TP.HCM: Đến bao giờ hết ngập, khó trả lời!

Với 650 tỉ đồng ngân sách hàng năm TP chi cho việc chống ngập dường như quá nhỏ bé để khắc phục tình hình ngập úng hiện nay. Nhiều con đường tại TP đã ngập nặng sau cơn mưa, những con hẻm cũng cùng chung cảnh ngộ khi nước thoát rất chậm. Người dân bực bội, ngán ngẩm chẳng biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ.

TP.HCM: Đến bao giờ hết ngập, khó trả lời!

Chống ngập vẫn ngập

Dường như con số 58 điểm ngập tại TP.HCM chưa phản ánh chính xác tình hình thực tế. Nếu ai đã từng đi qua con đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) sau mỗi đợt mưa hẳn sẽ rất vất vả để di chuyển trên đoạn đường này. Hiện con đường đang được thi công nâng cấp cải tại hệ thống thoát nước, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, nhiều con đường “nổi tiếng” ngập nước khác như Nguyễn Văn Quá, (Quận 12), đường Đỗ Xuân Hợp (Quận 9), đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7)… cũng khiến người dân khốn đốn. Đây cũng là những điểm ngập nặng nhất hiện nay theo đánh giá của Trung tâm chống ngập TP.

Một báo cáo từ trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước đã nêu lên những khó khăn trong công tác phòng chống ngập nước do bị ảnh hưởng thời tiết biến động rất phức tạp.

Theo thống kê từ trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, thời tiết diễn biến phức tạp cụ thể trong vòng 40 năm kể từ năm 1962 đến năm 2001, trên địa bàn Thành phố xuất hiện 9 trận mưa trên 100mm. Nhưng từ năm 2002 đến nay đã xuất hiện 29 trận mưa trên 100mm. Chỉ tính riêng trong 4 năm từ 2011 đến 2014 đã có 12 trận mưa trên 100mm. Từ năm 2008 đến nay, mực nước tại trạm Phú An luôn ở mức báo động III. Tính đến cuối năm 2014, đỉnh triều được đo là +1,3m đến +1,68m.

Đồng tình với việc biến đổi khí hậu cục bộ là một nguyên nhân khách quan đã khiến cho các giải pháp kỹ thuật nhanh chóng bị lạc hậu và điều này đang diễn ra khắp nơi trên thế giới và chưa hề có tiền lệ, tuy nhiên, theo PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và BĐKH thuộc ĐHQG TP.HCM, biến đổi khí hậu chỉ góp phần làm trầm trọng thêm các nhược điểm chủ quan khác và chưa trở thành yếu tố chủ đạo.

Một yếu tố nữa được cho là nguyên nhân làm tồn tại tình trạng ngập là hệ thống cống đã cũ, thông số nhỏ không theo kịp lượng nước mưa. Về vấn đề này, ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập) trao đổi với Một Thế Giới: “Với những trận mưa lớn có lượng mưa >100mm thì hệ thống thoát nước mới đầu tư theo 4 dự án ODA tại 13 quận trung tâm vẫn đảm bảo thoát nước ống. Những hệ thống cống cũ được đầu tư trước năm 2000 thì không đảm bảo thoát nước cần phải nâng cấp, cải tạo”.

Đến bao giờ hết ngập? Khó trả lời!

Theo PGS-TS Hồ Long Phi, tình hình ngập nước ở TPHCM đã bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước và đạt đến đỉnh điểm vào mùa mưa 2008, với trên 100 điểm ngập trên khắp thành phố khi xảy ra mưa lớn và khoảng 50 vị trí khi xảy ra triều cường, với mức độ ngập tối đa lên đến 50cm.

TP.HCM: Đến bao giờ hết ngập, khó trả lời!

Cả con đường chìm trong nước. Ảnh: VNE

Hệ thống chống ngập được bắt đầu chú ý đầu tư từ đầu những năm 2000 đã góp phần kéo giảm con số này về dưới 20 vào năm 2012 nhưng lại bắt đầu tăng dần lên đến trên 30 điểm, với hàng chục điểm tái ngập dù cho đã đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước. Tuy nhiên phải thấy rằng con số này chỉ xấp xỉ Cần Thơ, Bình Dương và Biên Hòa, dù diện tích của TP.HCM lớn gấp nhiều lần.

Ông Long phân tích, do sự phát triển hạ tầng không đồng bộ, lấn chiếm, san lấp tràn lan, hệ thống thoát nước chưa đầy đủ cùng với công trình kiểm soát triều tạm bợ là những nguyên nhân chủ quan.

Công tác chống ngập dù được hô hào nhiều nhưng trên thực tế ngân sách quá hạn hẹp cùng nhiều rào cản thể chế khác đã khiến cho tình hình ngập vẫn chưa được cải thiện như mong muốn.

Một thực tế là các công trình chống ngập then chốt chủ yếu vẫn phải lệ thuộc phần lớn vào vốn vay nước ngoài. Việc thiếu tự chủ về ngân sách của Thành phố đã khiến cho tốc độ phát triển kinh tế xã hội đã vượt quá nhiều lần tốc độ tăng ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Thành phố không đủ lực nên chỉ có thể thực hiện chắp vá.

Công tác chống ngập hiện vẫn chưa được tập trung về một mối mà phân bổ cho nhiều đơn vị khác nhau, dẫn đến nguồn lực bị tản mát và thiếu trọng tâm.

Được biết, theo Báo cáo do JICA (Nhật Bản) lập chuyển cho UBNDTP trước đây, để giải quyết tình trạng ngập nước phải cần đến 150 ngàn tỷ đồng. Nếu con số này khả thi trong việc giải quyết ngập thì số tiền TP chi ra hàng năm dường như quá ít?

Trong khi đó, hiện chỉ mới chi khoảng 20 ngàn tỷ, và mỗi năm ngân sách chống ngập trung bình 650 tỷ đồng thì liệu bao nhiêu năm nữa TP hết ngập?

Nói về giải pháp chống ngập, TS Hồ Long Phi đưa quan điểm: “Vấn đề căn bản nhất vẫn là năng lực tài chính của TP vẫn còn quá yếu kém. Ngoài việc dựa vào các định chế tài chính quốc tế, gần đây TP còn có chủ trương đổi đất lấy hạ tầng như đã áp dụng cho các lĩnh vực khác.

Đặc điểm của công trình chống ngập là hoàn toàn công ích nên không thể áp dụng cơ chế BOT. Và chừng nào mà phí thoát nước vẫn chưa được công nhận như là một trong những nguồn thu quan trọng để tái đầu tư cho công tác chống ngập thì TP.HCM vẫn sẽ còn tiếp tục rượt đuổi với ngập lụt”.

Cùng câu hỏi bao giờ hết ngập, Trung tâm chống ngập TP cho biết theo kế hoạch thực hiện Chương trình giảm ngập nước đã được UBND TP ban hành tại Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND sẽ phân ra làm 3 giai đoạn từ đây đến năm 2025.

Cho đến giai đoạn cuối cùng của chương trình chống ngập này là 2021 - 2025 sẽ giải quyết triệt để tình trạng ngập nước do mưa và giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do lũ và triều cường, có xét đến hiện tượng mực nước biển dâng cao trong tương lai trên toàn địa bàn thành phố.

Như vậy, để trả lời cho câu hỏi khi nào hết ngập thì khó để có câu trả lời chắc chắn bởi có quá nhiều vấn đề nan giải, trong đó trọng tâm là vấn đề kinh phí.

Theo Thảo Hương (MTG)