Bẫy chết người ít biết từ trang sức Trung Quốc giá bèo

Thông tin Ý vừa phát hiện chất Cadmium gây ung thư trong trang sức Trung Quốc khiến dư luận giật mình vì tại Việt Nam, mặt hàng này vẫn rất "hot".

Mới đây, các nhà chức trách Ý thu hồi sản phẩm khuyên tai nhãn hiệu Maxò bijoux, không có tên, không có mã vạch và số model xuất xứ Trung Quốc do chứa thành phần Cadmium (Cd) vượt quá mức cho phép, có nguy cơ gây bệnh ung thư và nguy hiểm gấp nhiều lần so với khi tiếp xúc với chì.

Thông tin thu hồi sản phẩm trang sức Trung Quốc nhiễm chất độc không phải lần đầu, trong khi đó, đáng lo ngại là tại Việt Nam, những sản phẩm, phụ kiện thời trang không rõ chất lượng được bày bán tràn lan. Liệu chúng có tồn tại những nguy cơ gây hại cho người dùng như dòng Maxo bijoux?

Ma trận đồ trang sức Trung Quốc rẻ tiền

Ở Hà Nội, không khó để tìm được những “thiên đường” bán phụ kiện, đồ trang sức rẻ tiền tại các con phố như Đội Cấn, Khương Thượng, các khu vực gần trường học hay chợ đêm, chợ sinh viên và chợ đầu mối, thậm chí các vỉa hè, hàng bán dạo ở Hà Nội. 

Hầu hết những mẫu phụ kiện mới, thiết kế bắt mắt và bán chạy nhất thu hút khách hàng là học sinh, sinh viên, chị em công sở. Đặc biệt hơn, chúng có giá cực “mềm”, từ 10.000 – 120.000 đồng/ sản phẩm. Những món nữ trang xuất xứ Trung Quốc chỉ được đóng gói sơ sài trong các túi nilon mỏng, không ghi thêm thông tin gì ngoài tên sản phẩm.

Giá rẻ và dễ dàng mua với số lượng lớn, đặc biệt dễ nhập hàng ở các chợ đầu mối nên những món đồ phục vụ phái đẹp bán ra rất "hot", thu lời nhanh.


Ngập tràn đồ trang sức Trung Quốc ngoài thị trường.

Theo anh Nguyễn Minh Thái (28 tuổi, người Hải Phòng - một người bán đồ phụ kiện, nữ trang lâu năm): “Giá bán lên 10.000 đồng nhưng giá nhập chỉ khoảng 2.000 đồng/chiếc. Nếu nhập số lượng lớn thì rẻ hơn nhiều. Hàng thường lấy ở Quảng Đông, Trung Quốc. Ngoài ra, còn có cách lấy lại ở chợ đầu mối hoặc order trên mạng, xem hình ảnh và giá đồ nếu thấy ổn thì đặt về.

Giá đặt hàng online sẽ tính thêm cước vận chuyển và phí cho người đi đánh hàng thay mình. Loại hàng này không cần nhiều vốn, mẫu mã thì thay đổi liên tục, rất dễ bán. Mỗi lần đánh hàng theo “cân ký” nên đa dạng cả trăm mẫu mã. Còn nói về chất lượng thì loại 10.000 – 20.000 đồng lấy đâu ra kiểm định chất lượng hay giấy tờ gì đi kèm”.

Một nhân viên bán hàng quà lưu niệm trên đường Đội Cấn (Hà Nội) cho biết: "Chưa từng nghe thông tin nữ trang có chứa chất độc hại. Xưa nay vẫn bán những mặt hàng này, có sao đâu".

Điều đáng nói là, nếu như người bán cũng chỉ quan tâm đến các mặt hàng giá rẻ, bán chạy kiếm lời mà bỏ qua các khâu tìm hiểu về nguồn gốc, thành phần, chất lượng của sản phẩm thì chính người tiêu dùng cũng khá thờ ơ với điều này.

Nhiều người còn ngây thơ cho rằng với những món đồ nhỏ xíu, làm từ nhựa hoặc kim loại thì sao có thể gây hại, nếu có cũng không đáng bao nhiêu và chúng không phải thực phẩm ăn vào nên không lo có chứa chất nguy hiểm. Thậm chí, nhiều bà mẹ cũng mua khuyên tai, vòng tay, lắc tay cho con trẻ mà chưa thực sự nghiêm túc nghĩ về những tổn hại chúng có thể gây ra.

Thậm chí, tình trạng viêm tai, ngứa vùng da do đeo khuyên tai, vòng tay mạ xi, mỹ ký cũng được nhiều người lý giải là do cơ địa không thích hợp với chất liệu, thay vì nghĩ rằng chúng có chứa chất gây hại.


 Rất nhiều loại vòng, nhẫn làm bằng nhựa được các bậc phụ huynh mua về cho con trẻ.

Khá vui vẻ khi đang mua đồ tại một cửa hàng phụ kiện trên đường Nghĩa Tân (Cầu Giấy), bạn Minh Huy cho biết: “Hầu hết khi mua các bạn chỉ quan tâm đến hình thức, giá cả sản phẩm mà chưa bao giờ nghĩ món đồ có thể gây hại gì cho sức khỏe”.

Cái bẫy giết người thầm lặng

Không ít lần, những mẫu dây chuyền, lắc tay, nhẫn và nhiều loại phụ kiện Trung Quốc bị “vạch mặt” là chứa chất độc hại. Đội quản lý thị trường quận 5 (5B), TP HCM kiểm tra số nữ trang bán tại các cửa hàng ở hai chợ Hòa Bình và An Đông (quận 5) từng phát hiện hơn 7000 mẫu dây chuyền, lắc đeo tay, bông tai xi mạ vàng đều dính chì và cadimi.

Các chất này được liệt vào danh sách cực độc hại cho người sử dụng. Với vài cửa hàng đã có hàng nghìn mẫu nhiễm độc, vậy hàng nghìn cửa hàng bán tràn lan ngoài thị trường, thì bao nhiêu mẫu có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại?


Những món đồ bắt mắt nhưng không rõ có an toàn? 

Theo các nhà khoa học, cadimi hay còn gọi là cadmium, cadmin, có thể dùng làm vật liệu mạ đánh bóng, do đó cadimi có thể nhiễm vào sản phẩm. Nếu tiếp xúc với lượng lớn, cadimi có thể gây ngộ độc cấp. Biểu hiện thường thấy là đau thắt ngực, khó thở, chậm nhịp tim, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Tiếp xúc lâu dài có thể làm rối loạn chức năng gan, đau xương, thiếu máu, tăng huyết áp, nếu có thai thì bị dị dạng thai. Với trẻ em, việc nhiễm lâu ngày có thể làm chậm phát triển xương, còi xương. Ngoài ra, đây còn là chất có thể gây ung thư. 

Bên cạnh đó, không chỉ dừng ở các đồ mỹ kí, ngay cả đồ trang sức ngọc bích giả cũng thường được ngâm với chất liệu nhựa axit flohydric, axit nitric, axit sunfuric, hydrocholoric và các axit mạnh khác. Theo bác sĩ Vũ Hồ Bắc (bệnh viện Hà Đông, Hà Nội): "Các chất này khi tiếp xúc với da có thể gây dị ứng, ngứa, bong tróc da, viêm nang lông, không tốt cho cơ thể, đặc biệt với trẻ nhỏ…".

Chính vì sản phẩm được bán rất nhiều, chủng loại đa dạng, nên việc kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này vô cùng khó khăn, phức tạp. Còn người tiêu dùng, thông tin mù mờ, không nắm rõ, thấy hàng hóa bắt mắt, lại giá hời, không ngại ngần mua về mà không hay biết mình có thể đã mất tiền mà mua những đồ chứa chất độc hại.

Theo Ngọc Linh (KT)