Giới hạn tài khoản khuyến mại của khách hàng, Viettel sẽ bị phạt nặng?

Việc Viettel đề xuất giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mãi đã gây nhiều phản ứng từ phía người tiêu dùng. Theo luật sư Trần Minh Hùng, căn cứ vào quy định của pháp luật, Viettel có thể bị xử phạt nặng vì điều này.

viettel

Tại Hội nghị giao ban của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày 3.4, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel đã đề xuất giới hạn thời gian sử dụng của tài khoản khuyến mãi của khách hàng để không tồn tại tình trạng dùng hết tiền như hiện nay.

Cụ thể, theo đề nghị này, tài khoản khuyến mãi với số tiền khuyến mãi chỉ được dùng trong một thời hạn nhất định, khi hết thời hạn sẽ bị trừ toàn bộ tài khoản khuyến mãi dù còn tiền. Ông Sơn cho rằng điều này là cần thiết để kích thích nhu cầu từ phía người dùng.

Chẳng hạn, khi khách hàng nạp dưới 50.000 đồng có 7 ngày sử dụng, nạp từ 50.000 đồng đến dưới 100.000 đồng có 10 ngày sử dụng, từ 100.000 đồng đến dưới 200.000 đồng có 15 ngày sử dụng, và trên 200.000 đồng có 20 ngày sử dụng... Quá thời hạn sử dụng, số tiền trong tài khoản khuyến mãi dù còn nhiều hay ít cũng không được bảo lưu.

Tuy nhiên, điều đáng nói là đây mới chỉ là đề xuất mà Viettel đưa ra trong cuộc họp, nhưng thực tế, theo phản ánh của khách hàng, từ tháng 1.2015 Viettel đã áp dụng chính sách này mà không có thông báo chính thức nào đến khách hàng.

Vậy, hành động này của Viettel có vi phạm pháp luật? Để làm rõ hơn vấn đề này, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Gần đây, Viettel đã tự ý giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại của khách hàng mà không hề thông báo trước. Đứng dưới góc độ pháp lý, ông có đánh giá gì về việc này?

Đây là một việc làm vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, nhà mạng đang chỉ quan tâm đến lợi ích của mình. Việc làm này của Viettel chắc chắn gây bức xúc cho khách hàng hàng. Chúng ta biết rằng khi tham gia chương trình khuyến mãi, khách hàng luôn mong được hưởng những ưu đãi từ nhà mạng mang lại.

Tiền khuyến mãi khách hàng nhiều lúc dùng chưa hết hoặc những khách hàng là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như sinh viên, học sinh, người nông dân, người nghèo… tham gia chương trình khuyến mãi để được một khoản tiền để họ sử dụng những lúc cần thiết.

Vậy mà nhà mạng đưa ra đề xuất giới hạn khuyến mãi là xâm phạm đến quyền và lợi ích khách hàng, xâm phạm đến những lợi ích mà đáng ra họ phải được hưởng. 

khuyến mãi

 Viettel giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại trước khi đề nghị chính sách này.
 (Ảnh từ chụp màn hình)

Được biết, ngày 3.4, Phó Tổng giám đốc Viettel mới đề xuất Bộ TT&TT chủ trương giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mãi của khách hàng. Nhưng từ tháng 1.2015, nhà mạng này đã áp dụng đề xuất này đối với nhiều thuê bao. Ông có ý kiến như thế nào trước hành vi này?

Tại Điều 96 Luật thương mại 2005 quy định về Nghĩa vụ của thương nhân thực hiện khuyến mại như sau:

“Thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật để thực hiện các hình thức khuyến mại.

Thông báo công khai các nội dung thông tin về hoạt động khuyến mại cho khách hàng theo quy định tại Điều 97 của Luật này.

Thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo và các cam kết với khách hàng…”

Như vậy theo tôi được biết thời gian qua nhà mạng Vettel ngang nhiên trừ số tiền khuyến mãi của nhiều khách hàng, họ tự đặt ra giới hạn tài khoản khuyến mãi mà không thông báo trước cho khách hàng. 

Nhà mạng có thể xem là thực hiện không đúng các nội dung của chương trình khuyến mãi đã thông báo, cam kết với khách hàng hoặc chấm dứt việc thực hiện chương trình khuyến mãi trước thời hạn đã công bố…những hành vi này là vi phạm luật thương mại như quy định trên.

Bên cạnh đó, tại Điều 321 Luật thương mại cũng đã quy định về Hình thức xử lý vi phạm pháp luật về thương mại như sau:

Thứ nhất, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, trường hợp hành vi vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Viettel khẳng định tài khoản khuyến mãi không giới hạn thời gian sử dụng dẫn tới tồn tiền khuyến mãi lâu năm là không thực hiện đúng quy định về thời gian khuyến mãi theo khoản 4, điều 9 nghị định 37/2006/NĐ-CP và khoản 8, điều 8 thông tư 11/2010/TT-BTTTT (chỉ được khuyến mãi tối đa 90 ngày trong một năm). Ông có ý kiến thế nào về việc này?

Theo tôi Luật thương mại có giá trị pháp lý cao hơn Thông tư và Nghị định nên việc Viettel khẳng định tài khoản khuyến mãi không giới hạn thời gian sử dụng dẫn tới tồn tiền khuyến mãi lâu năm là không thực hiện đúng quy định về thời gian khuyến mãi theo khoản 4, điều 9 Nghị định 37/2006/NĐ-CP và khoản 8, điều 8 Thông tư 11/2010/TT-BTTTT (chỉ được khuyến mãi tối đa 90 ngày trong một năm), là không phù hợp.

Cụ thể, tại điều Điều 88 Luật thương mại 2005 quy định về khuyến mãi như sau:
“Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định”.

Như vậy nhà mạng dùng chương trình khuyến mãi để đem đến cho khách hàng những lợi ích nhất định, khi thấy được lợi ích thì khách hàng tham gia chương trình do nhà mạng tổ chức và khi tham gia chương trình khuyến mãi thì khách hàng phải được hưởng lợi từ lợi ích này.

Cho nên, việc Viettel đề xuất giới hạn thời hạn sử dụng tài khoản khuyến mãi của khách hàng và khi hết thời hạn này thì số tiền khuyến mãi sẽ bị trừ hết dù còn nhiều hay ít là xâm phạm tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Vì nhà mạng và khách hàng đã thống nhất với nhau về chương trình khuyến mãi nên khách hàng mới tham gia. Như vậy theo tôi được biết, thời gian qua nhà mạng Vettel ngang nhiên trừ hết số tiền khuyến mãi của nhiều khách hàng mà không thông báo trước là vi phạm luật thương mại theo như quy định trên.

Việc Viettel tiếp tục đưa ra đề xuất giới hạn tài khoản khuyến mãi là vi phạm cam kết ban đầu khi khách hàng hòa mạng Viettel và ký kết sử dụng dịch vụ của Viettel. Như vậy là đã vi phạm quy định pháp luật thương mại, nhà mạng đã không thực hiện đúng chương trình khuyến mãi ban đầu, trừ tiền khách hàng mà không thông báo cho khách hàng là đã vi phạm về trình tự, thủ tục khuyến mãi theo quy định Luật thương mại.

Vậy căn cứ vào quy định của pháp luật thì Viettel sẽ phải chịu trách nhiệm gì về việc này, thưa ông?

Căn cứ vào Luật thương mại và các văn bản liên quan thì hành vi trên của Viettel có thể sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền 30 triệu đồng.

Theo Một thế giới