Người tiêu dùng choáng với hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi

Trong tháng 5, nhiều gia đình đã dự đoán trước được việc tiền điện sẽ tăng đột biến nhưng vẫn không khỏi bất ngờ khi nhận hóa đơn tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3,4 lần tháng trước. EVN cho rằng giá điện tháng 5 tăng do đợt nắng nóng kỷ lục.

 Chị H.Nhung, Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) thuê trọ với mức tiền điện phải đóng cho chủ nhà là 4.500 đồng/số điện. Cầm hóa đơn tiền điện lên tới 1,2 triệu đồng, chị không khỏi bất ngờ. "Tháng trước nhà mình dùng hết 600.000 đồng tiền điện, vậy mà tháng nay đã tăng gấp đôi, mặc dù 2 vợ chồng đi làm cả ngày, điện chỉ dùng buổi tối, nhưng vì tháng này nóng quá nên mỗi khi ở nhà là mình bật điều hòa 24/24".

Gia đình gồm 3 người, sinh hoạt sử dụng điện chủ yếu vào buổi tối nhưng tháng này, số điện tiêu thụ nhà anh H.T.Vũ (Thượng Thanh, Long Biên) cũng đã tăng gấp đôi từ gần 200 kWh lên hơn 400kWh. Song, điều anh Vũ băn khoăn nhất là số tiền phải trả lại cao gấp 3 lần, từ 350.000 đồng lên đến gần một triệu đồng. “Trong ngày, mọi người đều đi vắng, chưa kể tháng vừa rồi gia đình còn đi du lịch khoảng một tuần, nhưng số tiền phải thanh toán không khác gì có người ở nhà cả ngày”, anh bày tỏ.

Khảo sát nhanh của PV cho thấy, hoá đơn tiền điện của nhiều gia đình tại nội thành Hà Nội trong tháng 5 tăng phổ biến khoảng 30-100%. Cá biệt có những trường hợp tăng 3-4 lần.

Theo EVN Hà Nội, khi nắng nóng thời gian làm mát của các thiết bị điện lạnh dài hơn bình thường khiến việc tiêu thụ điện năng tăng. Ảnh: A.Q

Trao đổi về vấn đề này với VnExpress, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) thừa nhận hiện tượng hóa đơn điện sinh hoạt tăng cao khá phổ biến trong tháng 5 vừa qua. Nguyên nhân được đưa ra là nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng cao kỷ lục trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong tháng 5, sản lượng điện tiêu thụ trung bình của miền Bắc tăng 17%, riêng Hà Nội tăng 28% so với trước. Đặc biệt, những ngày cuối tháng, sản lượng tiêu thụ của thành phố tăng cao trên 10% so với đỉnh điểm của 2014, thậm chí đã đạt mức kỷ lục 61,48 triệu kWh (ngày 29/5).

Ngoài ra, vị này cho rằng tỷ lệ bê tông, kính hóa tại các công trình hạ tầng của Hà Nội cũng góp phần đáng kể làm tăng việc hấp thụ nhiệt dưới mặt đất. Khi nhiệt độ ngoài trời cao hơn mức dự báo của cơ quan khí tượng, không khí nóng kéo dài đến tận đêm, khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị điện để làm mát của người dân duy trì cả ngày lẫn đêm.

“Nhiệt độ bên ngoài càng cao thì thời gian làm mát của các thiết bị điện lạnh càng dài. Thay vì vài phút để điều hòa có thể làm mát không gian thì nay phải mất 15-20 phút, khiến điện năng sử dụng tăng lên”, vị đại diện cho hay.

Về tiền điện phải trả gấp 2-3 lần, theo đại diện EVN Hà Nội, do tiêu thụ điện năng lớn nên theo cách tính giá điện bậc thang thì lũy tiến vì thế sẽ lớn hơn. Vị này dẫn chứng, giả sử tháng trước một hộ gia đình chỉ sử dụng trên 100 kWh điện, mức bậc thang cao nhất là 1.786 đồng mỗi số, tổng cộng chi phí phải trả cho ngành điện là 300.000 đồng. Nhưng tháng này, chỉ số điện trên 400 kWh, giá cao nhất được tính 2.587 đồng một số điện, tương đương mức tiền phải trả gần một triệu đồng.

“Chỉ số điện năng tăng gấp đôi song theo cách tính bậc thang thì số tiền phải trả có thể tăng gấp 3, thậm chí 4 lần”, lãnh đạo ngành điện cho biết.

Để khách hàng có thể giám sát ghi chỉ số, EVN Hà Nội cho biết từ tháng này, công ty đã có thông báo đến khách hàng ngày ghi chỉ số công tơ thông qua tin nhắn điện thoại. Cùng với đó, khách hàng cũng có thể chứng kiến việc ghi chỉ số tại công tơ, chủ động theo dõi sản lượng điện của gia đình.

PV (NTD)