Nguy cơ gặp biến chứng tiểu đường nếu quá tin vào đồng hồ thông minh đo đường huyết

Đồng hồ thông minh đo đường huyết thuận tiện mà không cần lấy máu đang được quảng cáo và bán tràn lan trên mạng xã hội người tiêu dùng nên cảnh giác.

Nhiều người dùng 'sập bẫy' khi mua đồng hồ thông minh đo đường huyết trên mạng

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam hiện có gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường. Trong đó hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng. Việc phát hiện sớm, theo dõi và điều trị ổn định bệnh đái tháo đường là vô cùng cần thiết. Do đó, với người bệnh đái tháo đường, máy đo đường huyết được coi là vật "bất ly thân". Đánh vào tâm lý ngại thử đường huyết bằng phương pháp truyền thống có kim cắm dưới da thì hiện trên thị trường rao bán nhiều loại đồng hồ đo đường huyết không xâm nhập, tức là không cần trích máu.

Mắc bệnh đái tháo đường đã nhiều năm nay, ông Tâm (tỉnh Bắc Ninh) đã đặt mua một chiếc đồng hồ đo đường huyết với giá hơn một triệu đồng. Chiếc đồng hồ này được quảng cáo trên mạng xã hội về có thể giúp đo chính xác lượng đường trong máu không xâm lấn. Tuy nhiên, ông Tâm nhận thấy, chỉ số đường huyết hiển thị trên đồng hồ lúc nào cũng ở mức 4,8 - 5,2 mmol/l. Trong khi kiểm tra bằng máy đo đường huyết tại nhà thì kết quả lượng đường trong máu luôn cao gấp đôi.

Tương tự, mắc bệnh đái tháo đường đã nhiều năm nay, ngày nào, ông Trần Văn T. ở Hà Nội cũng phải kiểm tra đường huyết bằng cách lấy máu ở đầu ngón tay. Gần đây, xem quảng cáo trên Facebook về một loại đồng hồ đeo tay giúp đo chính xác lượng đường trong máu không xâm lấn, ông đã đặt mua một chiếc với giá gần một triệu đồng. Tuy nhiên, ông T nhận thấy, chỉ số đường huyết hiển thị trên đồng hồ lúc nào cũng chênh lệch với máy đo đường huyết. Khi gọi điện lại thì ông T được người bán hướng dẫn chỉnh các thông số của đồng hồ một cách loanh quanh. Sau đó thì điện thoại của người bán luôn trong tình trạng không liên lạc được. Lúc này, ông T mới biết mình bị lừa, vừa mất tiền mà suýt rơi vào nguy hiểm nếu cứ tin theo chỉ số đường huyết trên đồng hồ.

nguy-co-gap-bien-chung-tieu-duong-neu-qua-tin-vao-dong-ho-thong-minh-do-duong-huyet

Không nên quá tin tưởng vào chỉ số đo đường huyết của đồng hồ thông minh mua trên mạng. Ảnh minh họa

Ông Ngô Đức Vinh ở Hà Nội cũng mua một chiếc đồng hồ đo đường huyết thông qua quảng cáo trên mạng xã hội. Trước khi mua, ông Vinh đã tìm hiểu rất kỹ và được người bán hàng cam kết đây là sản phẩm chính hãng, được sản xuất từ Nhật, có bảo hành đầy đủ. Khi nhận đồng hồ, ông rất vui mừng vì cho rằng từ nay không phải chích máu đầu ngón tay mỗi ngày để đo đường huyết nữa. Tuy nhiên, khi xem kỹ tờ hướng dẫn sử dụng thì ông Vinh nhận thấy sản phẩm được ghi sản xuất tại Trung Quốc. Chỉ số đường huyết mà đồng hồ đo được cũng sai lệch rất nhiều so với phương pháp đo mao mạch khiến ông Vinh vô cùng bức xúc.

Nguy cơ gặp biến chứng nếu tin tưởng vào đồng hồ thông minh đo đường huyết

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, rất nhiều bệnh nhân đã nhập viện trong tình trạng nặng do sai lệch kết quả khi sử dụng đồng hồ đo đường huyết. Chỉ số tăng giảm thất thường khiến việc theo dõi và điều trị đường huyết tại nhà của bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

TS.BS Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết TW chia sẻ: "Thiết bị đấy nó cho kết quả cao hơn bình thường và người bệnh yên tâm kết quả đó và không kiểm soát đường huyết, để lâu ngày có thể gây ra biến chứng. Nguy hiểm hơn nếu như đường máu thấp mà kết quả thiết bị này cho kết quả bình thường thì có thể dẫn đến tình trạng hạ đường huyết, gây rối loạn ý thức, thậm chí hôn mê".

Cả tin, lạm dụng các sản phẩm chưa được kiểm chứng hậu quả rất khôn lường. Hiện để theo dõi, kiểm tra đường huyết tại nhà chỉ có kỹ thuật đo đường huyết mao mạch được khuyến cáo dùng cho người bệnh, độ chính xác cũng chỉ lên tới 95%. Còn các sản phẩm đo đường huyết không xâm nhập thì chưa được kiểm chứng và Bộ Y tế cấp phép.

Bác sĩ Lê Phong – Cố vấn cao cấp Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết, không chỉ thổi phồng chức năng, tác dụng của đồng hồ đo đường huyết, một cơ sở buôn bán còn mạo danh tên tuổi và sử dụng hình ảnh của ông để quảng cáo và khuyên người bệnh nên mua thiết bị này.

“Cho đến nay, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp chuyên ngành nội tiết chưa nhận được bất cứ thông báo nào của Bộ Y tế hoặc các đơn vị chức năng, các hãng sản xuất trang thiết bị y tế…hướng dẫn về việc sử dụng sản phẩm đồng hồ đo đường huyết không xâm lấn trong lâm sàng. Hiện nay, để theo dõi và kiểm tra đường huyết tại nhà thì chỉ có kỹ thuật đo đường huyết mao mạch là được các chuyên gia và các tổ chức y tế chấp thuận” – BS Lê Phong nhấn mạnh đồng thời khuyến cáo người bệnh không nên mua các loại đồng hồ đo đường huyết trên mạng xã hội để rồi “tiền mất, tật mang”.

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc theo dõi đường huyết thường xuyên là điều vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân kiểm tra lượng đường trong máu, từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt và dùng thuốc, phòng ngừa biến chứng. Việc đồng hồ đo đường huyết cho kết quả sai lệch sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Nếu đồng hồ hiển thị mức đường huyết cao, bệnh nhân sẽ tăng liều thuốc uống hoặc tiêm thêm insullin khiến lượng đường trong máu hạ quá thấp, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong; Hoặc nếu đồng hồ hiển thị đường máu ở mức bình thường khiến bệnh nhân lầm tưởng bệnh đã được kiểm soát tốt, dẫn đến chủ quan. Trong khi thực tế đường huyết luôn ở mức cao và sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, loét bàn chân, tổn thương đáy mắt, suy thận…

Để lựa chọn được thiết bị đo đường huyết tại nhà đảm bảo chất lượng, BS Lê Phong hướng dẫn người bệnh nên mua sản phẩm của các hãng sản xuất có uy tín tại các hiệu thuốc hoặc cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế có địa chỉ rõ ràng. Khi mua nên chú ý thời hạn sử dụng của máy, của que thử, xuất xứ của sản phẩm.

Khi kiểm tra đường máu tại nhà, để có kết quả chính xác, bệnh nhân nên chú ý đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng và thao tác đúng. Đồng thời, lưu ý rửa sạch tay trước khi đo, lau khô tay bằng khăn sạch. Vị trí chọc bút kim để lấy máu là ở phía cạnh đầu ngón tay bởi đây mới là nơi có mạch máu, không nên chích máu ở giữa đầu ngón tay. Tùy độ cứng mềm, độ dày của da tay mà chọc kim nông sâu sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh nên lưu ý lấy một lượng máu vừa đủ và nhỏ một giọt máu vào đúng chỗ của que thử.

Việc bảo quản que thử đúng cách cũng ảnh hưởng đến kết quả đo nồng độ glucose trong máu. Que thử phải được bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời, chỉ nên sử dụng một lần, không nên tái sử dụng.

Theo VietQ