5 nhóm cổ phiếu "hút hàng" trong năm Bính Thân

Các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ TPP, hay những công ty nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC vẫn được cho là nhóm cổ phiếu “tâm điểm” của thị trường trong năm 2016.

Trong một hội thảo được tổ chức mới đây tại TP.HCM, nhìn nhận về thị trường chứng khoán (TTCK) sau khi TPP được ký kết, đặc biệt là những biến động của thị trường trong năm 2016, ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc Điều hành (CEO) Bộ phận Nghiên cứu Khối khách hàng tổ chức, Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), cho rằng thị trường sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ vào nửa cuối năm 2016.

Theo vị này, hiện nay, nền kinh tế đang phục hồi rất tốt, thấy rõ nhất là khối sản xuất và bất động sản (BĐS). Chính phủ cũng có nhiều nỗ lực trong việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, như việc nới room cho nhà đầu tư ngoại. Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) năm tới lại mang những tài sản tốt để bán ra khiến các nhà đầu tư rất quan tâm.

Đại diện HSC cũng cho rằng, cổ phiếu của các doanh nghiệp BĐS sẽ đáng quan tâm. Đây sẽ là khía cạnh thú vị của nền kinh tế và TTCK Việt Nam

Còn các chuyên gia Công ty Chứng khoán MBS thì lại khá lạc quan về TTCK Việt Nam và cho rằng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2016 có thể đạt 6,8%, VN-Index dự báo đạt 670 điểm trong 6 tháng tới.

Sau khi tổng hợp ý kiến của các chuyên gia trong ngành và dựa vào những diễn biến trên thị trường, Báo Người Tiêu Dùng dự báo 5 nhóm cổ phiếu sẽ “hút hàng” trong năm 2016.

Các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ TPP, hay những công ty nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC vẫn được cho là nhóm cổ phiếu “tâm điểm” của thị trường trong năm 2016.
Giới phân tích khuyên các nhà đầu tư nên gom cổ phiếu bất động sản.

Nhóm cổ phiếu SCIC thoái vốn: Chờ thời cơ để bùng nổ

Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản 1787/TTg-ĐMDN cho phép SCIC “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.

Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM), Công ty Cổ phần FPT (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP)…

Theo đại diện của CTCK Bảo Việt, nếu nhìn ở góc độ lợi ích của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, thì việc thoái vốn của SCIC sẽ tác động tích cực đến TTCK trong cả ngắn và dài hạn.

Đối với nhóm cổ phiếu lớn mà SCIC thoái vốn, thông tin này tác động tích cực giúp giá cổ phiếu các doanh nghiệp này tăng điểm trong ngắn hạn, bởi động thái này có thể hàm ý khả năng nới room cho các doanh nghiệp này trong thời gian tới. Tuy nhiên, “độ mở” đối với dòng vốn ngoại sẽ khác nhau tùy vào từng nhóm ngành.

Cụ thể, khả năng mở room cho lĩnh vực viễn thông (FPT, FPT Telecom) sẽ không cao do tính nhạy cảm của ngành nghề, nhưng đối với đa số các lĩnh vực khác như bảo hiểm (BMI, VNR); hàng tiêu dùng (VNM), vật liệu xây dựng (BMP, NTP)... thì cơ hội được mở room lại khá rộng.

Trong trung hạn, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp này vẫn là yếu tố quyết định đến biến động giá cổ phiếu. Nếu tìm được những nhà đầu tư chiến lược với khả năng tài chính vững mạnh, cùng hoạt động trong các lĩnh vực tương tự và đủ kinh nghiệm giúp doanh nghiệp gia tăng thị phần, đặc biệt là vươn ra thị trường quốc tế thì các công ty này sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.

Còn ông Christopher Fitzwilliam-Lay, CEO Tập đoàn VinaCapital, cũng chia sẻ chuyện bán cổ phần nhà nước tại Vinamilk là điều ông và nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm.

“Tôi thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng. Vấn đề là SCIC sẽ bán như thế nào, bán bao nhiêu, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua bao nhiêu. Tôi cho rằng cổ phiếu của Vinamilk sẽ còn khiến thị trường nóng một thời gian dài nữa”, ông nói.

Cũng theo vị này, thực tế nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt những doanh nghiệp tốt, không kể lĩnh vực nào.

Trong số các cổ phiếu niêm yết nằm trong diện thoái vốn của SCIC nói trên, đều là những mã cổ phiếu nằm trên top cao của thị trường chứng khoán. Nếu sang năm 2016, thông tin thoái vốn được thiết lập rõ ràng thì nhóm cổ phiếu này hẳn sẽ “làm mưa làm gió” trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ TPP, hay những công ty nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC vẫn được cho là nhóm cổ phiếu “tâm điểm” của thị trường trong năm 2016.
Các công ty nằm trong danh mục SCIC thoái vốn đã được các nhà đầu tư săn đón.

Lạc quan về cổ phiếu ngân hàng

Theo kênh thông tin tài chính - kinh tế Bloomberg, cổ phiếu của 3 ngân hàng lớn nhất Việt Nam đã tăng khoảng 62% trong năm nay. Trong đó, BIDV được bình chọn là cổ phiếu thị trường cận biên (frontier market) tăng trưởng tốt nhất trong năm 2015.

Tỷ lệ nợ xấu tính trên toàn bộ các khoản vay của các ngân hàng này chỉ bằng khoảng 1/6 tỷ lệ của 3 năm trước đây và các khoản vay mua bất động sản đang tăng rất mạnh.

Trong số 3 ngân hàng hàng đầu Việt Nam, giá cổ phiếu của BIDV, ngân hàng lớn thứ 2 tính theo giá trị vốn hóa, đã tăng đến 90% trong năm 2015. Tương tự, Vietcombank, ngân hàng lớn nhất, cũng đã tăng 50% và Vietinbank tăng 47%.

Hệ số giá trên thu nhập (P/E) của BIDV hiện là 12,3 lần, còn Vietcombank và Vietinbank lần lượt là 25,2 và 13,2. Hệ số của cả 3 ngân hàng này đều cao hơn P/E của chỉ số Thị trường Cận biên, vốn đang là 10,6 lần.

Cũng theo Bloomberg, không có gì quá ngạc nhiên khi các quỹ đầu tư như Dragon Capital, quỹ quản lý tài sản lớn thứ nhì Việt Nam, và Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng rất lạc quan về các ngân hàng Việt Nam năm 2016.

Bloomberg nhận định dự đoán lạc quan này là minh chứng cho các nỗ lực vực dậy ngành ngân hàng của Chính phủ Việt Nam. Trước đó, ngành ngân hàng Việt Nam đã chìm trong các khoản nợ xấu cao chất ngất, cản trở tăng trưởng kinh tế trong suốt 3 năm qua.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã buộc một số ngân hàng phải sáp nhập, tái cơ cấu... khi đang lên kế hoạch giảm tổng số ngân hàng trên cả nước từ gần 40 ngân hàng như hiện nay xuống còn khoảng 15 vào năm 2017.

Cũng theo dự đoán của Giám đốc Đầu tư Dragon Capital tại TP.HCM, vào năm tới, các ngân hàng Việt Nam sẽ cho vay nhiều hơn và lợi nhuận sẽ tăng mạnh.

Các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ TPP, hay những công ty nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC vẫn được cho là nhóm cổ phiếu “tâm điểm” của thị trường trong năm 2016.T

rong năm tới, ngành vật liệu xây dựng được hưởng lợi.

Cổ phiếu dệt may bứt phá

Mục tiêu đến năm 2020 mà Chính phủ đề ra cho ngành dệt may, xuất khẩu dệt may đạt 30 tỷ USD, nhưng tính đến thời điểm hiện tại xuất khẩu dệt may đã đạt được 28 tỷ USD, vượt 5 năm so với kế hoạch. Dự kiến, trong giai đoạn 2018-2040, dệt may Việt Nam phấn đấu từ vị trí thứ 5 về xuất khẩu trở thành công xưởng dệt may lớn thứ 2 sau Trung Quốc.

Dệt may luôn được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất từ TPP, tuy nhiên chưa cần đến tác động của TPP, FTA trong thời gian tới thì dệt may đã có được sự tăng trưởng mạnh ngay từ khi gia nhập WTO với tốc độ tăng trưởng 17-18%/năm.

Ngành dệt may với một số mã cổ phiếu tiêu biểu như TCM, TNG, GMC, G20 đã và đang là sức hút mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thời gian qua, trên thị trường cũng đã có một số đại diện ngành dệt may niêm yết như Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (mã GMC, sàn HOSE), Công ty Cổ phần Vải sợi May mặc Miền Bắc (mã TET, sàn HNX), Công ty Cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM, sàn HOSE), Công ty Cổ phần May Phú Thịnh - Nhà Bè (mã NPS, sàn HNX), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (TNG, sàn HNX), Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK, sàn HOSE), Công ty Cổ phần Thương mại May Sài Gòn (mã GMC, sàn HOSE)…

Đánh giá về các cổ phiếu dệt may đã niêm yết, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSC), cho biết Dệt may Thành Công sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất khi TPP có hiệu lực. Bởi lẽ, đây là doanh nghiệp niêm yết duy nhất trong ngành đáp ứng được tiêu chuẩn xuất xứ từ sợi trở đi của TPP.

Một số doanh nghiệp khác cũng thấy rõ cơ hội từ TPP như Sợi Thế Kỷ - doanh nghiệp chuyên sản xuất sợi vải, hay G.Home - doanh nghiệp có lợi thế trong sản xuất bông… Ngoài ra, một tên tuổi đáng quan tâm khác là TNG - doanh nghiệp có doanh thu 9 tháng năm 2015 là 1.424 tỷ đồng (tăng trưởng 38%) và lợi nhuận 59 tỷ đồng (tăng trưởng 47%).

Trong danh sách các doanh nghiệp dệt may niêm yết, vẫn còn vắng bóng phần lớn các tên tuổi lớn ngành dệt may. Nhưng điều này sẽ sớm thay đổi trong thời gian không xa, bởi thị trường chứng khoán sẽ là bệ đỡ cần thiết cho ngành dệt may đón được cơ hội lớn từ TPP.

Tổng Công ty May Việt Tiến dự kiến sẽ lấy được mã giao dịch VGG, trong khi Tổng Công ty May 10 cũng đã “đặt gạch” cho mình mã M10 để chuẩn bị cho việc niêm yết sau này. Ngay cả đại gia hàng đầu ngành dệt may là Tổng Công ty Dệt may Việt Nam cũng đã xin được mã niêm yết VGT để chuẩn bị cho việc lên sàn trong một ngày không xa.

Nói về xu hướng tới đây trong hoạt động đầu tư vào ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết sẽ hình thành 3 hình thái rõ rệt: mua cổ phiếu doanh nghiệp dệt may, đầu tư trực tiếp và liên doanh liên kết. Liên quan đến việc đáp ứng điều kiện nguyên liệu, ông Giang cho biết, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt bình quân khoảng 50%. Dự kiến, với dòng vốn đầu tư trong thời gian qua, thì đến năm 2017, tỷ lệ này sẽ đạt khoảng 70%.

Các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ TPP, hay những công ty nằm trong danh mục thoái vốn của SCIC vẫn được cho là nhóm cổ phiếu “tâm điểm” của thị trường trong năm 2016.
Các doanh nghiệp dệt may sẽ ồ ạt niêm yết để đón sóng TPP.

Gom cổ phiếu bất động sản

Ông Đặng Trần Hải Đăng, VietinBankSC, cho biết thêm ngành BĐS đang ở trong giai đoạn phục hồi đáng ghi nhận, qua đó có tác động nhất định lên diễn biến giá cổ phiếu ngành này.

Hầu hết các mã cổ phiếu ngành BĐS đều có sự tăng trưởng tốt hơn trong chỉ số VN-Index trong vòng 3 tháng trở lại đây (+5%). Xét về giá trị giao dịch (GTGD), ngành BĐS chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vòng 6 tháng đầu năm 2015, với 18,7% GTGD toàn thị trường. Điều này đã và đang cho thấy sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của ông Đăng, đối với tỷ trọng vốn hóa của các doanh nghiệp BĐS niêm yết, hiện nay đang chiếm khoảng 12% toàn thị trường, xếp thứ 2 sau ngân hàng, thực phẩm.

Theo đại diện Công ty Chứng khoán MBS, năm 2016 là cơ hội để gom cổ phiếu BĐS, đón “sóng” năm 2017. Hiện lãi suất vẫn ở mức thấp, tồn kho BĐS giảm mạnh cùng với số căn hộ bán tăng nhanh là yếu tố tích cực của ngành bất động sản, biên lợi nhuận của ngành này khá cao, khoảng 33%.

Với các quy định mới tại Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, việc ghi nhận doanh thu của các công ty BĐS kinh doanh căn hộ để bán sẽ bị chậm lại, nhưng điểm rơi lợi nhuận của ngành sẽ vào năm 2017.

Theo MBS, trong năm 2016, thị trường bất động sản Hà Nội có tính cạnh tranh tương đối so với TP.HCM. Ngoài ra, các cổ phiếu BĐS khu công nghiệp như KBC, ITA sẽ là đối tượng được hưởng lợi từ TPP khi các tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp không thuộc khối TPP từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan... có xu hướng đặt nhà máy tại Việt Nam để hưởng lợi về thuế.

Xây dựng hưởng lợi thế

Thị trường BĐS khởi sắc không chỉ mang lại niềm vui cho các doanh nghiệp BĐS mà ngay cả doanh nghiệp xây dựng cũng hưởng lợi. Thậm chí, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp xây dựng còn được đánh giá cao hơn cả doanh nghiệp BĐS.

Theo thống kê, lĩnh vực xây dựng đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực trong năm 2015, với giá trị sản xuất xây dựng trong 3 quý đầu năm tăng hơn 12% so với cùng kỳ, cao hơn mục tiêu cả năm 10% của Bộ Xây dựng. Tổng sản phẩm do ngành tạo ra cũng tăng 9%, mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Với các doanh nghiệp xây dựng đang niêm yết trên TTCK, tính đến hết quý 3 là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao nhất toàn thị trường (tăng 132%).

Có thể thấy, sự ấm lên của thị trường BĐS đã mang lại những hợp đồng xây dựng quy mô lớn cho những nhà thầu dân dụng lớn, mà điển hình là CTCP Xây dựng Cotec (CTD) và CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC). Nếu các doanh nghiệp lớn ôm thầu các dự án BĐS, những doanh nghiệp có quy mô nhỏ lại hưởng lợi từ sự bùng nổ về số lượng dự án hạ tầng giao thông trên cả nước, như CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), CTCP Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI), CTCP Tasco (HUT), CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm Fecon (FCN), CTCP Licogi 16 (LCG). Theo thống kê, tổng số vốn huy động cho các dự án BOT trong 9 tháng đạt trên 40.000 tỷ đồng (tương đương cả năm 2014).

Sự khởi sắc này cũng đã góp phần kéo cổ phiếu của nhóm xây dựng nhảy vọt trong năm 2015. Đơn cử là trường hợp CTD, khởi đầu năm 2015 với mức giá chỉ có 60.000 đồng/CP, nhưng đến thời điểm hiện nay CTD đã vượt mức 150.000 đồng/CP (tương đương mức tăng 150%). Các mã còn lại cũng ghi nhận được những đợt sóng tăng đáng kể trong năm 2015 như: CII tăng 40%, HBC tăng 30%.

Nhận định về triển vọng của cổ phiếu xây dựng trong năm 2016, các chuyên gia phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng triển vọng kinh doanh năm 2016 của các doanh nghiệp xây dựng vô cùng lạc quan. Thứ nhất, Nhà nước đang có nhiều chính sách khuyến khích thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư vào hạ tầng giao thông, thể hiện rõ nhất là qua Nghị định 15/2015/NĐ-CP về hình thức hợp tác công - tư (PPP). Thứ hai, sự nhảy vọt về số lượng dự án BĐS trong năm 2015 cộng với nguồn cung mới trong năm 2016 sẽ giúp duy trì công ăn việc làm cho các nhà thầu. Thứ ba, xu hướng dịch chuyển của các nhà sản xuất toàn cầu sang Việt Nam để tận hưởng các lợi ích từ TPP, các hiệp định FTA và thúc đẩy việc xây dựng nhà máy, nhà xưởng, hệ thống kho bãi.

Theo  Vân Lam (NTD)