Tin sáng 1/3: Hà Nội cho phép tập golf, lướt ván trên hồ Tây; tài xế cầm dao chém lốp xe buýt ân hận, khóc nấc nói xin lỗi con gái

Trong số 10 loại hình kinh doanh được cấp phép hoạt động ở hồ Tây, Hà Nội cho phép kinh doanh sân tập golf trên mặt nước, bơi thuyền, ca nô, lướt ván...; Trái với hình ảnh hung hăng, cầm dao giải quyết mâu thuẫn với nhân viên xe buýt, tại trụ sở công an, Nguyễn Lê Tuấn Đức khóc rất nhiều, đặc biệt mỗi khi nhắc đến con gái.

Hà Nội cho phép tập golf, lướt ván trên hồ Tây

tin-sang-1-3-ha-noi-cho-phep-tap-golf-luot-van-tren-ho-tay-tai-xe-cam-dao-chem-lop-xe-buyt-an-han-khoc-nac-noi-xin-loi-con-gai

Hà Nội cấp phép kinh doanh nhiều loại hình ở hồ Tây, trong đó có lướt ván, ván buồm

Theo Quyết định ban hành quy định quản lý và khai thác hồ Tây vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, thành phố cho phép 10 loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí trên khu vực quản lý hồ Tây.

Trong đó, Hà Nội cho phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy như thuyền, cano, mô tô nước, xe đạp nước… nhưng không lưu trú qua đêm.

Các loại hình khác bao gồm: Kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật biểu diễn; kinh doanh sân tập golf trên mặt nước; hoạt động bơi thuyền, ca nô, xe đạp nước, lướt ván, ván buồm; tổ chức các lễ hội truyền thống, các giải đua thuyền; hoạt động bơi, lặn.

Cùng với đó, thành phố cho phép xe điện bánh lốp, xe đạp, xích lô du lịch trên các tuyến đường dạo xung quanh hồ Tây.

Các hoạt động mang tính trình diễn cũng được cấp phép bao gồm biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn.

Theo quyết định trên, UBND quận Tây Hồ chịu trách nhiệm bố trí kinh phí, giao nhiệm vụ cho đơn vị có chức năng thường xuyên thực hiện việc quan trắc, kiểm tra chất lượng nước hồ, xác định nguyên nhân tác động có thể gây ô nhiễm nước hồ để xử lý theo quy định.

UBND quận Tây Hồ cũng được giao tổ chức thực hiện đầu tư, quản lý sau đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ với các nội dung: quản lý, chống lấn chiếm lòng hồ; đầu tư, quản lý sau đầu tư hè, lòng đường (trừ quản lý tổ chức giao thông), kè, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ, lan can, chiếu sáng, vệ sinh môi trường...

Trước đó vào ngày 31/1, UBND quận Tây Hồ tổ chức lễ ra mắt Ban Quản lý Hồ Tây. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận Tây Hồ.

Ban Quản lý Hồ Tây có trách nhiệm giúp việc cho UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất khu vực hồ Tây và vùng phụ cận; tổ chức, thực hiện nhiệm vụ quản lý khu vực hồ Tây và vùng phụ cận trong phạm vi được giao theo quy định của UBND TP.

Quá khứ bất ngờ của nữ phạm nhân xinh đẹp, hát hay ở trại giam Xuân Lộc: Từng thi Thách thức danh hài

tin-sang-1-3-ha-noi-cho-phep-tap-golf-luot-van-tren-ho-tay-tai-xe-cam-dao-chem-lop-xe-buyt-an-han-khoc-nac-noi-xin-loi-con-gai

Nữ phạm nhân Phùng Thị Thắng

Tại buổi biểu diễn "Mang xuân về trại giam" tại trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) dịp cận Tết nguyên đán 2024 vừa qua, phần giao lưu văn nghệ của nữ phạm nhân Phùng Thị Thắng (29 tuổi, quê Bắc Giang) nhận được nhiều sự chú ý. Cụ thể, khi Quán quân Solo cùng Bolero 2015 Thu Hằng mời song ca ngẫu hứng ca khúc "Ngày mai người ta lấy chồng", Thắng đã rất tự tin, thể hiện một cách chuyên nghiệp. Khi nữ phạm nhân cất giọng, cả trại giam đều bất ngờ và cổ vũ nhiệt tình.

Đoạn clip ghi lại phần thể hiện của Phùng Thị Thắng nhận được 1,2 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Nhiều bình luận ngợi khen nữ phạm nhân tự tin, hát có cảm xúc.

Theo tìm hiểu, nữ phạm nhân Phùng Thị Thắng bị tuyên án 19 năm tù vào cuối năm 2021 vì tội cướp tài sản.

Cụ thể, ngày 10/10/2020, Thắng đội mũ, đeo khẩu trang, mặc áo dài tay đi taxi đến chi nhánh Ngân hàng Techcombank (quận Tân Phú, TP.HCM). Khi vào phòng giao dịch, người này dọa nổ bom và yêu cầu nhân viên ngân hàng bỏ tiền vào túi xách. Trước khi rời đi cùng số tiền 2,2 tỷ đồng , Thắng đã khóa cửa, nhốt nhân viên lại bên trong.

Thắng bị cảnh sát bắt giữ khi đang trên đường trốn tại một Trung tâm thương mại Vincom đường Cộng Hòa.

Tại cơ quan điều tra, Thắng khai nợ nần chồng chất, muốn cướp vài trăm triệu đồng để trả nợ. Việc cướp số tiền hơn 2 tỷ đồng nằm ngoài dự tính của Thắng.

Điều đặc biệt, Phùng Thị Thắng là một gương mặt khá quen khi từng tham gia nhiều gameshow truyền hình, trong đó phải kể đến Thách thức danh hài.

Bị dư luận phản ứng, tên gọi 'ga tàu thủy' sẽ đổi thành 'bến tàu'

tin-sang-1-3-ha-noi-cho-phep-tap-golf-luot-van-tren-ho-tay-tai-xe-cam-dao-chem-lop-xe-buyt-an-han-khoc-nac-noi-xin-loi-con-gai

Cách viết "ga tàu thủy" gây phản ứng trong dư luận. (Ảnh: N.K.T.)

Gần đây, tại TP.HCM, nhiều người phản ứng với cách đặt tên bảng hiệu "ga tàu thủy" của 12 bến đón, trả khách thuộc tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông).

Họ cho rằng từ "ga" thường dùng cho hoạt động hàng không, đường sắt chứ chưa bao giờ thấy dùng cho bến tàu thủy, bến xe. Do đó việc đặt tên "ga tàu thủy" là không phù hợp.

"Ga là nơi tàu hỏa hoặc tàu bay dừng, đỗ, đón, trả khách; cung cấp các dịch vụ, tiện ích cần thiết cho hành khách đi tàu và lắp đặt các thiết bị, máy móc vận hành chạy tàu…", anh Trần Bình (ngụ Quận 1) nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1) cho biết đã nắm thông tin về vấn đề trên. Ông Toản giải thích tên gọi "ga tàu thủy" có từ khi tư vấn lập đề án và đặt tên khi đưa vào vận hành khai thác.

"Khi đặt tên và khai thác các bến, thấy không ai nói gì nên chúng tôi sử dụng luôn. Hiện tại chúng tôi vẫn đang lắng nghe với tinh thần luôn hướng về điều đúng. Do đó, tư vấn sai thì giờ chúng tôi bắt đầu sửa lại", ông Toản nói.

Theo ông Toản, trong hôm nay, phía công ty sẽ thực hiện điều chỉnh, thay đổi bảng hiệu "ga tàu thủy" thành "bến tàu" tại các bến đón, trả khách của tuyến buýt sông số 1.

Tuyến buýt sông số 1 có lộ trình dài 10,8km, được đưa vào khai thác từ năm 2017. Toàn tuyến có 12 bến đón, trả khách. Đây là loại hình vận tải công cộng đường thủy được TP.HCM kỳ vọng góp phần làm đa dạng hóa loại hình giao thông, giúp kéo giảm tải ùn tắc ngày càng trầm trọng trên đường bộ.

Hiện nay, mỗi ngày tuyến phục vụ từ 3.000 - 3.500 lượt hành khách; riêng hai ngày cuối tuần, lượng khách đi đạt 5.000 - 7.000 lượt.

Người phụ nữ khởi kiện do con không cùng huyết thống với chồng cũ

Ngày 29/2, nguồn tin của phóng viên Dân trí, xác nhận cơ quan chức năng tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã điều chỉnh theo quy định của pháp luật về hộ tịch cho một trường hợp trong việc xác định quan hệ cha, mẹ, con theo bản án của Tòa án nhân dân thành phố.

Trường hợp này một cháu trai được thay đổi họ, công nhận xác định mối quan hệ cha - con.

Theo bản án của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, năm 2007, bà Hạnh kết hôn cùng ông Nam và sau đó sinh được 2 người con.

Đến năm 2020, vợ chồng ông Nam không hạnh phúc nên đã nộp đơn ra tòa ly hôn. Sau đó, cả hai được tòa công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận bàn giao 2 người con cho bà Hạnh nuôi dưỡng, ông Nam sẽ chu cấp cho 2 con đến khi các cháu tròn 18 tuổi.

Sau ly hôn khoảng 1 năm, bà Hạnh nghi ngờ người con trai 6 tuổi không phải là con của ông Nam mà là con giữa bà với ông Quý (bà Hạnh và ông Quý đăng ký kết hôn tháng 6/2021). Do đó, bà đã làm thủ tục xét nghiệm AND để xác định quan hệ huyết thống cho con trai tại Trung tâm công nghệ di truyền Việt Nam.

Kết quả xác định ông Quý và con trai bà Hạnh có quan hệ huyết thống cha - con với tần suất 99,9%.

Do đó bà Hạnh đã có đơn khởi kiện đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm, hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa bà và chồng cũ để giải quyết lại theo quy định pháp luật.

Tại quyết định tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, quyết định hủy công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Hạnh và ông Nam, sự thỏa thuận giữa các đương sự.

Sau đó, Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự Tranh chấp xác định cha cho con, qua đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hạnh, bị đơn trong vụ việc là ông Nam (chồng cũ bà Hạnh).

Tuy nhiên, ông Nam không đến tòa án làm việc theo giấy triệu tập cũng không có văn bản gửi đến tòa nên tòa không ghi được lời khai của ông Nam.

Qua các tài liệu liên quan, Hội đồng xét xử tuyên xác định ông Quý và con trai bà Hạnh có quan hệ huyết thống cha con.

Ông Quý có quyền liên hệ với cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền để ghi chú theo quy định pháp luật về hộ tịch, các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con có liên quan theo quy định về tố tụng dân sự.

Theo một cán bộ tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đây là một vụ án khá hy hữu.

*Tên các nhân vật đã được thay đổi.

Công an xác minh nghi vấn 'biển thủ' tiền công đức ở đền ông Hoàng Mười

Hôm 29/2, trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cho biết, trước khi báo chí phản ánh về nghi vấn thành viên Ban quản lý đền ông Hoàng Mười "biển thủ tiền công đức", chính quyền địa phương đã nhận được nhiều nguồn tin khác. Do vậy, lãnh đạo huyện đã đề nghị Công an huyện Hưng Nguyên phối hợp, vào cuộc xác minh và điều tra sự việc.

Theo đoạn clip phản ánh, một người làm việc tại đền có nhiệm vụ lấy tiền mà du khách để trên các ban thờ rồi bỏ vào hòm công đức. Tuy nhiên, người này đã lấy tiền cho vào vỏ hộp bánh quy và đưa về cất tại giường cá nhân.

Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên thông tin, ngay trong hôm nay, ban quản lý đền sẽ có báo cáo trước phản ánh của người dân và báo chí.

"Chúng tôi đã đề nghị công an huyện vào cuộc điều tra, xác minh. Cơ quan chức năng đang mời những người liên quan đến làm việc", lãnh đạo huyện Hưng Nguyên cho biết thêm.

CSGT Bình Dương trao trả cọc tiền cho người đánh rơi

Sau khoảng 15 giờ đăng thông báo tìm người bị đánh rơi tài sản trên đường, sáng 29/2, ông Nguyễn Thanh Hòa (SN 1971, ngụ TP Thuận An, Bình Dương) đã liên hệ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an TP Thủ Dầu Một để nhận lại số tiền đánh rơi.

Theo ông Hòa, đây là số tiền hàng ông dùng để đi chợ, không may rơi trên đường. Ông cảm kích và vui mừng khi CSGT Bình Dương nhặt và trao lại người mất.

Trước đó, lúc 7h30 ngày 27/2, tổ tuần tra Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an TP Thủ Dầu Một trong lúc tuần tra trên tuyến đường Phú Lợi đoạn qua phường Phú Hòa (gần trụ sở Công an phường Phú Hòa) có nhặt được 1 cọc tiền với nhiều mệnh giá khác nhau.

Trong cọc tiền (hơn 10 triệu đồng) có một tờ giấy với nội dung ghi các món cần mua như bò, ếch, cá...

Tài xế cầm dao chém lốp xe buýt ân hận, khóc nấc nói xin lỗi con gái

tin-sang-1-3-ha-noi-cho-phep-tap-golf-luot-van-tren-ho-tay-tai-xe-cam-dao-chem-lop-xe-buyt-an-han-khoc-nac-noi-xin-loi-con-gai

Hình ảnh Đức hung hăng cầm dao chém xe buýt và khi bị công an triệu tập.

Ngày 28/2, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam 2 tháng đối với Nguyễn Lê Tuấn Đức (SN 1991, trú ở phố Ga, Thường Tín, Hà Nội) về hành vi Huỷ hoại tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự.

Tối 23 Tết (2/2), Tuấn Đức lái xe Mazda 3 chở con gái 3 tuổi đi sắm Tết trên đường Hoàng Quốc Việt.

Đến đoạn ngã tư gần Đại học Điện lực, ô tô của Đức bị một xe buýt tạt đầu, phải phanh gấp. Thấy con gái ngồi ghế phụ hoảng sợ, khóc thét, Đức hạ kính xuống hỏi "anh đi kiểu gì đấy?", nhưng đáp lại là tiếng chửi bới của tài xế xe buýt.

"Tôi bức xúc đuổi theo, khi xe buýt vừa vào trạm, tôi tiến lên chặn đầu xe. Tôi đi xuống, tài xế cũng mở cửa đi xuống. Tôi tưởng họ định đánh tôi nên theo phản xạ, tôi nhặt con dao, tiến về phía xe buýt, dùng sống dao gõ vào cửa kính chắn gió", bị can kể.

Đức tiến đến trước mặt nhân viên xe buýt nói "anh đi cẩn thận, trên xe còn có trẻ nhỏ" và rời đi. Thấy tài xế xe buýt rút điện thoại ra quay và nói gì đó, Đức quay lại chém 2 nhát vào lốp trước ghế lái của xe buýt. Anh ta lái xe thêm một đoạn rồi vứt con dao đi.

Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự quận Bắc Từ Liêm xác định thiệt hại tài sản bị hủy hoại là 18 triệu đồng.

Nguyễn Lê Tuấn Đức lý giải hành động côn đồ trước mặt con gái chỉ vì phản xạ của của người bố thấy con gái khóc vì hoảng sợ nên bức xúc. Lý trí mất kiểm soát khiến nam tài xế không nghĩ được đến cảnh mình đi tù, ai sẽ chăm con.

"Đến bây giờ tôi mới suy nghĩ điều đó. Lúc tôi nổi nóng lên, đầu óc tôi không nghĩ được kết cục này. Tôi day dứt, ân hận, ao ước ngày hôm đó không bốc đồng để ra cơ sự này", bị can Nguyễn Lê Tuấn Đức nghẹn ngào.

Trái với hình ảnh hung hăng, cầm dao giải quyết mâu thuẫn với nhân viên xe buýt, tại trụ sở công an, Đức khóc rất nhiều, đặc biệt mỗi khi nhắc đến con gái.

Trước khi tra tay vào còng số 8, Đức được gọi FaceTime nói chuyện với con gái. Cô con gái liên tục hỏi với bà nội bên cạnh: "Bà ơi, con nhớ bố lắm, bà cho con gặp bố một tí thôi. Con thương bố".

"Tôi chỉ biết khóc, nói 'bố xin lỗi con, mong con tha lỗi cho bố'", nam tài xế vừa dính vào vòng lao lý mắt đỏ hoe. Anh ta hối tiếc nhất vì lỗi lầm của bản thân đã không thể ở bên con gái trong những bước đi đầu đời.

Đức biết những ngày qua, dư luận phẫn nộ trước hình ảnh anh ta cầm hung khí, chém xe buýt. Bị can khai nhận đây là hành động bột phát, mong những người tham gia giao thông không ai vướng vào trường hợp tương tự để rồi phải hối hận, phải xa gia đình, xa con cái, xa những người yêu thương. "Quãng thời gian ở bên gia đình là hạnh phúc", Đức mím môi nói lí nhí.

"Khi lên bài, cho em gửi một câu đến con gái 'Bố xin lỗi. Bố không muốn con chứng kiến bố như này. Thực sự bố xin lỗi. Bố là người bố không tốt. Bố yêu con", bị can 33 tuổi gạt nước mắt nói những lời ân hận muộn màng.

Theo GiaDinh