Văn học miền Nam: 'Trời cuối thu rồi em ở đâu?'

Câu thơ của Đinh Hùng bao năm tháng nghe vẫn trắc ẩn, xót xa "Trời cuối thu rồi em ở đâu?". Thế nên khi cầm trên tay cuốn 'Mặc khách Sài Gòn' của Tô Kiều Ngân (do Nhã Nam & nxb Hồng Đức, 2014) tôi thấy vừa lạ lẫm, vừa gần gũi. Muốn tin lại dường như chưa tin! Gần; là đây đó trong hồn khách văn đã từng vút lên ý nhạc, lời thơ của bậc tài hoa. Lạ; bởi chưa một lần thấy hiện diện "chính thống" trên giấy mực "quy chuẩn". Để bây giờ...

mặc khách sài gòn

Thu hiện diện trong văn nghệ cũng là một mùa rét mướt, ảm đạm. Như cánh lá thu theo thời cuộc cuốn bay tan tác không biết đi đâu, về đâu... Mượn ý thơ thi sĩ Đinh Hùng "Trời cuối thu rồi em ở đâu?" chúng tôi muốn qua một tác phẩm nhìn lại một thời đoạn văn nghệ truân chuyên hay luân lạc trên sóng Tiền Đường như thân phận nàng Kiều. Hay thác oán kiểu Vũ Hoàng Chương "Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ"". Chúng ta ai chẳng từng nghĩ mình "nhầm lẫn" điều gì đó thật quan trọng trong cuộc đời? Và ai chọn được thế kỷ hay thời đại mình muốn sống? 

Lần đầu tiên, một cánh cửa hé đã giúp bạn đọc cái nhìn công khai, trực diện vào một giai đoạn văn nghệ Sài Gòn, văn chương miền Nam! Sài Gòn nào? Sài Gòn trước 1975. Điều đó có gì bi đát và hấp dẫn dữ vậy? Vì đã từ lâu không được nói tới! Tại sao? Vấn đề cấm kỵ! Vấn nào nào để gọi là cấm kỵ? Văn bản nào cấm? Chưa thấy nói tới! Người ta vẫn sợ văn chương từ những nỗi sợ vô hình! Lạ! Có cả thiên thần và những bóng ma trong chữ nghĩa!...

Mà có gì đâu? Mặc khách Sài Gòn tựu trung chỉ tình yêu văn chương, sống chết với nghề, với nghiệp dĩ của mình như các tên tuổi nhạc sĩ Lê Thương, các thi sĩ Bùi Giáng, Nguyễn Vỹ, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Hoàng Trúc Ly, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Phạm Thiên Thư, họa sĩ Tạ Ty, các nhà văn Mai Thảo, Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Thụy Vũ… Tất cả được tái hiện qua cái nhìn và giọng văn hết sức đặc biệt của Tô Kiều Ngân, một nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ thổi sáo trúc nổi tiếng. Nói cách khác, người viết là thân hữu, bạn tâm giao hay có can dự trực tiếp vào đời sống nghệ thuật từng tác phẩm như trình diễn - đọc, ngâm xướng - thổi sáo những loại hình Thơ, Truyện ngắn, Tùy bút, Âm nhạc... của các cây viết đồng thời. Vì thế khi dựng lại bóng hình một thời đoạn, cảm giác ông ngồn ngộn tư liệu, chất liệu... Câu chữ nghẹn ngào, trích tỉa nhói lòng mình lòng văn... 

Tôi nói "giọng văn hết sức đặc biệt" là còn ở chỗ này! Thật khó xét đoán tác giả đã dùng thể loại gì để viết chân dung!. Khi thì tản văn bay bổng, lúc suy xét tưởng niệm như hồi ký, lúc miêu tả phơi bày phân tích rạch ròi như báo chí… Và tất cả quyện vào nhau như chỉ để lột tả rõ nhất tài năng, tính cách của từng nhân cách, tính cách Nghệ sĩ. Và lưng chừng bài viết ông hé lộ dự báo, hiểm họa của số phận, tiên tri qua hồn vía chữ nghĩa.
 

mặc khách sài gòn
 Mặc khách Sài Gòn hay một góc nhìn vào một giai đoạn văn nghệ 

*

Như nhà văn Mai Thảo, người cùng thi sĩ Thanh Tâm Tuyền chủ trương nhóm Sáng Tạo. Kiếp lưu vong của ông vẫn không quên nổi thời sống và viết ở Sài Gòn. Giấc mơ luôn ám ảnh, đồng vọng là “Cho tôi về Ký Con”. Theo Tô Kiều Ngân lý giải: “…là tên một con đường phố Sài Gòn gần chợ Cầu Muối. Chính đây, Mai Thảo đã thuê một căn phố dùng làm tòa soạn tạp chí Sáng Tạo. Anh sống một mình, làm hết mọi công việc của tờ tạp chí… Bạn bè chỉ thấy anh uống rượu, hút thuốc lá và miệt mài với những trang văn..." (trang 128).

Cũng từ người viết, chúng ta thấy tình yêu của một nhà văn gắn bó thế nào với cuộc đời thường tham sân si hỉ nộ ái ố này như thế nào. Vừa đau đớn, ê chề. Vừa tanh tưởi, mật ngọt. Vừa tất cả lại là như không gì cả. Trước khi lìa đời, Mai Thảo hoàn toàn không ký thác vào Chúa hay Phật. Mà “thế rồi 3 giờ sáng ngày 9 tháng 1 năm 1998, tại bệnh viện Garden Grove,  Mai Thảo vĩnh viễn ra đi. Con người từng viết hàng triệu chữ, nói hàng vạn lời, giờ đây chỉ còn nghệch ngoạc được năm chữ xiêu đổ rã rời: Một cà phê sữa đá…” (trang 130).

*

Như Đinh Hùng tiên đoán cái chết mình với bốn câu thơ:

 -Khi anh chết các em về đây nhé

Vì chút tình lưu luyến với nhau xưa

Anh muốn thấy các em cùng nhỏ lệ

Tay cầm hoa xõa tóc đứng bên mồ”

Tô Kiều Ngân mô tả: “Có ai ngờ thực tế xảy ra đúng như niềm mong ước trong thơ. Trong đám tang anh, người ta thấy có đến hai chục cô thiếu nữ mặc áo trắng, tóc xõa, tay cầm hoa lặng lẽ sắp hàng đi theo linh cửu. Họ đến bên mồ và lặng lẽ thả những bó hoa xuống lòng huyệt, ngậm ngùi tiễn đưa người thi sĩ. Cần biết rằng việc này không do một sự sắp đặt có ý nào cả. (trang 66)

Nhà thơ cả cuộc đời Mê hồn ca, thiêu rụi, phù dung cùng chữ nghĩa. Một kiếp lạc thơ, tìm thơ trên những bến bờ tâm tưởng, thế giới một giấc mơ, ước mơ khác "Trời cuối thu rồi em ở đâu?/ Nằm trong đất lạnh biết chăng sầu". Nhiều bí mật trong đời ông mà Tô Kiều Ngân hé lộ...    

*

mặc khách sài gòn
 Thi sĩ Bùi Giáng  - Tranh họa sĩ Đinh Cường 

Hoặc Bùi Giáng điên vì sao? “Nhiều người gọi anh là nhà thơ khùng điên. Theo tôi sở dĩ tâm thần anh có vấn đề là do hai cú sốc lớn trong đời. Cú sốc thứ nhất là người vợ anh, chị Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp không may qua đời sớm vì sinh khó hai mẹ con cùng chết. Cái tang này tác động đến tinh thần anh dữ dội. Thương vợ con vô cùng, anh từng viết “Có hàng cây đứng ngóng thu / Em đi mất hút như mù sa bay”.

Rồi đến cú sốc thứ hai là vụ cháy nhà đã thiêu rụi của anh hơn ba nghìn cuốn sách, một tài sản vô cùng quý giá. Có lẽ vì thế mà anh trổ nên điên điên tỉnh tỉnh…” (trang 110).

*

Nguyên Sa nổi tiếng với tập thơ đầu tay vừa in đã tái bản đến 7 lần. Những ai yêu thơ không thể không biết những câu “Nắng Sài Gòn anh anh mà chợt mát / Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Tuy nhiên, lý giải sự nổi tiếng đó người viết có những thông tin lý lẽ “cứng cựa” và thú vị: “ Người ta cho rằng sự thành công của Nguyên Sa một phần thơ anh hay đã đành, phần khác anh có nhiều môn đệ ở khắp các trường trung học Sài Gòn nơi anh dạy triết, chưa kể học sinh hai trường Văn Khôi và Văn Học do vợ chồng anh sáng lập và điều hành. Như thế anh có sẵn một số độc giả khá đông và gần gũi, từ đây mà nhân rộng ra…”. Nhưng còn lý do khác, đáng lưu tâm hơn: “Thơ Nguyên Sa còn có lợi thế khác nữa ấy là nhờ tài phổ nhạc của Ngô Thụy Miên. Chính những giai điệu của Ngô quân khiến thơ Nguyên Sa không những nổi lên và lan tỏa mà nó còn được nhắc nhở, bềnh bồng, bay lượn mãi với thời gian, thoát khỏi số phận của rất nhiều thi phẩm khác thời bấy giờ phải nằm trong quên lãng… (trang 168)  

*

mặc khách sài gòn
 Tác giả nhà thơ, nghệ sĩ thổi sáo Tô Kiều Ngân cũng đã qua đời ngày 20.10.2012. Ông chưa kịp nhìn thấy tác phẩm của mình viết về bạn bè văn nghệ sĩ một thời...

Nhiều nữa. Trong Mặc khách Sài Gòn. Nhiều chi tiết kỳ thú về chuyện văn chuyện đời của Nguyễn Thị Hoàng, Tạ Tỵ, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Vỹ, Lê Thương… Có những cặp đôi văn nghệ như Trần Dạ Từ - Nhã Ca, Tô Thùy Yên - Thụy Vũ... U uất. Trầm ngâm. Đắng cay. Thời cuộc. Nghiệt ngã. Và trên hết, vẫn phải đi hết nghiệp chữ! Dù tha nhân. Đỉnh cao hay vực sâu!

Càng đọc càng tò mò, càng muốn được "khai phóng" nhiều hơn. Có lẽ đó là những giác cảm đầu tiên và vẫn lưu lại cuối cùng khi đọc Mặc Khách Sài Gòn!

Cũng tưởng cần nói thêm, dù sao đó cũng là một nền văn nghệ từng có mặt, từng hiện diện. Bây giờ lùi xa 4 thập kỷ với rất ít thông tin tưởng bạn đọc tò mò là phải!

Nó như cây kim trong túi áo càng giấu lại càng nhức nhối bởi thi thoảng đâm nhói lên tim một cái.

Nỗi sợ hay sự nghi kỵ cấm đoán cũng gần bằng cách xóa trắng một đoạn băng trong hành trình phát triển của văn hóa. Điều đó với thế giới và xã hội thông tin đa chiều như hiện nay là lực cản thô bạo đi ngược lịch sử. 
Vì thế, sự có mặt của Mặc Khách Sài Gòn (do Nhã Nam và nxb Hồng Đức 2014) cần được ghi nhận như tín hiệu của sự cởi mở, hòa giải, thông thoáng và lành mạnh.

Sài Gòn, 17.11.2014

Nguyễn Hữu Hồng Minh

 

CHÙM THƠ TRÍCH TỪ “MẶC KHÁCH SÀI GÒN” - TÔ KIỀU NGÂN - DO NHÃ NAM & NXB HỒNG ĐỨC - HÀ NỘI ẤN HÀNH 2014
 

mặc khách sài gòn
 Nguyên Sa - Tranh Nguyên Khai 


NGUYÊN SA

Áo Lụa Hà Đông

Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát 
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng 

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn 
Mà mua thu dài lắm ở chung quanh 
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung 
Bay vội vã vào trong hồn mở cửa 

Gặp một bữa, anh đã mừng một bữa 
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn 
Thơ học trò anh chất lại thành non 
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu 

Em không nói đã nghe từng giai điệu 
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh 
Anh trông lên bằng đôi mắt chung tình 
Với tay trắng, em vào thơ diễm tuyệt 

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết 
Trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì đâu 
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau 
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại 

Để anh giận, mắt anh nhìn vụng dại 
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời 
Em đi rồi, sám hối chạy trên môi 
Những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng 

Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn 
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông 
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng 
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắngN.S

mặc khách sài gòn
Nguyễn Vỹ - Tranh Tạ Tỵ  


NGUYỄN VỸ

Gửi Trương Tửu

Nay ta thèm rượu nhớ mong ai…
Một mình nhấp nhém, chẳng buồn say!
Trước kia hai thằng hết một nậm
Trò truyện giông dài, mặt đỏ sẫm
Nay một mình ta một be con.
Cạn rượu rồi thơ mới véo von!

Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác,
Mà vẫn coi tiền như cỏ rác.
Kiếm được đồng nào đem tiêu hoang,
Rủ nhau chè chén nói huênh hoang.
Xáo lộn văn chương với chả cá,
Chửi Ðông, chửi Tây, chửi tất cả,
Rồi ngủ một đêm mộng với mê .
Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê!

Bây giờ thời thế vẫn thấy khó,
Nhà văn An - nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút viết văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương
Rồi nhìn chúng mình hì hục viết
Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết,
Mà thương cho tôi, thương cho anh
Ðã rụng bao nhiêu mái tóc xanh.
Bao giờ chúng mình thật ngất ngưởng?
Tôi làm Trạng - Nguyên anh Tể - Tướng,
Rồi anh bên Võ tôi bên Văn,
Múa bút tung gươm hả một phen?
Cho bõ căm hờn cái xã hội
Mà anh thường kêu mục, nát, thối?
Cho người làm ruộng, kẻ làm công.
Ðều được an vui hớn hở lòng?
Bây giờ chúng mình gạch một chữ
Làm cho đảo điên pho Lịch - sử!
Làm cho bốn mươi thế kỷ xưa
Hất mồ nhổm dậy cười say xưa
Ðể xem hai chàng trai quắc thước
Quét sạch quân thù trên Ðất Nước ?
Ðể cho toàn thể dân Việt Nam
Ðều được tự do muôn muôn năm?
Ðể cho muôn muôn đời dân tộc
Hết đói rét, lầm than tang tóc?
Chứ như bây giờ là trò chơi!
Làm báo làm bung chán mớ đời!
Anh đi che tàn một lũ ngốc
Triết lý con cừu, văn chương cóc!
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà,
Ra chợ bán văn ngày tháng qua!
Cho nên tôi buồn không biết mấy!
Ðời còn nhố nhăng, ta chịu vậy!
Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa,
Bực chí, thành say mấy cũng vừa.
Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ!
Chơi nước cờ cao gặp vận bĩ
Rồi đâm ra điên, đâm vẩn vơ,
Rốt cuộc chỉ còn… mộng với mơ!

(Viết rồi hãy còn say)
N.V

mặc khách sài gòn
  Mai Thảo - Tranh Đinh Cường 


MAI THẢO        

Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền
 

Ta thấy tên ta những bảng đường

Đời ta, sử chép cả ngàn chương

Sao không, hạt cát sông Hằng ấy

Còn chứa trong lòng cả đại dương

 

Ta thấy hình ta những miếu đền

Tượng thờ nghìn bệ những công viên

Sao không, khói với hương sùng kính

Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên

 

Ta thấy muôn sao đứng kín trời

Chờ ta, Bắc Đẩu trở về ngôi

Sao không, một điểm lân tinh vẫn

Cháy được lên từ đáy thẳm khơi

 

Ta thấy đường ta Chúa hiện hình

Vườn ta Phật ngủ, ngõ thần linh

Sao không, tâm thức riêng bờ cõi

Địa ngục ngươi là, kẻ khác ơi!

 

Ta thấy nơi ta trục đất ngừng

Và cùng một lúc trục trời ngưng

Sao không, hạt bụi trong lòng trục

Cũng đủ vòng quay phải đứng dừng

 

Ta thấy ta đêm giữa sáng ngày

Ta ngày giữa tối thẳm đêm dài

Sao không, nhật nguyệt đều tăm tối

Tự thuở chim hồng rét mướt bay

 

Ta thấy nhân gian bỗng khóc oà

Nhìn hình ta khuất bóng ta xa

Sao không, huyết lệ trong trời đất

Là phát sinh từ huyết lệ ta

 

Ta thấy rèm nhung khép lại rồi

Hạ màn. Thế kỷ hết trò chơi

Sao không, quay gót, tên hề đã

Chán một trò điên diễn với người

 

Ta thấy ta treo cổ dưới cành

Rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh

Sao không, sao chẳng không là vậy

Khi chẳng còn chi ở khúc quanh.

M.T.

 

mặc khách sài gòn
Tô Thùy Yên - Tranh Đinh Cường 


TÔ THÙY YÊN

Trường Sa Hành

Toujours il y eut cette clameur

toujours il y eut cette fureur...

                                      Saint John Perse (Exil)



Trường Sa! Trường Sa! Đảo chếnh choáng!

Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.

Lính thú mươi người lạ sóng nước,

Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.

Mùa đông bắc, gió miên man thổi

Khiến cả lòng ta cũng rách tưa

Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn

Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ.

Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỷ,

Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên

Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh

Lên xác thân người mãi đứng yên.

Bốn trăm hải lý nhớ không tới

Ta khóc cười như tự bạo hành

Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục,

Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh.

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế.

Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?

Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ

Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt,

Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi.

Đám cây bật gốc chờ tan xác

Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng

Những cụm rong óng ả bập bềnh

Như những tầng buồn lay động mãi

Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển

Vầng khói chim đen thảng thốt quần,

Kinh động đất trời như cháy đảo...

Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.

Ta ngồi bên đống lửa man rợ,

Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi,

Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp

Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.

Chú em hãy hát, hát thật lớn

Những điệu vui, bất kể điệu nào

Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ

Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc

Như người bị bức tử canh khuya

Xé toang từng mảng đời tê điếng

Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.

Ta nói với từng tinh tú một

Hằng đêm tất cả chuyện trong lòng

Bãi lân tinh thức, âm u sáng

Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng.

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?

Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng.

Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc.

Con chim động giấc gào cô đơn.

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa.

Ánh sáng vang lừng điệu múa điên.

Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ

Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên.

Ôi! Lũ cây gầy ven bãi sụp,

Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh,

Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã

Hay đến ngày bờ tái tạo xanh.

San hô mọc tủa thêm cành nhánh

Những nỗi niềm kia cũng mãn khai

Thời gian kết đá mốc u tịch

Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.

T.T.Y.(Một Thế Giới)