Thuốc điều trị Covid-19 của Nga loạn giá, thận trọng khi mua và dùng

Trên thị trường hiện nay xuất hiện tình trạng chào bán thuốc kháng virus có tên Areplivir- thuốc đặc trị Covid-19 của Nga với nhiều mức giá khác nhau.

Báo VnExpress dẫn nguồn tin từ một khách hàng tên G, theo như khách hàng này, nhà chị có bố và hai em gái là F0 điều trị tại nhà song khó tiếp cận thuốc đặc trị nên chị đã tìm hiểu trên mạng rồi đặt mua thuốc kháng virus của Nga.

Theo ghi nhận của chị G. loại thuốc này trên nhãn ghi Areplivir, được người bán giới thiệu là thuốc đặc trị Covid-19, dùng ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Người bán cho biết "người Nga sử dụng nhiều và rất hiệu quả". Thuốc được chào bán trên nhiều hội nhóm online, một hộp gồm 40 viên, thông tin trên bao bì ghi bằng tiếng Nga, khi mua người bán sẽ hướng dẫn sử dụng, giá thành mỗi nơi một khác. "Có nơi bán một triệu một hộp, nơi khác bán 6-7 triệu đồng.

Cảm thấy không an tâm, chị nhờ người quen từ Nga gửi thuốc về, giá 2 triệu rưỡi đồng một hộp. Bố và hai em gái chị G dùng thuốc ngay khi ghi nhận dương tính nCov, liều 8 viên một ngày chia hai lần, mỗi lần 4 viên. Sau ba ngày, kết quả xét nghiệm lại âm tính. Tuy nhiên, do sợ virus vẫn còn trong cơ thể, cả ba người uống thuốc suốt một tuần mới ngừng.

thuoc-dieu-tri-covid-19-cua-nga-loan-gia-than-trong-khi-mua-va-dung

 Thuốc kháng virus điều trị Covid-19 của Nga loạn giá người dân cần thận trọng khi mua. Ảnh: VnExpress

Tiếp đến chị B ở quận Hoàng Mai, cũng mua thuốc Areplivir, giá 4 triệu một hộp, mặc dù không mắc Covid-19. "Tôi mua thuốc dự phòng, là vì chứng kiến nhiều người không tiếp cận được y tế và thuốc đặc trị trong trong khi Hà Nội mỗi ngày ghi nhận gần 2.000 ca nhiễm mới", chị B giải thích.

Theo khảo sát, nhiều trang chuyên bán hàng sỉ lẻ, bán hàng xách tay Nga, Facebook cá nhân hay các hội nhóm cư dân... rao bán thuốc Areplivir, giá trung bình từ 3 đến 4 triệu một hộp 40 viên.

Bên cạnh thuốc Areplivir, những người bán hàng còn quảng cáo thêm hai loại thuốc khác, cũng của Nga, là Arbidol, một loại hộp màu xanh và một loại hộp màu đỏ, giá gần tương đương, khoảng 300.000 đến 500.000 đồng một hộp 10 viên. Thuốc được giới thiệu "hỗ trợ quá trình tăng đề kháng, đẩy lùi và ức chế virus, giảm biến chứng.

Thông tin về các loại thuốc trên, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) cho biết, thuốc Areplivir chứa hoạt chất chính là favipiravir. Hoạt chất này cũng đã được Bộ Y tế đưa vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, ban hành tháng 12. Liều dùng của favipiravir 200 g là ngày đầu uống hai lần, mỗi lần 1.600 mg. Các ngày sau uống 600 mg cho mỗi lần. Thời gian điều trị 5-7 ngày.

Bác sĩ Hoàng cho rằng: "Thuốc Areplivir hiệu quả, dùng trong giai đoạn sớm, khi mới biết mình nhiễm, virus đang nhân lên. Các thuốc Arbidol (loại nhãn xanh và đỏ) có thể có tác dụng nhưng chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng".

Hồi tháng 6/2020, thuốc Areplivir đã được Bộ Y tế Nga phê duyệt, cho phép bán tại các hiệu thuốc thương mại từ tháng 9/2020, giá một hộp 40 viên khoảng 162 USD. Tuy nhiên thuốc được bán theo chỉ định của bác sĩ (thuốc kê toa) và được khuyến cáo sử dụng trong 24 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện dấu hiệu mắc Covid-19.

Hiện các thuốc này về Việt Nam đều là nhập khẩu không chính thức. Bác sĩ Hoàng cho rằng người dân tự ý mua thuốc trị Covid-19 không rõ nguồn gốc vừa sai về mặt pháp lý do thuốc không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, vừa rủi ro rất lớn về mặt sức khỏe, thậm chí nguy hại tới tính mạng khi dùng không đúng chỉ định; chưa kể có thể gặp thuốc giả.

Bác sĩ Hoàng nhận định: "Thực tế, nhập thuốc từ Nga về Việt Nam là rất khó, liên quan đến nhiều vấn đề về sở hữu trí tuệ...". Mặt khác, các thuốc nói trên đều có nguồn gốc không rõ ràng, giá cả thay đổi liên tục, không chỉ hàng tuần mà hàng ngày. Có những đợt giá thuốc lên tới 6-7 triệu, hiện khoảng 2-3 triệu một hộp Areplivir.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo F0 tại nhà không nên lạm dụng thuốc nếu không có chỉ định. Thực tế đã có nhiều trường hợp dùng sai thuốc, quá liều thuốc gây ngộ độc. Bác sĩ khuyên nếu sử dụng bất kỳ thuốc gì cần hỏi rõ ý kiến chuyên gia.

Trước đó, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế TP HCM yêu cầu kiểm tra, xác minh tình trạng mua bán thuốc điều trị Covid-19 (đang thử nghiệm lâm sàng, chưa được phép lưu hành) trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến. Công văn đưa ra trước bối cảnh thành phố ghi nhận tình trạng một số người lợi dụng tâm lý lo lắng và nhu cầu dự trữ thuốc điều trị Covid-19, thiếu hụt "túi thuốc C" (túi thuốc được cấp cho bệnh nhân Covid-19 có chứa thuốc molnupiravir) đã rao bán thuốc này trên mạng.

Hiện ba loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 ở Việt Nam, gồm: favipiravir, remdesivir và molnupiravir, đều chưa cấp phép. Thuốc kháng virus favipiravir 200 mg được dùng cho bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình. Thuốc remdesivir vẫn dùng cho bệnh nhân nặng, thời gian điều trị 5-7 ngày. Với thuốc molnupiravir thì chỉ định, chống chỉ định và liều dùng như đang áp dụng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.

Bộ Y tế cũng nêu rõ nguyên tắc điều trị đối với thuốc kháng virus. Cụ thể, đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất một nước, thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ remdesivir, favipiravir...).

Trong diễn biến liên quan tới tình hình dịch Covid-19, theo cập nhật đến 6 giờ sáng 30/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 284.412.134 ca, trong đó có 5.436.825 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch tái bùng phát dịch bệnh với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch Covid-19 đảo chiều, khiến số ca mắc mới và tử vong tăng mạnh trở lại.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới, biến thể Omicron dự kiến sẽ chiếm chủ đạo số ca mắc tại châu Âu trong tháng tới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 300.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021 chứng kiến trên 100.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.800 ca.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 252.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 24 triệu ca và trên 89.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 29/12, thế giới có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 74 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero Covid-19” sang “sống chung với Covid-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” Covid-19 mới.

Theo VietQ