Bùng nổ dịch vụ cho vay tiêu dùng

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc đẩy mạnh dịch vụ cho vay tiêu dùng dần trở thành xu hướng tất yếu đối với mọi loại hình ngân hàng. Tuy nhiên, để triển khai dịch vụ này hiệu quả, đòi hỏi các chế định ngân hàng Việt Nam phải vươn lên, khám phá cơ hội kinh doanh cũng như tạo dựng vị thế cạnh tranh của mình trong bối cảnh hội nhập.

Tín dụng tiêu dùng tăng mạnh

Theo Kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP hiện đạt 6,4%, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người.

Còn theo dự báo của các chuyên gia, hiện nay, ở Việt Nam, tín dụng tiêu dùng đang có tốc độ tăng trưởng trung bình 30-40%/năm và sẽ tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm 2015.

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh tín dụng ngân hàng dành cho doanh nghiệp vẫn đang chững lại, hoạt động cho vay tiêu dùng trong nước có thể trở thành “phao cứu sinh’’ khi tín dụng tiêu dùng hiện chỉ chiếm trên 5% trong tổng dư nợ vay và quy mô nền kinh tế.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra khuyến nghị, ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh và có tỷ lệ tăng trưởng đều đặn mỗi năm, thậm chí, ngay cả tại thời điểm nền kinh tế chưa hết khó khăn như hiện nay. Vì thế, khi tình hình kinh tế tốt lên, khả năng tỷ lệ tăng trưởng sẽ gia tăng ấn tượng, vấn đề quản lý rủi ro để hạn chế nợ xấu là hết sức quan trọng.

Việc kiểm soát nợ xấu luôn nhờ vào cơ chế quản trị rủi ro chặt chẽ. Do đó, công ty tài chính, ngân hàng phải đầu tư đúng chỗ, phát triển bền vững tín dụng tiêu dùng, thay vì chấp nhận rủi ro, khó kiểm soát vốn, dẫn đến gây nguy hại cho sự phát triển của ngành.

Bùng nổ dịch vụ cho vay tiêu dùng
Dịch vụ cho vay tiêu dùng dần trở thành xu hướng tất yếu đối với mọi loại hình ngân hàng. (Ảnh nguồn: Internet)

Chứa đựng nhiều thách thức

Trên thực tiễn cho vay tiêu dùng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề và thách thức lớn không chỉ đối với các ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức tài chính (CTTC) như quản lý thông tin khách hàng, xây dựng kênh bán hàng, quản trị rủi ro, lãi suất… mà với cả các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc định hướng hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh.

Tại Việt Nam, khái niệm về cho vay tiêu dùng hiện chưa rõ ràng. Một số quan điểm cho rằng các khoản vay này bao hàm các khoản cho vay có tài sản đảm bảo, chủ yếu là các khoản cho vay mua nhà, xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, mua ô tô…

Trong khi đó, các CTTC lại hướng đến đối tượng khách hàng đại chúng, dưới chuẩn với các khoản vay tiêu dùng nhỏ, không tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm trang thiết bị gia đình, xe máy, tiền mặt phục vụ nhu cầu đột xuất… Đây là phân khúc khách hàng mà các NHTM không hướng tới.

Việc tồn tại và ghép chung vào khái niệm cho vay tiêu dùng hai loại hình này đã dẫn đến những so sánh bất lợi về lãi suất cũng như trong cách đánh giá về ý nghĩa, lợi ích của hoạt động cho vay tiêu dùng, đồng thời dẫn tới những khó khăn cho cơ quan quản lý.

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, có nhiều sự khác biệt trong nghiệp vụ cho vay tiêu dùng của CTTC và các NHTM. Về số tiền cho vay bình quân tính trên một khách hàng của các NHTM lớn hơn nhiều lần so với các CTTC. Thời hạn vay của các NHTM có thể lên tới 20 năm đối với các khoản cho vay để mua nhà ở, trong khi các CTTC cho vay tiêu dùng với thời hạn tối đa là 5 năm.

Các điều kiện cho vay tại CTTC và NHTM cũng rất khác biệt, trong đó, các NHTM thường có quy trình xét duyệt khoản vay kéo dài, thủ tục tương đối phức tạp, ngược lại CTTC chú trọng yếu tố thuận tiện, đơn giản, nhanh chóng, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Đặc biệt, lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC cũng cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất cho vay tiêu dùng của các NHTM cho khoản vay có cùng kỳ hạn.

Về quản trị rủi ro, các NHTM sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để đánh giá khách hàng, tương tự các sản phẩm tín dụng khác. Còn đối với các CTTC, để phù hợp với đối tượng khách hàng đại chúng và phương thức tiếp cận đơn giản, nhanh chóng nhưng mức độ rủi ro cao, CTTC sử dụng thẻ chấm điểm tín dụng để đánh giá khách hàng vay.

Rủi ro sẽ hạn chế nhờ các quy định chặt chẽ

Mới đây, nhằm mục tiêu tách biệt và hạn chế rủi ro đối với ngân hàng khi cho vay tiêu dùng đối với khách hàng không đúng tiêu chuẩn, NHNN đã đưa ra Dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC để lấy ý kiến. Theo đó hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC được thu hẹp lại còn 3 lĩnh vực: cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng.

Hoạt động cho vay phải đáp ứng các điều kiện: Bên cho vay thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng do khách hàng mua, sử dụng; khách hàng hoàn trả tiền vay theo định kỳ được quy định tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Hoạt động cho vay tiêu dùng được thực hiện tại các điểm bán hàng, giới thiệu dịch vụ của bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Thời hạn cho vay không quá 5 năm, việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng trên cơ sở hệ thống thẻ chấm điểm. Hoạt động cho vay tín chấp hoặc cho vay có tài sản bảo đảm là hàng hóa tiêu dùng được mua từ nguồn vốn tín dụng được cấp.

Dự thảo cũng quy định NHTM muốn cho vay tiêu dùng theo hình thức này thì phải thành lập CTTC. Việc quy định một cách rõ ràng các hoạt động tín dụng được coi là cho vay tiêu dùng và tách riêng quản lý đối với hoạt động này phù hợp với các tính chất khác biệt, sẽ giúp cho thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam phát triển minh bạch, lành mạnh và hiệu quả hơn, phù hợp với các thông lệ quốc tế, từ đó, mang lại nhiều lợi ích cho chính người tiêu dùng Việt Nam.

Theo Thanh Tân (CLO)