Vấn nạn làm giả sản phẩm phòng chống Covid

Nhiều đối tượng bất chấp thủ đoạn kinh doanh sản phẩm phòng chống Covid giả. Mọi người cần bình tĩnh và sáng suốt hơn để tránh bị trục lợi

Tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và dai dẳng khiến nhiều người lo lắng thái quá. Họ tìm đến những giải pháp trên mạng hay các nguồn tin chưa được kiểm chứng với mong muốn bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trước làn sóng dịch Covid.

Lợi dụng tâm lý chung của xã hội, các đối tượng xấu đã bất chấp thủ đoạn kinh doanh các sản phẩm phòng chống Covid giả để trục lợi với xu hướng ngày càng tăng và thủ đoạn.

Tình trạng làm giả sản phẩm phòng chống Covid hiện nay

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là việc sản xuất, buôn bán các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế và liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 không rõ nguồn gốc có chiều hướng gia tăng. 

Các mặt hàng nhập lậu, làm giả, nhái chủ yếu là vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch như: Khẩu trang, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, que test Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng…

Cụ thể, mới đây Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan TPHCM, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan Hà Nội), Cục Cảnh sát kinh tế (C03, Bộ Công an) kiểm tra đồng loạt 15 kiện hàng tại một kho hàng ở thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội. Trên vận đơn, hàng hóa được thể hiện là thực phẩm nhưng thực tế kiểm tra lực lượng Hải quan thu giữ hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị Covid-19 như: Favipiravir Tablets 200mg; Favipiravir Tablets Fabiflu 400mg; Baricitinib; Molnupiravir Capsules…

Trường hợp khác, kiểm tra chiếc xe tải và nhà kho một công ty ở TPHCM, cơ quan chức năng phát hiện 9.600 hộp thuốc “Liên Hoa Thanh Ôn” được quảng cáo có tác dụng điều trị Covid-19 sản xuất từ Trung Quốc, chưa được cấp phép sử dụng ở Việt Nam.

Khám xét một kho hàng trên đường Tạ Quang Bửu (quận 8, TPHCM), Công an phát hiện 9.200 hộp thuốc được quảng cáo là điều trị COVID-19, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Trong tháng 8, Công an TP.Hà Nội cũng phát hiện việc tập kết, kinh doanh các loại thuốc ức chế giảm lây nhiễm Covid-19 chưa được kiểm định chất lượng, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam tại quận Hoàng Mai và Nam Từ Liêm (Hà Nội).

Ngày 20/8, phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh trinh sát phát hiện Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, thường trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chở 1 thùng carton nghi vấn chứa tân dược giả nên tiến hành kiểm tra. Kết quả phát hiện có 150 hộp thuốc điều trị Covid-19 hiệu TERPINCODEIN. Thuận khai nhận đây là tân dược giả, do Thuận tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất rồi bán ra thị trường kiếm lời.

Nguyên liệu và thuốc thành phẩm được các đối tượng để dưới nền nhà. Cơ quan chức năng tạm giữ số lượng rất lớn nguyên liệu, hơn 630.000 viên tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất thuốc giả. Trong đó có: 3.116 hộp thuốc phòng, chữa trị COVID-19 giả các nhãn hiệu Neo - Cordion, Angmentin; 2,5kg viên thuốc màu trắng không có nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc Fugacar giả; 100 vi Neo - Codien; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ; 50 lọ thuốc Staragan đã bóc nhãn hiệu… Cơ quan Công an đã bắt giữ Thuận và triệu tập làm việc 8 đối tượng khác có liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc phòng, chữa trị COVID giả để điều tra làm rõ.

Cần làm gì để giảm bớt tình trạng làm giả sản phẩm phòng chống Covid?

Theo Tổng Cục Quản lý thị trường, để giảm bớt tình trạng kinh doanh, buôn bán, sản xuất sản phẩm phòng chống Covid-19 người dân cần chung tay với các đoàn thể tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng; lắng nghe, giải thích, hỗ trợ các khúc mắc, lo lắng để người dân tuân theo các hướng dẫn phòng chữa bệnh từ nhà nước.

Thực hiện các giải pháp ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, trọng tâm là kiểm soát tốt hàng kém chất lượng, nhất là mặt hàng thiết bị y tế như: khẩu trang, nước sát khuẩn, tân dược v.v..

Đặc biệt, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại hàng hoá, nhu yếu phẩm, gây khó khăn cho những người thực sự cần sử dụng và kẻ xấu trục lợi.

Theo VietQ