Nghịch lý dùng nhiều giá cao

Thời gian gần đây rất nhiều người dân bức xúc vì hóa đơn tiền điện tăng vọt một cách bất thường. Theo lý giải của ngành điện, nguyên nhân của tình trạng này do thời tiết nắng nóng, nhu cầu của người dân tăng đột biến. 

Ở Hả Nội, theo thống kê có tới 30% hộ có mức tiêu thụ điện trong tháng 6 tăng từ 1,5 lần trở lên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại chỉ ra rằng chính cách tính tiền điện lũy tiến như hiện nay làm cho tiền điện tăng lên. Tuần trước, tại cuộc họp với ngành điện sau những bức xúc của dư luận về việc hóa đơn tiền điện tăng cao, chính Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận biểu giá và cách chia nhiều bậc thang nhỏ đã không còn hợp lý với tình hình hiện tại. Theo Bộ trưởng, trước mắt nên rút còn khoảng 3 bậc, thay vì 6 bậc như hiện nay để giảm gánh nặng cho người dân. 

Cách tính giá lũy tiến của ngành điện đang là vấn đề gây tranh cãi, bởi quy luật thị trường đối với nhiều loại hàng hóa là càng dùng nhiều giá càng giảm, trong khi với điện càng dùng nhiều giá càng cao. Vấn đề khác khiến người dân bức xúc là biểu giá điện lũy tiến của Việt Nam chưa hợp lý. 


Chẳng hạn bậc 1 (mức giá rẻ nhất) chỉ khống chế ở mức 50KWh trở xuống, thay vì 100KWh như trước đây. Khoảng cách tính giá cao cũng được nới rộng ra và tính lũy tiến. Với cách tính này, nếu một gia đình dùng một lượng điện như trước đây vẫn phải trả tiền nhiều hơn trước.

Trước bức xúc của người dân, sắp tới biểu giá điện lũy tiến sẽ được nghiên cứu sửa đổi lại hợp lý hơn. Nhưng có một điều chắc chắn rằng mâu thuẫn về giá điện hay cách tính tiền điện giữa người dân và ngành điện sẽ chưa thể hóa giải nếu không có sự thay đổi về cơ chế và cách thức quản lý, vận hành thị trường điện hiện nay. Theo các chuyên gia, đây là lĩnh vực còn còn nặng tính độc quyền và rất yếu về cạnh tranh. 

Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn đang giữ vị thế độc quyền trong ngành điện, trong khi chi phí sản xuất điện của tập đoàn này lại thiếu minh bạch. Đến thời điểm này, Việt Nam có 109 nhà máy điện đang vận hành với tổng công suất trên 35.000MW. Trong số này, chỉ có 59 nhà máy tham gia chào giá cạnh tranh trên thị trường. Đáng chú ý, toàn bộ số doanh nghiệp trên đều bán điện cho một đơn vị duy nhất là Tổng công ty Mua bán điện của EVN.

Người mua điện từ các nhà máy và phân phối điện đến người tiêu dùng duy nhất trên thị trường là EVN. Đồng thời EVN hiện sở hữu và nắm giữ cổ phần chi phối tại hầu hết nhà máy sản xuất điện, tổng công suất các nhà máy này chiếm khoảng 64% sản lượng điện. Trong khi đó, về mặt quản lý nhà nước, Bộ Công Thương - đơn vị chủ quản lý EVN - lại đang giám sát hoạt động của chính tập đoàn này. 

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng cơ quan chủ sở hữu không thể đồng thời là cơ quan giám sát, điều tiết thị trường, cũng không thể đồng thời là cơ quan quản lý cạnh tranh. Đây chính là thách thức không nhỏ trong quá trình tiến tới thị trường điện cạnh tranh.

Theo đề án vận hành thị trường điện cạnh tranh, bắt đầu từ năm 2016, thị trường điện Việt Nam sẽ chuyển từ thị trường phát điện cạnh tranh sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm. Với sự thay đổi này, các khách hàng lớn nối lưới truyền tải điện sẽ được phép mua điện từ các nhà sản xuất độc lập. Đặc biệt, từ giai đoạn 2021 trở đi, khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đi vào hoạt động, tất cả khách hàng mua điện sẽ được quyền lựa chọn nhà cung cấp điện. Tương tự như việc chọn mạng di động, viễn thông như hiện nay, những nhà cung cấp điện có giá rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn chắc chắn sẽ được khách hàng lựa chọn. 

Tuy nhiên, để viễn cảnh này trở thành sự thật, những thách thức về mặt thể chế cần sớm được giải quyết. Bên cạnh đó, cần có quyết tâm lớn để tái cơ cấu mạnh mẽ ngành điện, xóa bỏ cơ chế độc quyền nhằm phù hợp với lộ trình vận hành xây dựng thị trường điện cạnh tranh.

Theo saigondautu