Sự thật đằng sau nhãn "khủng", vỏ vàng óng bày tràn lan trên thị trường



Vỏ mỏng, màu vàng sáng, cùi dày, kích thức to ngang quả vải thiều,... loại nhãn khổng lồ xuất hiện tràn lan tại các chợ khiến nhiều người tò mò lẫn nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ.

Sự thật đằng sau nhãn khổng lồ, vỏ vàng óng 

Đang vào mùa nhãn chín rộ nên khoảng 1 tháng nay, tại các chợ và trên các tuyến phố của Hà Nội, có thể thấy nhãn lồng Hưng Yên được bày bán tràn lan. Vào sạp nào cũng có thể mua được loại đặc sản này, giá dao động chỉ từ 25.000-50.000 đồng/kg, tùy loại. Nổi bật trong số đó là loại nhãn có kích thước khủng, to ngang quả vải thiều, vỏ bên ngoài có màu vàng sáng bóng nhìn rất đẹp mắt.

Theo lời quảng cáo của người bán, loại nhãn lồng giống mới này được trồng ở Hưng Yên, rất hút khách mua bởi cùi nhãn khá dày, vỏ mỏng, ăn lại khá ngọt. Đặc biệt, do mẫu mã cũng như màu sắc của vỏ nhãn rất đẹp nên nhiều người chọn mua đem biếu tặng người thân, bạn bè.

Trả lời phỏng vấn Vietnamnet, ông Vũ T.N, Giám đốc một công ty chuyên doanh nông sản hữu cơ, cho biết, loại nhãn quả to khủng được bày bán ở chợ Hà Nội hiện nay là nhãn Miền Thiết (1 trong 6 loại nhãn lồng được trồng ở Hưng Yên). Còn về chuyện vỏ nhãn có màu vàng sáng, ông N. thừa nhận, các loại nhãn có vỏ màu vàng sáng đúng là được dùng lưu huỳnh để xử lý.

Theo ông Vũ T.N, "Phương pháp này được các nước trên thế giới áp dụng khá nhiều. Tại Việt Nam, Bộ NN-PTNT cũng cho phép áp dụng. Song, khi làm phải đảm bảo đúng liều lượng, thời gian cách ly tối thiểu 2 ngày để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi ăn nhãn".

Sự thật đằng sau nhãn

Theo chuyên gia, vỏ loại nhãn có màu vàng sáng là do sử dụng phương pháp dùng lưu huỳnh làm sinh tiết hóa khô nên quả nhãn sẽ có màu sắc bắt mắt hơn màu tự nhiên rất nhiều (Ảnh minh họa)

Giải đáp vấn đề này, PSG-TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện sinh học - Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, quả nhãn tươi muốn khỏi bị thâm người ta thường cho nhãn vào thùng bằng giấy hoặc sọt rồi đốt lưu huỳnh ở dưới đáy cho cháy lên tạo thành khí SO2, khí đó bay lên và bao phủ quanh vỏ, làm cho quả nhãn sáng hơn và không bị mốc, hỏng.

Đây là phương pháp sinh tiết hóa khô và chất lưu huỳnh được phép dùng trong công nghệ thực phẩm. Phương pháp này không chỉ riêng áp dụng với nhãn mà lưu huỳnh còn được dùng để bảo quản nhiều loại quả khác, như quả vải hay các loại thực phẩm khô.

Song, PSG-TS. Nguyễn Duy Thịnh cũng lưu ý, trong quá trình đốt lưu huỳnh để khí SO2 bám vỏ hoa quả mà ngửi trực tiếp khí này thì sẽ rất độc hại với sức khỏe, mắt lúc nào cũng có hiện tượng cay, chảy nước mắt. Thế nên, cần tránh tiếp xúc trực tiếp khi đốt lưu huỳnh.

Cũng theo PGS-TS Thịnh, mặc dù hàm lượng lưu huỳnh chỉ bám vào bề mặt ngoài, khi khí SO2 bay hết đi thì quả nhãn có thể ăn bình thường nhưng người bán cũng phải cách ly số nhãn này ít nhất là 2 ngày mới dám đem bán. Bởi lẽ nếu khí SO2 bám ở vỏ nhãn nếu chưa bay hết thì khi ngửi sẽ có mùi hơi hắc, gây cảm giác khó chịu. Do vậy mà nhiều người khi mua nhãn thấy mùi lạ thường hay nghi ngờ nhãn đã bị ủ ướp hoá chất độc hại.

Trước đó không lâu, ngày 16/8, Công an thị xã Thái Hòa bắt giữ 1 xe ô tô tải chở 2.1 tấn hoa quả đựng trong các thùng mang nhãn mác Trung Quốc, không rõ nguồn gốc. Trên xe có 136 thùng với đủ các mặt hàng như: nho, táo, lê, nhãn, na, thanh long, mận, xoài, cam, dưa lưới, dưa hấu...

Có thế thấy hiện nay hoa quả Trung Quốc "đội lốt" Made in VietNam đang tràn lan trên thị trường Việt rất khó phân biệt gây hoang mang cho người dân.

Cách phân biệt nhãn tẩm hoá chất và nhãn an toàn

Nhãn an toàn

- Nhãn có cuống còn xanh

- Trên bề mặt vỏ có gai sần sùi, kích thước quả nhãn nhỏ, đều nhau.  

- Mã vàng sậm hơn, tươi lâu vì được hái và vận chuyển, tiêu thụ ngay.

Nhãn tẩm hoá chất

- Đầu cuống có mùi lạ lạ hăng hắc, mất mùi thơm tự nhiên

- Vỏ sáng hơn nhãn tự nhiên hoặc màu đen xám nếu dùng hoá chất quá nhiều khiến vỏ bị cháy

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khi mua nhãn về nên hòa muối vào nước sạch để rửa nhãn (tốt nhất là ngâm nhãn trong nước muối loãng khoảng 10 phút). Khi ăn nhãn, tuyệt đối không được cho nhãn vào miệng cắn bởi vỏ nhãn có nhiều nấm, mốc và vi khuẩn, thậm chí có cả hóa chất bán trên bề mặt vỏ nhãn.

Theo Kim Thanh (Giadinhvietnam)