Làm gì để tránh khủng hoảng bữa ăn 8 triệu đồng?

 Tại nhiều nhà hàng cao cấp ở Hà Nội và Sài Gòn, những suất ăn vượt mức 2 triệu đồng/người khá phổ biến. Việc khủng hoảng thông tin vụ bữa ăn 8 triệu đồng do cách xử lý với khách.

Qua khảo sát giá suất ăn tại ​một số nhà hàng hạng sang ở Hà Nội, mức phổ biến được áp dụng khoảng 1 triệu đồng/người. Bình luận về "bữa ăn 8 triệu đồng" khiến thực khách bàng hoàng, gây xôn xao dư luận những ngày qua, nhiều quản lý nhà hàng cho rằng, mức giá trên không có gì lạ.

Đại diện nhà hàng Trống Đồng (Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy, Hà Nội) còn khẳng định, với 1 triệu đồng, khách chưa chắc đã ăn được những món cao cấp, đặc biệt tại đây.

"Nhà hàng có rất nhiều món ngon dành cho khách VIP như tôm hùm, cua hoàng đế, bào ngư... Nhưng với mức 1 triệu đồng mỗi người, khách cũng chỉ có thể thưởng thức được những món đặc sản phổ biến. Vì vậy, gần 8 triệu đồng cho 4-6 người ăn là bình thường. Đối với khách cao cấp, chúng tôi còn có khung giá lên tới vài ba trăm USD/người", quản lý nhà hàng chia sẻ.

Làm gì để tránh khủng hoảng bữa ăn 8 triệu đồng?
Một bữa ăn cho 4 người với giá gần 10 triệu đồng tại nhà hàng trên phố Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cách không xa địa chỉ nhà hàng "bữa ăn 8 triệu", một hàng hải sản lớn cùng mặt phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) niêm yết giá suất ăn thấp nhất là 780.000 đồng/người. Đại diện đơn vị kinh doanh tiết lộ, thậm chí, với những suất "sơn hào, hải vị", giá có thể lên tới 4 triệu đồng/người.

Với số tiền trên, khách có thể thưởng thức các món đặc sắc như súp vi cá hồng có giá 1,6 triệu đồng/bát, bào ngư Mexico 5 triệu đồng/hộp 2 con vừa đủ cho 3-4 người ăn.

Cho rằng khó có căn cứ để so sánh về giá cả và chất lượng đồ ăn như thế nào là hợp lý, nhưng anh Hải, quản lý nhà hàng cao cấp tại tầng 51 tòa nhà Bitexco (TP Hồ Chí Minh) cho biết, giá sản phẩm và dịch vụ được niêm yết dựa trên nhiều yếu tố.

Các yếu tố cấu thành giá bao gồm: độ độc đáo, độ ngon và hiếm của món ăn, vị trí nhà hàng, không gian nhà hàng, chất lượng dịch vụ, thuế và phí.

"Bạn có tin có món ăn, chúng tôi phải mua một con bò chỉ để lấy phần thịt thăn là phần tinh hoa nhất để chế biến? Bên cạnh đó là những thao tác cầu kỳ trong chế biến và nguyên vật liệu đi kèm món ăn", anh dẫn giải.

Theo quản lý này, chi phí cho mặt bằng cũng như vậy. Lấy không gian nhà hàng ở tầng 51 tòa nhà Bitexco, cao nhất Sài Gòn, cao thứ 3 Việt Nam, anh nói: "Tại tòa nhà này, riêng giá vé để lên đài quan sát ngồi ngắm xung quanh đã là 300.000 đồng rồi. Ăn ở nhà hàng không chỉ là tầm nhìn ra xung quanh, mà còn là vị trí, không gian hạn định số người vào khách, những dịch vụ đặc biệt khác đi kèm. Do vậy, có thể cùng một món ăn nhưng tại nơi này một giá, nơi kia một giá khác là bình thường".

Theo anh Hải, giá sản phẩm và dịch vụ tại các nhà hàng cao cấp tọa lạc trên những con phố vàng đương nhiên sẽ khác giá sản phẩm cùng loại (nhưng có thể khác về chất lượng) ở những quán khác.

Cùng chung quan điểm, nhưng bàn tới kỹ năng chăm sóc khách hàng, quản lý nhà hàng Nhật trên phố Triệu Việt Vương (quận Hoàn Kiếm) lại cho rằng, đơn vị kinh doanh nên xem lại và rút kinh nghiệm để tránh sự cố về sau.

Làm gì để tránh khủng hoảng bữa ăn 8 triệu đồng?
Đơn vị kinh doanh nên có hướng xử lý tình huống thận trọng hơn như tư vấn khách về giá đồ ăn và minh bạch giá dịch vụ đi kèm trước khi khách vào bàn. Ảnh: FBNV.

"Mức 8 triệu đồng với nhiều người là hợp lý nhưng nếu với riêng khách hàng, người phải trực tiếp trả tiền cho nhà hàng, là chưa hợp lý thì mình cũng cần xem lại", vị này nói. Chị đưa ra lời khuyên, thông thường, ngoài việc bỏ vốn đầu tư cho địa điểm đẹp, kiến trúc độc đáo, dịch vụ cao cấp, các nhà hàng cao cấp luôn có những món ăn đặc sắc với khung giá đặc biệt để hút khách xứng tầm.

Tuy nhiên, để tránh hậu quả tương tự như vụ việc vừa rồi, hoạt động tư vấn ban đầu cho khách rất quan trọng. Tại đây, giá niêm yết rõ ràng trên thực đơn. ​Với những khách không muốn xem thực đơn, nhân viên tư vấn khách lựa chọn món phù hợp đi kèm thông tin về giá cả.

Việc báo giá cho khách áp dụng cả trong trường hợp khách có yêu cầu thêm về khăn ướt, nước uống, rau dùng thêm hay thậm chí là phí dịch vụ nếu khách mang rượu đi kèm. Với rượu mạnh, mức phí có thể lên tới 40 USD. "Minh bạch về giá ngay từ đầu để khách chủ động lựa chọn dịch vụ, đảm bảo uy tín nhà hàng và tránh những rắc rối tương tự như trường hợp trên", quản lý nhà hàng chia sẻ.

Trước đó, trao đổi với Zing.vn về bữa ăn gần 8 triệu đồng khiến thực khách "bàng hoàng" gây xôn xao dư luận những ngày qua, anh Trường Anh, quản lý nhà hàng A'bunadh (Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng mức giá này không hề cao, thậm chí, không có lãi.

Theo quản lý này, xét về giá trị món ăn, số lượng đồ ăn, chất lượng dịch vụ mà 6 vị khách đã trải nghiệm tại đây trong suốt 5 tiếng đồng hồ thì mức giá 7,77 triệu đồng là bình thường, thậm chí có thể cao hơn nếu không phải chỗ quen biết với chủ hàng.

Theo Zing