Kim loại có thể gây ngộ độc tiềm ẩn trong thực phẩm và đồ vật nào?

Có một loại vật chất mà chúng ta thường tiếp xúc có khả năng gây dị ứng mà chúng ta ít nhận ra, đó là kim loại. Vậy chúng thường xuất hiện ở đâu và nguy hiểm như thế nào?

Kim loại có mặt trong phụ kiện thời trang

Kim loại thường được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, dùng để tạo ra các sản phẩm, vật dụng sinh hoạt hàng ngày, gần gũi nhất là các loại trang sức, phụ kiện.

Về mặt nhu cầu, các sản phẩm làm từ kim loại như bạch kim, vàng, bạc, niken… đáp ứng rất tốt cả về tính công năng và thẩm mỹ. Về mặt an toàn sức khỏe, đặc biệt ở góc độ bệnh dị ứng, kim loại tiềm ẩn một nguy cơ gây ra tình trạng quá mẫn cho cơ thể, đặc biệt ở những người có cơ địa dị ứng.

Do đó, cần hạn chế đeo những kim loại rẻ tiền hoặc chất lượng kém. Nếu vẫn muốn đeo hãy lựa chọn hàng chất lượng, uy tín và nhất là phải đảm bảo giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ vì chính những chất nhờn, và chất bẩn trên cơ thể bạn cũng góp phần gây dị ứng mỗi khi bạn đeo nữ trang.

 Trang sức rẻ tiền chứa nhiều kim loại nặng gây ngộ độc, dị ứng. Ảnh minh họa

 Trang sức rẻ tiền chứa nhiều kim loại nặng gây ngộ độc, dị ứng. Ảnh minh họa

Trong Y tế

Trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực cấy ghép (nha khoa, khớp học…), nhiều sản phẩm y tế cũng được làm từ kim loại gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe nếu tiếp xúc quá nhiều.

Trong thực phẩm

Các kim loại nặng như asen, chì, kẽm, thiếc... nếu tồn dư trong thực phẩm với hàm lượng quá cao sẽ gây hại cho người tiêu dùng. Biểu hiện trước hết là ngộ độc mãn tính hoặc cấp tính.

Tác dụng độc hại cấp tính, thí dụ asen với liều lượng cao có thể gây ngộ độc chết người ngay. Tác dụng độc hại mãn tính hoặc tích lũy thí dụ chỉ với liều lượng nhỏ hàng ngày, liên tục, sau một thời gian sẽ gây nhiễm độc chì, rất khó chữa.

Nếu thực phẩm chứa đồng sẽ nhanh chóng làm hư hỏng thức ăn, kích thích quá trình ôxy hóa và tự ôxy hóa dầu mỡ...Làm giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, thí dụ chỉ cần vết kim loại nặng cũng đủ để kích thích sự phân hủy Vtamin C, vitamin B1...

Bác sĩ TRần Thiên Tài, Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đưa ra lời khuyên, có những người có cơ địa dị ứng hoặc đã có tiền sử dị ứng với kim loại khi dùng các sản phẩm có nguồn gốc là kim loại:

Không tiếp xúc với các loại kim loại mà bản thân đã biết bị dị ứng; không sử dụng các sản phẩm hợp kim có pha trộn các loại kim loại với nhau, đặc biệt là các kim loại dễ gây dị ứng như niken, crom, đồng (các trang sức, phụ kiện rẻ tiền, kém chất lượng, không rõ bản chất thường được xi mạ bên ngoài bằng niken, chì, đồng…).

Triệu chứng của dị ứng kim loại chủ yếu là biểu biện của viêm da tiếp xúc dị ứng với các dấu hiệu như: Ở giai đoạn cấp, tại vùng tiếp xúc sau một thời gian sẽ có các sẩn hồng ban, ngứa, có các mụn nước, bóng nước phồng rộp tập trung thành đám, kèm chảy dịch trong, nếu có bội nhiễm sẽ chảy dịch vàng, đục, có mủ, ngoài ra có thể có các vết trợt loét nông ở da; ở giai đoạn mạn tính, tổn thương da có đặc điểm là da dày, khô, tăng sắc tố, tróc vảy…

Khi xuất hiện các triệu chứng của viêm da tiếp xúc với kim loại, người bệnh cần đến khám ngay với bác sĩ chuyên khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng hoặc da liễu. 

An Dương

Theo VietQ