Người tiêu dùng cần cảnh giác trước các sản phẩm mía đường nhập lậu có bao bì đẹp mắt



Hiện nay, diễn biến tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép đường lậu có chiều hướng gia tăng, người tiêu dùng cần cẩn trọng trước những sản phẩm đường nhập lậu, có bao bì đẹp mắt, gắn nhãn mác Thái Lan, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất đường nội địa.

Tình trạng buôn lậu mặt hàng đường cát trong thời gian qua trên tuyến biên giới vẫn tiếp diễn, tuy không phát sinh điểm nóng, vụ việc nổi cộm phức tạp như thời gian trước đây nhưng vẫn thể hiện qua sự hiện diện thường xuyên của đường mang nhãn hiệu Thái Lan trên thị trường tại các thành phố lớn.

Dọc theo các tỉnh biên giới giáp với Lào, Campuchia như Quảng Trị, An Giang, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, Kiên Giang,... hàng trăm ngàn tấn đường lậu chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, thông qua Lào và Campuchia rồi được các đối tượng buôn lậu “phù phép” tinh vi ngay tại các cơ sở không đạt tiêu chuẩn ở bên kia biên giới, sau đó tuồn vào sâu trong nội địa tiêu thụ mà không qua kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Đường nhập lậu sau khi vào Việt Nam thường được phối trộn, thậm chí là “nhuộm” màu để phù hợp với thị hiếu trong nước và giảm giá thành, sau đó sang chiết vào cây 12 kg (bao xá); hoặc được đóng gói trong các bao bì bắt mắt rồi tung ra thị trường, ở cả chợ truyền thống cho đến “chợ online”. Không chỉ vậy, đường lậu chủ yếu lưu kho tại các kho chứa không đảm bảo điều kiện vệ sinh, không có hệ thống bảo quản đủ tiêu chuẩn, không có hóa đơn, chứng từ.

Chỉ trong vòng từ tháng 12/2023 đến nay, lực lượng Quản lý Thị trường (QLTT) các tỉnh trên cả nước đã liên tục bắt giữ, tịch thu hàng chục tấn đường cát nhập lậu vào nội địa. Đơn cử như chỉ trong 15 ngày gần đây, lực lượng QLTT Quảng Bình cho biết đã phát hiện và thu giữ 7.5 tấn đường nhập lậu. Hay ngày 23/12/2023 vừa qua, lực lượng QLTT Long An đã phát hiện, bắt giữ phương tiện vận chuyển 2 tấn đường cát nhập lậu. Càng về gần Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu đường cát càng “nóng” và phức tạp hơn, cả về số lượng, quy mô và thủ đoạn.

nguoi-tieu-dung-can-canh-giac-truoc-cac-san-pham-mia-duong-nhap-lau-co-bao-bi-dep-mat

Đường lậu được đóng gói bao bì “đẹp mắt” mang nhãn hiệu Thái Lan. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) chia sẻ, trước tình hình hoạt động nhập lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường ngày càng tăng cao do các đối tượng lợi dụng những sơ hở của pháp luật như:

Không thống nhất phương thức xử lý đường nhập lậu bị tịch thu. Tất cả đường nhập lậu gần đây đều là đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ. Phương thức xử lý đối với đường nhập lậu bị tịch thu hiện không thống nhất giữa các địa phương: một số địa phương tổ chức tiêu hủy, một số địa phương lại tổ chức bán đấu giá để sung công quỹ.

Quá nhẹ tay khi chỉ xử lý hành chính các hành vi nhập lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường. Hành vi nhập lậu đường Thái Lan cần phải xử lý hình sự về tội buôn lậu và tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; đường nhập lậu có xuất xứ Thái Lan không nộp thuế cần phải xử lý hình sự theo quy định về tội “trốn thuế”.

Bên cạnh đó, việc xử lý không hiệu quả hoạt động san, chia đóng gói đường và sản xuất đường phèn. Hoạt động này có những dấu hiệu vi phạm pháp luật. Một là, không có giấy phép của nhà sản xuất và không ghi tên, địa chỉ của công ty sản xuất ra đường; hai là, không tuân thủ quy định về ghi nhãn hàng hóa, thậm chí đường được đóng trong bao giấy hoặc nhựa trơn không có thông tin...

Theo Bác sĩ Võ Văn Khiêm, Trưởng phòng Y tế quận Cái Răng khuyến cáo, đường nhập không chính ngạch từ Thái Lan qua đường biên giới giữa Việt Nam và Lào, Campuchia ngày càng tinh vi. Đường lậu trong quá trình vận chuyển, sang chiết sẽ không tránh khỏi việc nhiễm những tạp chất có hại. Chưa kể, các thương lái buôn đường lậu còn trộn lẫn các loại đường khác nhau, kể cả đường hết hạn sử dụng; sử dụng phẩm màu công nghiệp để “nhuộm” đường nhằm trục lợi trên giá thành. Nên dù có được “nguỵ trang” trong các bao bì bắt mắt, đường lậu vẫn chứa rất nhiều mối nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Chưa kể, những bao đường không rõ nguồn gốc, xuất xứ tuồn vào đường biên giới được sang, chiết và thay đổi bao bì thành đường Thái Lan, lợi dụng tâm lý “chuộng hàng nhập ngoại” và dễ bị thu hút bởi bao bì đẹp mắt của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam. Mặt khác, đường nhập lậu với mẫu mã kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được các thương lái “hô biến” thành đường nội địa và bán với giá thành cao. Người tiêu dùng nên cảnh giác với hình thức đường giả rất tinh vi này.

Do đó, thay vì mua túi đường trắng, đường vàng không nhãn mác rẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe bản thân và gia đình, bà nội trợ hoàn toàn có thể lựa chọn túi đường có thương hiệu, được bảo đảm chất lượng cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về cơ sở sản xuất, thương nhân chịu trách nhiệm. Đây là một trong những thói quen cần phải có của một người tiêu dùng thông thái, phù hợp với xu hướng hiện đại. Và khi thói quen này phổ biến, nhu cầu sử dụng đường trôi nổi không còn thì tự nhiên các loại đường độc hại, mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng sẽ biến mất.

Liên quan đến chất lượng đường cát, đặc biệt trong vấn đề vệ sinh, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng một số đơn vị liên quan đã công bố bộ tiêu chuẩn TCVN 7270:2003 - Đường trắng và đường tinh luyện - Yêu cầu vệ sinh. 

nguoi-tieu-dung-can-canh-giac-truoc-cac-san-pham-mia-duong-nhap-lau-co-bao-bi-dep-mat
 
Ngoài ra còn có bộ tiêu chuẩn TCVN 6958 : 2001 Đường tinh luyện, tiêu chuẩn này áp dụng cho đường tinh luyện sản xuất trực tiếp từ mía, từ đường thô hoặc các nguyên liệu khác. 
Theo VietQ