Tìm Người Bí Ẩn hay tìm bạo lực?

Liên tục làm người xem “ớn lạnh” với các màn biểu diễn dùng máy khoan bụng, dập đầu, nuốt cá sống… liệu chiêu “câu” khán giả của chương trình này có đang đi quá xa?

Tài năng rùng rợn

“Người Bí Ẩn” mùa đầu tiên đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí số 1 trên bảng xếp hạng các chương trình có số lượng người xem cao nhất trên sóng HTV.

Có lẽ vì áp lực phải giữ vững thành tích này nên sang đến mùa thứ 2, nhà sản xuất chương trình đã tăng gấp đôi số lượng những thí sinh có khả năng biểu diễn những màn mạo hiểm thót tim.

Tuy nhiên, với tiêu chí giới thiệu đến người xem những gương mặt có tài năng đặc biệt và “lạ”, có lẽ nhà sản xuất của “Người Bí Ẩn” đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm tài năng và mua vui đơn thuần.

Ví dụ như màn nuốt cá sống của nghệ sĩ xiếc tự do Nguyễn Hữu Khanh. Nói về tính giải trí, màn diễn này khiến khán giả “lợm giọng” nhiều hơn là hào hứng.

Nói về tính nhân văn, liệu việc ăn tươi nuốt sống động vật ngay trên sóng truyền hình như vậy có phù hợp với đối tượng khán giả thiếu nhi luôn được dạy phải yêu thương động vật hay không?

Xét đến yếu tố tài năng, liệu việc nuốt cá sống có nên coi là một loại tài năng? Bởi “nuốt” thì rất nhiều người làm được, nhưng người ta không làm không phải vì họ không có khả năng.

Hay những ai có theo dõi “Người Bí Ẩn” đã không ít lần khiếp vía với cái gọi là “tài năng Việt” như chặt gạch bằng đầu, lấy máy khoan khoan bụng, khoan yết hầu…

Những tiết mục kinh dị kiểu này không khỏi gợi nhớ đến những màn biểu diễn đóng đinh vào mũi, bắn ghim vào đầu, và đặc biệt là tai nạn uống nhầm axit trong chương trình Vietnam’s Got Talent hồi đầu năm.

Có lẽ đối với truyền hình thực tế Việt, “liều mạng” là một định nghĩa mới cho hai chữ “tài năng”?

Mang lại điều gì cho khán giả?

Đây là câu hỏi quan trọng nhất dành cho nhà sản xuất khi quyết định phát sóng các tiết mục này. Mặc dù đòi hỏi sự khổ luyện nhưng những pha mạo hiểm này không thể được xem là nghệ thuật xiếc chính quy.

Chúng chỉ là những trò “sơn đông mãi võ” được truyền dạy bằng kinh nghiệm trong các nhóm xiếc “dạo” chuyên biểu diễn góp vui tại các quán nhậu, quán ăn.

Việc nâng tầm một phương thức “mưu sinh đường phố” lên thành “tài năng” liệu có ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về tài năng đúng nghĩa của các khán giả nhỏ tuổi?

Ngoài ra, cho dù nhà đài luôn cẩn trọng chạy chữ cảnh báo “không khuyến khích làm theo”, “không được bắt chước”, nhưng khán giả trẻ em với tâm lý quan sát – bắt chước – thể hiện mình thường không thể lường hết những hiểm nguy phát sinh từ những trò mạo hiểm này.

Nhà báo Lại Văn Sâm, Trưởng ban sản xuất các chương trình giải trí, Đài Truyền hình Việt Nam, từng phát biểu sau sự cố “uống axit” của Vietnam’s Got Talent: “Với quan điểm cá nhân, tôi không cho đây là tài năng. Những tiết mục có độ rủi ro cao như thế nên hạn chế vì nó không mang lại điều gì cho khán giả”.

Có lẽ Ban tổ chức của các chương trình “tìm kiếm tài năng Việt” cũng nên cân nhắc lời khuyên này để tìm cho mình một hướng đi phù hợp.


Những màn biểu diễn “hành xác” trong chương trình “Người Bí Ẩn”.

Theo Vương Giang (NTD)