Hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng QLTT Hà Nội, Hòa Bình, Tuyên Quang đã kiểm tra và xử lý nhiều vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.

Cục QLTT Hà Nội xử lý 2.554 vụ vi phạm hành chính về hàng giả, gian lận thương mại

Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, trong 06 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố Hà Nội tình hình thị trường nhìn chung còn khá ảm đạm. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, các hộ kinh doanh, cơ sở dịch vụ phải đổi chủ hoặc thay đổi phương thức kinh doanh, một số địa bàn trước đây là địa bàn nổi cộm như Ninh Hiệp (Gia Lâm), Sơn Hà (Phú Xuyên) … không còn sôi động như trước tình hình kinh doanh, nhiều cơ sở nhỏ lẻ hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động.

Trong khi đó, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng gặp một số khó khăn khi các thủ đoạn làm giả và xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu hàng hóa ngày càng tinh vi hơn.

hang-gia-hang-nhai-va-gian-lan-thuong-mai-dien-bien-phuc-tap-o-nhieu-dia-phuong

Cục QLTT Hà Nội xử lý 2.554 vụ vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại. Ảnh minh họa 

Việc giám sát, thẩm tra, xác minh của lực lượng QLTT cũng gặp nhiều trở ngại khi các đối tượng thay đổi phương thức kinh doanh từ cửa hàng truyền thống chuyển sang bán hàng trên môi trường thương mại điện tử như Lazada, Shopee, … và các mạng xã hội như Tiktok, Zalo, Facebook, ... Các đối tượng sử dụng địa chỉ giả hoặc không đưa địa chỉ cụ thể nhằm chống đối các cơ quan chức năng nên gây khó khăn trong quá trình thẩm tra, xác minh, giám sát. Cùng với đó thay đổi hình thức kinh doanh từ cửa hàng mặt phố chuyển vào các ngõ, ngách nhỏ, xa trung tâm, các phòng chung cư nên việc thu thập, nắm bắt thông tin rất khó khăn cho cơ quan chức năng dẫn đến khó kiểm tra, kiểm soát.

Các nhóm hàng, hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là: buôn bán hàng cấm (thuốc lá điếu nhập lậu, hàng cấm nhập khẩu, hàng hóa không được phép lưu hành…); tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, hàng hóa tiêu dùng, hàng điện tử, khoáng sản…; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như mặt hàng thời trang, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng….; các hành vi vi phạm trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu.

Tuy nhiên với tinh thần quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ, trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng QLTT trên địa bàn đã kiểm tra 2.713 vụ, xử lý 2.554; Tổng số tiền xử lý: 73,069 tỷ đồng, trong đó: Phạt hành chính: 32,353 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu: 11,834 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy, tái chế: 25,851 tỷ đồng; Số thu lời bất hợp pháp: 74,899 triệu đồng; Thanh tra chuyên ngành: 217,5 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra: 31 vụ.

Theo nhận định của Cục QLTT Hà Nội, từ nay tới cuối năm tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp và khó lường cần tiếp tục triển khai, thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, rượu, hóa chất, khí N2O, thuốc lá điện tử hàng hóa tiêu dùng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan giám sát, kiểm tra hoạt động xúc tiến thương mại, kinh doanh theo phương thức đa cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cục QLTT  tỉnh Tuyên Quang xử lý vi phạm hành chính 154 vụ

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục QLTT tỉnh Tuyên Quang luôn duy trì tốt công tác phối hợp với các cấp, các ngành và các cơ quan chức năng có liên quan trên địa bàn trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh với các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, hạn chế tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại. Kết quả trong 6 tháng, toàn lực lượng đã kiểm tra 292 vụ; Số vụ xử lý vi phạm hành chính: 154 vụ; Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 880.271.000 đồng.

Ban chỉ đạo 389 tỉnh cho biết thời gian tới cần chủ động nắm vững diễn biến tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại...

Cục QLTT tỉnh Hòa Bình xử lý vi phạm hành chính 249 vụ

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục QLTT tỉnh Hòa Bình luôn duy trì nắm bắt thông tin, quản lý địa bàn và thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng theo chỉ đạo của các cơ quan thẩm quyền; cập nhật các văn bản, chính sách pháp luật về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các văn bản có liên quan để triển khai đến toàn lực lượng thực hiện. Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn lực lượng đã kiểm tra 564 vụ; Số vụ xử lý vi phạm hành chính: 249 vụ; Tổng số tiền phạt VPHC: 1.069.404.000 đồng; Hàng hóa là tang vật VPHC bị tịch thu 111.279.000 đồng.

Các tỉnh miền Trung xử lý vi phạm hành chính 9.909 vụ

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng 9 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã phát hiện, bắt giữ 10.850 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; qua đó xử lý vi phạm hành chính 9.909 vụ; khởi tố vụ án hình sự 941 vụ/1.139 đối tượng…

Theo ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn các địa phương không phức tạp, không xảy ra đột biến lớn, không phát sinh các điểm nóng, vụ việc nổi cộm. Tuy nhiên, cũng từng thời điểm, trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm tại các địa phương, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra phức tạp, gây mất trật tự an toàn xã hội, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại cho người tiêu dùng, thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Đặc biệt hiện nay hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... được các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi.

Cụ thể, trên tuyến biên giới đất liền, các đối tượng thường lợi dụng địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở, lối tắt, sông suối, mối quan hệ thân tộc hai bên biên giới và chính sách hàng hóa mua bán, trao đổi cư dân biên giới để buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm là ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại… qua biên giới; lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất hàng hóa, hoạt động xuất nhập cảnh người, phương tiện để buôn lậu, gian lận thương mại đối với các loại hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Trên tuyến biên giới biển, lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước về thông quan hàng hóa qua các cảng biển, các đối tượng khai báo gian dối về số lượng, giá trị, chủng loại, xuất xứ hàng hóa… để mua bán, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại, trốn thuế, xuất lậu, nhập lậu hàng hóa có điều kiện, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… qua cảng biển các địa phương.

Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng thời tiết phức tạp, vùng biển rộng, thông qua các hoạt động khai thác hải sản, hoạt động vận chuyển hàng hóa hợp pháp trên biển để hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm (ma túy, vật liệu nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã), buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng, dầu, quặng, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh… qua vùng biển các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế. Riêng tại địa bàn Thừa Thiên-Huế, có vị trí quan trọng trong lộ trình vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam và ngược lại trên các tuyến đường bộ, do đó, các đối tượng thường lợi dụng để vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ với các thủ đoạn, như: sử dụng xe không chính chủ để vận chuyển với số lượng lớn; lợi dụng bưu chính, chuyển phát nhanh để vận chuyển và kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả; chia nhỏ để vận chuyển, vận chuyển vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ…

Theo VietQ