Hơn 56% ca phơi nhiễm HIV là nhân viên y tế

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, trong các năm 2011-2014, có đến 56,3% ca phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp là người làm trong ngành y tế.

Hơn 56% ca phơi nhiễm HIV là nhân viên y tế

Theo các thống kê, đến cuối năm 2015 cả nước có 227.154 người nhiễm HIV, trong đó số lượng phát hiện trong năm 2015 là 10.195 ca. Các nguyên nhân phơi nhiễm HIV là do quan hệ tình dục không an toàn (39%), do đạp kim tiêm (34%), tai nạn nghề nghiệp (26%), đả thương (1%).

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, theo thống kê trong các năm 2011-2014, trong số 760 người phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp có đến 56,3% là người làm trong ngành y tế. Trong đó, có 9% là bác sĩ, 32% là điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh, 7% là hộ lý và 8% là học sinh – sinh viên ngành y nhiễm trong quá trình thực hành.

Các ngành khác cũng có nguy cơ cao do tai nạn nghề nghiệp là công an, lao động làm trong các trường, trung tâm cai nghiện và lực lượng vũ trang.

Theo các bác sĩ, trên thực tế, phơi nhiễm do nghề nghiệp của nhân viên y tế là khá phổ biến, song không phải trường hợp phơi nhiễm nào cũng dẫn đến nhiễm. Đây được xem là một rủi ro mỗi nhân viên y tế phải đối diện trong suốt thời gian công tác của mình. Tuy nhiên, điều cần lưu ý nhất là quy trình xử lý đúng sau phơi nhiễm có thể tránh khỏi việc dương tính với HIV.

Quy trình xử lý sau phơi nhiễm bao gồm xử lý vết thương tại chỗ; Báo cáo người phụ trách và làm biên bản. Chú ý nêu rõ ngày giờ, hoàn cảnh xảy ra, đánh giá vết thương, mức độ nguy cơ của phơi nhiễm; Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ nông sâu của tổn thương và diện tích tiếp xúc; Xác định tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm. 

Thông thường nhân viên y tế sẽ tư vấn cho những người bị phơi nhiễm nên tham gia xét nghiệm HIV. Trong tình huống người này đã biết về tình trạng nhiễm, cần thu thập thông tin liên quan đến điều trị ARV của họ; Xác định tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm bằng xét nghiệm; Tư vấn cho người bị phơi nhiễm về nguy cơ nhiễm bệnh, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, thuốc và tác dụng phụ, quy trình theo dõi….;

Điều trị dự phòng bằng thuốc ARV liên tục trong 4 tuần. Tất cả các trường hợp phơi nhiễm có nguy cơ cần được chỉ định điều trị ARV càng sớm càng tốt, từ 2-6 giờ tính từ lúc phơi nhiễm và không quá 72 giờ. 

Song song với việc đánh giá tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm và người bị phơi nhiễm, tùy trường hợp, bác sĩ có thể tiếp tục điều trị cho đủ 4 tuần hay ngưng điều trị ARV tuỳ trường hợp; Theo dõi bằng xét nghiệm kiểm tra sau một tháng, 3 tháng và 6 tháng.

Theo Infonet