5 dấu hiệu cơ thể bị thiếu protein

Protein là chất kiểm soát sự hưng phấn cũng như quá trình kiểm soát của các tế bào não. Nó đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của não như trí nhớ, ngôn ngữ, suy nghĩ, vận động, thần kinh dẫn truyền.

5 dấu hiệu cơ thể bị thiếu protein

Rụng tóc là một trong những biểu hiện của cơ thể thiếu protein

Khi cơ thể bị thiếu protein sẽ dẫn đến thiếu dinh dưỡng, dễ mắc các bệnh phù thũng, loạn nhịp tim, mệt mỏi, thiếu máu, trẻ em chậm phát triển, đầu óc kém minh mẫn, ảnh hưởng đến kinh nguyệt, sức đề kháng kém, ăn không ngon, cơ bắp teo lại, khớp xương rã rời...

Dưới đây là 5 dấu hiệu cụ thể cho biết cơ thể bạn bị thiếu protein.

1.Thèm đồ ngọt

Protein là thành phần chủ yếu trong hormone, ảnh hưởng đến đường huyết và sự trao đổi chất.

Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy cơ thể bạn đang thiếu protein là bạn thèm đồ ăn ngọt và cảm thấy ăn bao nhiêu cũng chưa đủ bởi protein có chức năng giữ lượng đường trong máu ổn định. Khi thiếu protein, đường huyết trong máu hạ thấp khiến bạn rất muốn ăn một thanh kẹo. 

2.Khó tập trung

Lượng đường trong máu duy trì cân bằng là điều cần thiết cho sự tập trung. Vì vậy, khi cơ thể thiếu protein, mức đường dao động liên tục, bạn cảm thấy đầu óc mơ hồ và không thể tập trung vào công việc hay bài học. Vì vậy bổ sung protein trong các bữa ăn hàng ngày sẽ giúp não bộ tập trung và minh mẫn.

3.Tóc gãy rụng

Mỗi loại tế bào trong cơ thể đều có chất protein chính nó. 90% thành phần của tóc và mô da là protein. Sự thiếu hụt protein sẽ khiến tóc trở nên yếu, giòn, dễ gãy và da xuất hiện các nếp nhăn. Tuy nhiên, các bệnh về tuyến giáp cũng gây ra triệu chứng tóc gãy rụng.

4.Bạn cảm thấy không còn sức lực

Protein đóng vai trò chính trong việc sản sinh và tái tạo hệ mô. Các tế bào và hệ thống không thể được tái tạo nếu không có protein. Protein là yếu tố tạo hình chính, tham gia vào thành phần các cơ bắp, máu, bạch huyết, hormone, men, kháng thể, các tuyến bài tiết và nội tiết. Do vậy, protein có liên quan đến mọi chức nǎng sống của cơ thể, bao gồm tuần hoàn, hô hấp, sinh dục, tiêu hóa, bài tiết hoạt động thần kinh và tinh thần... 

Enzyme được sinh ra từ protein và có nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Vì vậy, protein có tác động trực tiếp lên quá trình sản sinh năng lượng của cơ thể. Khi cơ thể không được cung cấp đủ lượng protein cần thiết, cơ bắp của bạn có thể bắt đầu teo lại theo thời gian. Kết quả là bạn có thể cảm thấy đuối sức và không thể thực hiện các bài tập thể dục thể thao hay làm việc yêu cầu cường độ cao.

5. Thường xuyên bị ốm

Protein là một thành phần chính của các tế bào bạch cầu, có nhiệm vụ chống lại vi khuẩn. Vì vậy cơ thể rất cần protein để đẩy lùi tình trạng nhiễm trùng và các loại bệnh. Đây cũng là dưỡng chất cần thiết cho sự hình thành kháng thể.

Protein kích thích sự thèm ǎn, nó giữ vai trò chính để tiếp nhận các chế độ ǎn khác nhau. Thiếu protein gây ra các rối loạn quan trọng trong cơ thể như ngừng lớn hoặc chậm phát triển, mỡ hóa gan, rối loạn hoạt động nhiều tuyến nội tiết, thay đổi thành phần protein máu, giảm khả nǎng miễn dịch sinh học của cơ thể và tǎng tính cảm thụ của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn.

Protein là chất cần thiết để tạo ra tất cả các hợp chất trong hệ thống miễn dịch của con người. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy mình thường xuyên bị cảm lạnh hay nhiễm trùng so với những người khác thì có lẽ cơ thể bạn đang cần bổ sung protein.

Một dấu hiệu khác cũng cho biết cơ thể bị thiếu protein là cạnh móng tay của bạn bị xước mang rô. Da là một cơ quan miễn dịch lớn vì nó bảo vệ cơ thể tránh bị các tác động từ bên ngoài xâm nhập vào. Khi cơ thể thiếu protein, vi khuẩn dễ tấn công vào dưới lớp da, gây bệnh và khiến bạn hay bị ốm.

Theo Lan Dương (khoeplus)