bức tường 1 tỷ nói trên phản ánh phần nào hiện trạng.

Biện pháp xử lý cao nhất là bỏ tiền lập quy hoạch, sau đó chỉnh trang hai bên tuyến phố. Nhà nào không đủ điều kiện thì Nhà nước bỏ tiền ra thu hồi, điều chỉnh quy hoạch.

Cần quy định rõ ngay từ đầu là diện tích tối thiểu, bề mặt, bề sâu bao nhiêu thì được phép tồn tại và nếu không đủ điều kiện thì Nhà nước thu hồi. Song vấn đề hiện tại là kinh phí còn hạn hẹp nên thường vẫn chỉ giải quyết đúng như quy hoạch.

- Ông nghĩ sao về giải pháp thu hồi phần đất có bức tường để dung cho mục đích công cộng như bảng tin, đặt máy ATM?

- Tôi cho rằng giải pháp đó không có cơ sở. Nếu phần đất có quy mô, diện tích lớn thì Nhà nước đã thu hồi, còn quá nhỏ như vậy bắt buộc phải xử lý dân sự. Chính quyền địa phương nên gặp gỡ, trao đổi với hai người sở hữu, tư vấn để đi đến thống nhất.

- Vì sao chỉ ở Việt Nam mới có chuyện rao bán tường giá 1 tỷ còn nước ngoài hầu như không xảy ra?

- Thật ra thì pháp luật của Việt Nam có quy định cả nhưng khi thực thi lại chưa triệt để. Ví dụ, quy định về khoảng cách hai bên đường đã có trong luật về quy hoạch, quản lý đô thị. Tuy nhiên, từ trước đến nay, khi triển khai, yếu tố này thường chưa được quan tâm.

Một ví dụ nữa là việc mở các tuyến đường trong nội thành cũng đã được quy hoạch rõ ràng. Trong nội dung quy hoạch cũng chỉnh trang, rà soát từng căn nhà đủ và không đủ điều kiện tồn tại cũng như các giải pháp về kinh tế, thu hồi đất.

Trong dự án cải tạo tuyến đường, những người thực hiện mới quan tâm giải quyết làm thế nào để có đường mới, chưa lưu tâm đến quy hoạch nên mới phát sinh bất cập trong quản lý đô thị nói chung.

- Có người so sánh Hà Nội với Đà Nẵng và cho rằng Đà Nẵng làm quy hoạch tốt hơn, ý kiến của ông?

- Đúng là Đà Nẵng làm tương đối tốt. Khi mở đường, họ quy hoạch luôn 50 m2 bên mở rộng thêm và lập kế hoạch quản lý. Hà Nội chưa làm được.

Ví dụ khi mở đường, chúng ta mới chỉ quan tâm đến trục chính còn phần quy hoạch 2 bên chưa làm được, chủ yếu do vấn đề kinh phí.

Theo Hoàng Anh (Zing)