Xua tan nỗi lo chân vòng kiềng ở trẻ

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chân vòng kiềng ở trẻ gây mất thẩm mỹ và làm ảnh hưởng đến phom dáng tương lai sau này của trẻ. Vậy phải làm sao để khắc phục tình trạng vòng kiềng cho đôi chân của bé?

Cách nhận biết

Chân vòng kiềng khá phổ biến ở trẻ nhỏ khiến các bà, các mẹ rất lo lắng. Song thực sự chúng không đáng ngại đến thế vì trong nhiều trường hợp sẽ tự hết cho đến khi trẻ lớn lên.

Theo GS.TS Trần Ngọc Ân – Nguyên trưởng khoa Xương khớp bệnh viện E: “Hình dung nôm na, chân vòng kiềng là khi bé đứng thẳng, khớp gối hai bên nghiêng vào trong làm cho hai đầu gối không thẳng khít, có khe giữa khoảng 1,5 cm. Tuy nhiên, bạn chỉ nên lo lắng khi chân của bé cong từ đùi xuống bàn chân. Còn bé chỉ bị cong ở cẳng chân thì chưa thể gọi là chân vòng kiềng, đó chỉ là tình trạng phát triển tự nhiên trong quá trình hình thành xương.”

Nguyên nhân khiến trẻ bị tật chân vòng kiềng

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị tật chân vòng kiềng. Trong đó, lý do khó khắc phục nhất là tình trạng thiếu Vitamin D khiến bé bị còi xương, chậm lớn, hệ thống xương phát triển không hoàn thiện dẫn đến việc khuyết thiếu hoặc biến dạng xương chân.

Xua tan nỗi lo chân vòng kiềng ở trẻ

Đáng lo ngại hơn, đó là những thói quen chăm sóc trẻ chưa đúng cách của các bà, các mẹ. Bố mẹ mong muốn bé biết đi sớm nên cho con mình dùng xe tập đi trước 9 tháng tuổi khi cơ xương chưa phát triển đầy đủ. Hoặc cũng có thể do trẻ quá béo phì, sức nặng của cơ thể dồn xuống chân.

Do tư thế bế sai trong thời gian dài: Cặp bé bên hông hoặc trước ngực cho chân quặp vào bụng trong thời gian dài, hay do thói quen thường xuyên địu bé trên lưng cũng có nguy cơ khiến bé bị chứng chân vòng kiềng do bé thường xuyên nhón chân trong chiếc xe tập đi kéo dài.

Thêm vào đó, thời gian này xương chân của bé vẫn còn non yếu, chưa đủ sức để nâng đỡ được toàn bộ cơ thể của bé trong thời gian dài, nên ống chân dễ bị tác động xấu bởi trọng lượng và dễ gây vòng kiềng.

Cách phòng ngừa chân vòng kiềng cho bé

Nên cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc ít nhất trong 6 tháng đầu đời vì trong sữa mẹ chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và vitamin có lợi cho sự hình thành và phát triển xương của bé. Cần lưu ý, một số dạng còi xương là do di truyền thì cha mẹ cần đưa trẻ đến khám và điều trị tại các chuyên khoa nội tiết.

Việc chăm sóc dinh dưỡng để bé phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần là rất quan trọng. Do đó, bạn cần bổ sung vitamin D và kali vào chế độ ăn hằng ngày cho bé khi đến giai đoạn ăn dặm, thông qua các thực phẩm có lợi như trứng, sữa, hải sản, thịt cá và rau...

Xua tan nỗi lo chân vòng kiềng ở trẻ

Cha mẹ nên để trẻ tập đi, tập đứng phù hợp với sự phát triển tự nhiên của trẻ vì mỗi trẻ có cấu trúc xương khác nhau nên độ tuổi tập đi cũng sẽ khác nhau. Có trẻ 6 tháng tuổi đã biết đi, nhưng cũng có trẻ lâu hơn thế. Không nên cho bé ngồi xe tập đi quá sớm vì trọng lượng cơ thể sẽ ảnh hưởng đến chân của bé. Hơn nữa thói quen tập đi cho bé bằng cách cắp nách để bé tự nhón chân cũng cần được hạn chế.

Xua tan nỗi lo chân vòng kiềng ở trẻ

Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, xoa nắn, mát xa chân cho bé sơ sinh hàng ngày theo hướng thẳng từ đùi bé trở xuống sẽ vừa tạo cho bé sự dễ chịu và vừa có tác dụng điều hoà tốt.

Khắc phục chân vòng kiềng như thế nào?

Với những bé trên 2 tuổi, bố mẹ có thể tập cho con khỏi dáng đi vòng kiềng bằng cách khuyến khích bé thực hiện các động tác thể dục nhẹ nhàng như vươn vai, chống tay lên hông, nhảy theo nhạc… Qua đó, bố mẹ có thể tạo thói quen giữ thẳng vai, lưng, hông cho con và giúp đôi chân bé chắc chắn hơn.

Nếu chân bé bị vòng kiềng ở mức độ nhẹ, có thể mỗi tối khi đi ngủ mẹ dùng vải cuốn buộc hai chân bé sát lại với nhau rồi sáng sớm cởi bỏ ra. Tuy nhiên, mẹ không nên tự cuốn mà phải có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên vật lý trị liệu.

“Có thể chữa trị bằng cách nẹp bó hoặc phẫu thuật sắp lại xương nếu như tình trạng của bé quá nặng. Tuy nhiên để khắc phục chân vòng kiềng ở đôi chân của trẻ bằng việc mổ nắn, không nên tiến hành khi trẻ dưới 5 tuổi nếu trẻ không có bệnh lý nào khác. Vì từ lúc sinh ra cho đến trước 5 tuổi, chân trẻ có 2 lần chuyển dạng sinh lý về xương (đang thẳng lại cong và ngược lại). Khi có ý định mổ nắn cho trẻ, cha mẹ cần đưa con đến các bệnh viện chỉnh hình lớn để có sự tư vấn của các bác sỹ và có cách xử lý phù hợp”, GS.TS Trần Ngọc Ân cho biết thêm.

Theo Trang Phạm (GDVN)