Vinacafe, Nestle...cam kết sau khi thừa nhận bán cà phê trộn đậu rang

Sau khi thừa nhận bán cà phê độn đậu rang, chiều 25.7, hai thương hiệu cà phê lớn nhất nước là Vinacafe và Nestle đã cam kết minh bạch trong sản xuất cà phê.

Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh cà phê đang diễn biến khá phức tạp, trong đó đáng lo ngại nhất là xuất hiện tình trạng cà phê bẩn, độc, pha trộn lừa dối người tiêu dùng, gây tổn hại đến các thương hiệu cà phê và ảnh hưởng đến uy tín cũng như thương hiệu của cà phê Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng không được cung cấp đầy đủ thông tin về thành phần, chất lượng cà phê cũng đã tước đi quyền được an toàn, quyền được thông tin và quyền được lựa chọn của người tiêu dùng.

Để cải thiện tình hình cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chiều 25.7, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã tổ chức chương trình ký cam kết giữa các bộ, ban, ngành và một số doanh nghiệp sản xuất cà phê về minh bạch trong sản xuất và kinh doanh cà phê để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Vinacafe, Nestle... cam kết sau khi thừa nhận bán cà phê trộn đậu rang

Tại buổi ký kết, 2 "ông lớn" ngành cà phê là Vinacafe và Nestle là những doanh nghiệp đầu tiên ký vào văn bản cam kết minh bạch trong sản xuất. Trong đó, Vinacafe cam kết từ ngày 1.8.2016 sẽ cung cấp ra thị trường Việt Nam các sản phẩm 100% cà phê.

Theo Vinastas, việc ký cam kết là nhằm mở màn cho chiến dịch vận động “Cam kết minh bạch” trong sản xuất và kinh doanh cà phê. Đây sẽ là biện pháp quảng bá cho doanh nghiệp và thông tin cho người tiêu dùng các thương hiệu cà phê uy tín.

Với tư cách đại diện cơ quan chức năng, ông Phùng Hữu Hào - Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết các nhà sản xuất cà phê được phép sử dụng chất phụ gia thực phẩm và các chất độn như bột đậu nành, bột ngô hoặc các chất hỗ trợ chế biến. Tuy nhiên, các chất này phải nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế, cùng với đó, thành phần và tỷ lệ trộn giữa cà phê các chất độn nên được công bố rõ ràng để người tiêu dùng nắm rõ và lựa chọn.

Ông Hào cũng nhấn mạnh việc công bố sản phẩm cà phê nguyên chất 100% khi trong chế biến vẫn sử dụng chất độn là lừa dối người tiêu dùng và vi phạm Luật An toàn thực phẩm. Thực tế này đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Thời gian qua, vấn đề cà phê bẩn, độc, pha trộn đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ phía dư luận. Câu chuyện này một lần nữa lại nóng lên tại Tọa đàm "Cà phê bẩn – thực trạng và giải pháp" ngày 20.7 khi nhiều doanh nghiệp sản xuất cà phê hàng đầu là như Vinacafe, Nestlé, Lê Phan… đều thừa nhận bán cà phê trộn đậu rang.

Tại tọa đàm, ông Bùi Huy Hiệu, Giám đốc tiếp thị của Công ty Cà phê Mê Trang, đã đứng lên thừa nhận rằng các sản phẩm cà phê giá thấp bắt buộc phải trộn, nhưng trộn như thế nào thì phải minh bạch, công bố trên bao bì. Đồng quan điểm với ông Hiệu, đại diện Công ty TNHH Cà phê Lê Phan cũng nói để sản xuất những dòng cà phê giá rẻ thì chắc chắn phải trộn thêm các loại ngũ cốc và hương liệu.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hoàng Yến - Giám đốc truyền thông và hỗ trợ tiếp thị Công ty Nestle Việt Nam thông tin người tiêu dùng Việt Nam có nhiều khẩu vị khác nhau nên để đáp ứng nhu cầu về khẩu vị, Nestle Việt Nam bán cả sản phẩm cà phê độn. Khi ghi trên bao bì, Nestle chỉ công bố những thành phần chính, những nguyên liệu chính, còn những thông tin không có ý nghĩa về mặt tiêu dùng thì công ty sẽ không ghi lên.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường đại học Bách khoa Hà Nội, nếu làm đậu rang trong một cơ sở sạch sẽ, đảm bảo tiêu chuẩn, phụ gia nằm trong danh mục cho phép thì hoàn toàn không vi phạm về an toàn thực phẩm. Còn việc các doanh nghiệp sản xuất đậu rang, bắp rang rồi tẩm thêm phụ gia cho giống với cà phê rồi công bố là cà phê nguyên chất thì đây lại là hành vi gian lận thương mại.

Trước thực trạng này, đại diện Vinastas đã kiến nghị cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, bổ sung, hoàn thiện và sớm ban hành các văn bản quy định tiêu chuẩn cà phê và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra để hạn chế tối đa, ngăn ngừa việc thiếu minh bạch, gian lận trong sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê của các doanh nghiệp.

Theo Tuyết Nhung (một thế giới)