Thứ trưởng Bộ Y tế: "Không đánh đồng tiêm đủ 2 liều vaccine với khả năng bảo vệ không mắc COVID-19"

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn khẳng định người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 vẫn phải tuân thủ nguyên tắc 5K.

Bản tin tối 13/6 của Bộ Y tế cho hay TP.HCM có thêm 44 ca mắc COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân được ghi nhận trong hôm nay lên 95, lập kỷ lục mới số ca mắc trong ngày tại TP đông dân nhất nước.

Tại TP HCM đã có 789 ca mắc COVID-19, xếp thứ 3 cả nước chỉ sau Bắc Giang và Bắc Ninh. Đặc biệt, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ghi nhận 53 nhân viên nhiễm SARS-CoV-2 chỉ trong vài ngày.

thu-truong-bo-y-te-khong-danh-dong-tiem-du-2-lieu-vaccine-voi-kha-nang-bao-ve-khong-mac-covid-19

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ghi nhận 53 nhân viên nhiễm SARS-CoV-2 chỉ trong vài ngày.

Họ là nhân viên làm việc trong các phòng, ban thuộc khối hậu cần của bệnh viện. 53 nhân viên dương tính đang được cách ly điều trị tại khoa Nhiễm A và Nhiễm D. 52/53 nhân viên hoàn toàn không có triệu chứng.

Từ mũi tiêm vaccine đầu tiên vào đầu tháng 3/2021, trước khi mắc COVID-19, các nhân viên này đều được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ 2 liều.

"Chúng ta không nên đánh đồng việc tiêm chủng 2 lần với tác dụng bảo vệ không mắc COVID-19" – PGS.TS Nguyễn Trường Sơn nói tối 13/6.

thu-truong-bo-y-te-khong-danh-dong-tiem-du-2-lieu-vaccine-voi-kha-nang-bao-ve-khong-mac-covid-19

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế.

Ông cho hay, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các hãng sản xuất vaccine, việc tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine COVID-19 và sau một khoảng thời gian tạo miễn dịch cho cơ thể thì hiệu quả cao nhất mà vaccine mang lại là nếu người được tiêm không may mắc COVID-19 thì sẽ mắc ở mức độ nhẹ hơn.

Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 vẫn phải tuân thủ nguyên tắc 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn - Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế.

TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho hay theo y văn quốc tế trong số những người đã tiêm vaccine, vẫn có tỷ lệ nhất định có thể nhiễm SARS-CoV-2. Nhưng những người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu nhiễm SARS-CoV-2 thì ít có khả năng phát triển thành bệnh. Thực tế cho thấy trong số 52 nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh nhiễm SARS-CoV-2 đợt này (một người chưa được tiêm vaccine do đang có thai 3 tháng) chỉ có một người có triệu chứng nhẹ và người này hiện đang thực hiện công tác theo hình thức online để hỗ trợ hoạt động của Bệnh viện.

Khuyến cáo này cũng được BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, đưa ra. Người dân phải chấp hành nghiêm quy định 5K, kể cả với người đã tiêm vaccine COVID-19 hoặc người tiếp xúc với người đã tiêm vaccine.

BS Khanh khẳng định không có vaccine nào có tỷ lệ bảo vệ 100%. Trong thực tế, luôn luôn có một tỷ lệ người đã tiêm vaccine và vẫn mắc bệnh. "Tất cả vaccine đều thế và vaccine COVID-19 cũng vậy" – BS Khanh cho hay.

Hơn hết, việc tiêm vaccine mang lại nhiều lợi ích cho bản thân người tiêm và cộng đồng. Tiêm vaccine theo BS Khanh là biện pháp để người được tiêm không mắc bệnh (tuy nhiên tỷ lệ bảo vệ không thể đạt 100%). Tiêm vaccine cũng là để người mắc bệnh không dễ dàng lây cho người khác và khó bị người khác lây, tuy nhiên, mục tiêu này chưa thể đạt được nếu tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp.

Đặc biệt, việc tiêm vaccine giúp người mắc bệnh (đã được tiêm) không bệnh nặng, không tử vong.

Vì thế, vị chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm này một lần nữa khẳng định vaccine COVID-19 là cơ hội duy nhất cho bản thân mỗi người, cho gia đình và cho cộng đồng, sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Trong bài viết chuyên môn đăng tải trên trang cá nhân, GS.TS Trần Tịnh Hiền - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho hay vaccine giúp những người bị nhiễm virus COVID-19 không bị nặng hay tử vong (ở mức từ 60-70%), giảm bớt những trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng (ở mức 50-60%). Cùng với đó, một lợi ích to lớn hơn là miễn dịch cộng đồng cho người dân khi tỷ lệ tiêm chủng lên đến 70-80%.

Để đánh giá về hiệu quả vì sao đã tiêm đủ vaccine 2 lần vẫn mắc COVID-19, hiện nay Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM tiếp tục phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford theo dõi diễn tiến lâm sàng, nồng độ virus của các ca dương tính sau khi đã tiêm chủng vaccine nhằm đánh giá, làm rõ hiệu quả của vaccine COVID-19.

Theo GiaDinh

-----

Xem thêm:

Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19, phải hoàn thành trước 18/6

Hiện Việt Nam đã nhận được gần 3 triệu liều vaccine AstraZeneca. Trước 18/6, các đơn vị phải tiêm hết số liều còn lại.

Ngày 14/6, Bộ Y tế có 2 công văn hoả tốc gửi các bộ: Bộ Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; 4 viện vệ sinh dịch tễ đầu ngành (gồm: Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Pasteur TP HCM, Pasteur Nha Trang) về việc khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19. 

Theo đó, ngày 20/5, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BYT về phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 3. Ngày 31/5, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2684/QĐ-BYT; ngày 5/6, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2789/QĐ-BYT về điều chỉnh phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 3 cho các đơn vị, địa phương, trong đó đề nghị các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai ngay khi nhận được vaccine và hoàn thành trước ngày 15/8.

Đến nay tất cả các địa phương, đơn vị đã tiếp nhận vaccine COVID-19 và triển khai tiêm.

bo-y-te-yeu-cau-day-nhanh-tien-do-tiem-vaccine-covid-19-phai-hoan-thanh-truoc-18-6

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thực hiện phân bổ ngay vaccine phòng COVID-19 cho các đơn vị để các địa phương, đơn vị tổ chức tiêm chủng hoàn thành trước ngày 18/6.

"Đây là nhiệm vụ cấp bách đề nghị các Viện tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Bộ Y tế" - Công văn do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, nêu rõ.

Tại công văn gửi các bộ: Bộ Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện huy động toàn bộ lực lượng y tế và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ; đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức tiêm ngay vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn hoàn thành trước ngày 18/6 đảm bảo an toàn, không đợi tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 để tăng độ bao phủ tiêm chủng; huy động các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng xử trí các trường hợp tại biến nặng sau tiêm, đảm bảo tiếm đến đâu an toàn đến đó.

"Các đơn vị tổ chức triển khai tiêm ngay" - công văn nhấn mạnh. 

Tại công văn gửi các viện vệ sinh dịch tễ, Bộ Y tế yêu cầu các viện cần chủ động điều phối vaccine cho các đơn vị theo quy định tại khoản 2, Điều 2, Quyết định số 2499/QĐ-BYT ngày 20/5 của Bộ Y tế, không yêu cầu các đơn vị gửi công văn đề nghị cho Bộ Y tế trước khi điều chuyển.

Các đơn vị đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai tiêm chủng cho các đối tượng trên địa bàn. Bộ Y tế lưu ý, với trường hợp không triển khai kịp thì phối hợp với sở y tế các tỉnh, thành phố để thực hiện việc điều chuyển vaccine COVID-19 cho các đơn vị, địa phương khác và báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng theo quy định).  

Các viện vệ sinh dịch tễ cũng phải tổ chức các đoàn hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố thuộc phân vùng quản lý về việc tổ chức tiêm chủng, giám sát phản ứng sự cố bất lợi sau tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả.  

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã đàm phán thành công và sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine COVID-19 trong năm 2021 từ các hãng AstraZeneca, Pfizer-BioNTech, Moderna, từ Nga và Cơ chế Covax.

Trong đó, Việt Nam đã nhận hai lô, gồm 811.200 liều vào ngày 1/4 và 1.682.400 liều từ COVAX facility vào ngày 16/5, đều là vaccine AstraZeneca. Ngoài ra, Công ty VNVC đã đặt mua trực tiếp 30 triệu liều từ AstraZeneca, đã nhận hai lô tổng cộng hơn 400.000 liều.

Tính đến ngày 14/6, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 với hơn 1,5 triệu liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 là hơn 56.000 người.

Theo GiaDinh