Nhận định ban đầu về khoảng thời gian nguồn bệnh xâm nhập ở Hải Dương

Hải Dương đang mở rộng diện xét nghiệm, không chỉ F1 mà xét nghiệm ngay các đối tượng là F2.

Sáng 18/8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã ghi nhận 983 ca mắc, trong đó có 645 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 505 ca.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế cho hay, với ổ dịch thứ 2 mới nổi lên là Hải Dương, đến nay đã phát hiện 11 ca đều liên quan đến từ quán Thế giới bò tươi (đường Ngô Quyền, TP Hải Dương). Ca bệnh đầu tiên được phát hiện có liên quan là bệnh nhân 867.

Bộ Y tế xác định ca bệnh đầu tiên từ quán ăn này chính là "nguồn vào" dịch COVID-19 ở tỉnh này. Theo nhận định ban đầu, từ khoảng 25-27/7 có thể có một nguồn bệnh xâm nhập vào quán này, từ đó lây ra tỉnh Hải Dương.

Hải Dương đang quyết liệt trong khoanh vùng, dập tắt ổ dịch, truy vết, và xét nghiệm với sự hỗ trợ của các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Đến nay, tỉnh này đã thực hiện được khoảng 2.000 mẫu.

Riêng ngày hôm qua, lực lượng chức năng đã truy vết được 800 trường hợp là F1. Sáng nay, Bộ Y tế yêu cầu Hải Dương cũng phải lấy mẫu cả người thuộc diện F2, không đợi khi F1 trở thành F0 (ca bệnh), F2 trở thành F1 mới làm xét nghiệm.

Nhận định ban đầu về khoảng thời gian nguồn bệnh xâm nhập ở Hải Dương - Ảnh 3.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

"Ở Hải Dương, chúng tôi nhận định đã có lây nhiễm trong cộng đồng nên phải mở rộng diện xét nghiệm. Phải lấy mẫu ở những khu vực nghi ngờ. Tại khu vực bệnh viện cũng phải lấy mẫu của nhân viên y tế, bệnh nhân, khu vực phòng khám" - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định tại cuộc họp.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho hay, ngay từ đầu, Bộ Y tế đã cử các bác sĩ giỏi ở các đơn vị như Bệnh viện Bạch Mai, Nhi Trung ương, Đại học Y Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xuống Hải Dương để hỗ trợ tỉnh này trong xét nghiệm và chuẩn bị công tác điều trị, hôm nay tiếp tục có thêm các đoàn Trung ương hỗ trợ cho Hải Dương.

Kết quả phân tích gene cho thấy virus trên bệnh nhân BN867 (có lịch sử di chuyển giữa Hà Nội và Hải Dương) tương đồng với virus gây bệnh đang lưu hành tại Đà Nẵng. Bộ Y tế khẳng định đang nỗ lực hết sức để kiểm soát ổ dịch ở Hải Dương.

"Tập trung truy vết thật nhanh, khoanh vùng nhanh, lấy mẫu và xét nghiệm nhanh", GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tinh thần chống dịch ở Hải Dương khi đưa ra nhận định, tới đây, Hải Dương có thể có thêm các ca nhiễm.

Đối với Hà Nội, đến nay đã ghi nhận 11 ca mắc COVID-19, là các ca lẻ tẻ, đều liên quan đến Đà Nẵng. Đại diện Bộ Y tế cũng đưa ra nhận định, vài ngày tới, Hà Nội có thể có thêm ca mắc. Thủ đô đang triển khai lấy mẫu trên diện rộng.

Tình hình chung, Việt Nam sẽ có thể có thêm các ổ dịch rải rác trong cộng đồng, có thể ở tỉnh này, tỉnh khác. Do đó, Quyền Bộ trưởng lưu ý và đề nghị các địa phương phải luôn tăng cường nâng cao cảnh giác, bởi phát hiện kịp thời, càng sớm khoanh vùng, dập dịch càng thuận lợi.

Về công tác xét nghiệm, từ 25/7 đến nay, sau hơn 3 tuần, lượng xét nghiệm chúng ta đã thực hiện bằng tổng 6 tháng trước đây với 785.000 mẫu đã thực hiện.

Số lượng này ngày càng tăng. Ngoài ra, nếu lượng xét nghiệm trong các cơ sở điều trị trước đây chỉ chiếm 10% (chủ yếu là ở cộng đồng hay khối dự phòng), nhưng nay có xu hướng tăng, riêng ngày hôm qua tăng lên 40%. Với sự chỉ đạo của BCĐQG, Bộ Y tế, các cơ sở điều trị đã làm xét nghiệm để nâng cao mức độ cảnh giác.

Bộ Y tế cho hay tới đây sẽ chỉ đạo tất cả các bệnh viện, đặc biệt tại các bệnh viện Trung ương sẽ lập các labo có khả năng, năng lực xét nghiệm lớn, giúp tăng cường hỗ trợ địa phương trong trường hợp địa phương phát hiện dịch.

Bài học từ Đà Nẵng cho thấy, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ, kịp thời của trung ương cho khối xét nghiệm địa phương, công suất xét nghiệm của thành phố này được nâng lên rất lớn, hoàn toàn chủ động xét nghiệm diện rất rộng.

Cũng liên quan tới xét nghiệm, khẳng định của Bộ Y tế cho thấy từ đầu dịch đến nay, Việt Nam không triển khai xét nghiệm COVID-19 theo hình thức dịch vụ. Bệnh viện nào, đơn vị nào thực hiện xét nghiệm dịch vụ là vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm.

Liên quan đến vaccine phòng COVID-19, trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, một loại vaccine đã sử dụng ở nước ngoài khi vào Việt Nam thì không phải làm thí nghiệm trên động vật nhưng phải áp dụng trên người, để thử nghiệm tính an toàn, hiệu lực (tính sinh miễn dịch) của vaccine đó, thời gian phải mất từ 6 tháng – 1 năm thậm chí một vài năm.

Theo PGS Phu, kỹ thuật sản xuất vaccine phụ thuộc năng lực của các quốc gia và các nhà sản xuất. Về cơ bản, phải thực hiện trong phòng thí nghiệm, tiêm ở động vật, ra thực tiễn phải áp dụng trên người nhóm nhỏ, nhóm lớn.

Việc đánh giá thử nghiệm lâm sàng trên người cũng phải qua nhiều giai đoạn. Ngoài tính an toàn, hiệu lực, phải tính xem có ứng dụng được trên thực tế hay không. Chưa kể, đối tượng người ở châu lục này có thể khác đối tượng người châu khác, chủng tộc khác.

Võ Thu

Theo GiaDinh

----

Xem thêm:

Đã có kết quả giải mã gene chủng virus gây chùm ca bệnh COVID-19 ở Hải Dương

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa thông báo kết quả phân tích, giải mã gene của chủng virus SARS-CoV-2 chùm ca bệnh ở Hải Dương.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã công bố thêm một ca mắc liên quan đến quán ăn Thế giới bò tươi ở 36 phố Ngô Quyền, thành phố Hải Dương đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 là ca bệnh 950 (BN 950). 

Bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nam Sách. Đến nay, Hải Dương đã phát hiện 5 ca dương tính, trong đó 1 ca được chuyển về Hà Nội (bệnh nhân 751 do có lịch sử dịch tễ chủ yếu ở Hà Nội).

da-co-ket-qua-giai-ma-gene-chung-virus-gay-chum-ca-benh-covid-19-o-hai-duong

Ảnh minh hoạ: Thanh Đặng.

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 hôm 14/8, nhận định về chùm ca bệnh ở Hải Dương, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng rất đáng ngại. Theo đó, các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang khẩn trương tiến hành phân tích sâu, giải mã gene virus SARS-CoV-2 chùm ca bệnh ở Hải Dương để xem xét mức độ liên quan với chủng virus gây bệnh ở Đà Nẵng.  

Theo thông tin từ Báo Tin tức (TTXVN), ngay trong cuộc họp khẩn chiều 15/8, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương Nguyễn Đình Thực cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa xét nghiệm và cho thấy giải mã gene của virus SARS-CoV-2 ở các ca bệnh ở Hải Dương cho kết quả giống với virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở Đà Nẵng.

Như vậy, đây vẫn là chủng SARS-CoV-2 thứ 6 tại Việt Nam (phát hiện hồi tháng 7/2020), có mức độ lây lan nhanh hơn 5 chủng được tìm thấy trước đây tại nước ta.

Cũng liên quan tới công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Hải Dương, nhận được yêu cầu từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương hôm 14/8, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có công văn đề nghị Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cử một đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch COVID-19 hỗ trợ cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương với 5 thành viên bao gồm 1 chuyên gia về hồi sức tích cực, 1 chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn, 1 chuyên gia về truyền nhiễm, 1 chuyên gia về xét nghiệm và 1 điều dưỡng hồi sức tích cực.

TS.BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, ngay trong tối 14/8, các bác sĩ đã lên đường và có mặt tại Hải Dương, trong đoàn có những bác sĩ từng chống dich tại Vĩnh Phúc. Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương không còn tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, các bác sĩ đã sẵn sàng tâm lý, chuyên môn và trang thiết bị, phương tiện cho phòng dịch.

Nhiệm vụ cụ thể của đội ngũ chuyên gia này, BS Dũng cho hay sẽ hỗ trợ chuyên môn phòng chống dịch, kỹ thuật xét nghiệm (chuẩn hoá quá trình xét nghiệm SARS-CoV-2), giúp bệnh viện tổ chức lại khu vực điều trị, cách ly các ca bệnh nghi ngờ; phân luồng sàng lọc bệnh nhân khám, điều trị; hỗ trợ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn...

Tính đến 6h ngày 16/8, Việt Nam có tổng cộng 951 ca mắc COVID-19, trong đó 334 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay và 617 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 477 ca. Dịch đã xuất hiện tại 15 tỉnh, thành phố (các trường hợp mới được phát hiện này chủ yếu đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại Đà Nẵng gồm: Đà Nẵng (336), Quảng Nam (90), Đắk Lắk (03), TP. HCM (08), Quảng Ngãi (05), Hà Nội (08), Thái Bình (01), Đồng Nai (02), Hà Nam (01), Bắc Giang (06) và Lạng Sơn (04), Thanh Hóa (01), Quảng Trị (07), Hải Dương (4), Khánh Hòa (01)

Theo GiaDinh