Chuyên gia cảnh báo kẹo giả nhái thương hiệu đe dọa đối với sức khỏe trẻ nhỏ

Theo ghi nhận, hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều kẹo giả, nhái thương hiệu nổi tiếng gây ra nhiều mối nguy hại cho sức khỏe của trẻ.

Bánh kẹo giả mạo nhãn hiệu bán tràn lan tại cổng trường, cửa hàng tạp hóa

Theo ghi nhận của báo Thanh Niên, hiện nay các loại bánh kẹo giả, nhái đang len lỏi vào các cửa hàng tạp hóa trước cổng trường, thậm chí cả siêu thị mini trong các khu chung cư.

Điều đáng nói, các loại kẹo bánh được bày bán với đủ chủng loại, màu sắc từ kẹo cay cho đến kẹo mút, kẹo hình thỏi son, kẹo vỉ ngậm, bánh tráng tẩm gia vị, kẹo cân… thậm chí cả loại kẹo giả nhái các thương hiệu nổi tiếng được bày bán tràn lan với giá thành cực rẻ, chỉ từ vài nghìn đồng/chiếc.

Đơn cử như loại kẹo cao su Hubba Bubba (Mỹ) rất được các bạn nhỏ yêu thích, là thương hiệu có độ nhận diện cao đối với phụ huynh và học sinh nên bị làm giả rất nhiều, kèm với đó là những thủ đoạn tinh vi nhằm đánh lừa người tiêu dùng, đặc biệt là các em nhỏ.

chuyen-gia-canh-bao-keo-gia-nhai-thuong-hieu-de-doa-doi-voi-suc-khoe-tre-nho

Nhiều loại bánh kẹo giả mạo nhãn hiệu được bày bán tràn lan tại cổng trường, cửa hàng tạp hóa. Ảnh minh họa

Đơn cử ngày 19/7, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phối hợp với công an huyện Hoài Đức để kiểm tra một điểm kinh doanh chế biến thực phẩm tại Hà Nội, kết quả phát hiện 18 vỉ kẹo cao su (12 hộp/vỉ) và 3.300 hộp (56g/hộp) kẹo cao su là hàng hóa giả mạo thương hiệu Hubba Bubba và Wrigley's.

Theo đại diện Hubba Bubba, vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trên thị trường Việt Nam xuất hiện một số loại kẹo bắt chước bao bì và hương vị của hãng này nhưng đều là sản phẩm không rõ nguồn gốc, được phát hiện bày bán tại các chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa. Điều này đã gây ra nhiều mối nguy hại cho sức khỏe trẻ nhỏ.

Ngoài sản phẩm kẹo Hubba Bubba, trên thị trường Hà Nội và các tỉnh thành hiện nay, rất nhiều sản phẩm bánh, kẹo có tên na ná với sản phẩm thật như: bim bim Oishi với Oshi, kẹo Alpeliebe Original với Apellebe OY, kẹo Cheng Gum với Chewing Gum... nhưng bên trong là các loại bánh không rõ nguồn gốc. Do mẫu mã vỏ hộp sang trọng và bắt mắt, nắp hộp lại được dán bằng loại tem tự in nên nếu chưa dùng qua các sản phẩm này hoặc đã dùng nhưng không chú ý thì khách hàng, nhất là các em nhỏ dễ dàng “sập bẫy”.

Đa phần các sản phẩm nhái giá thấp hơn nhiều lần hàng chính hãng. Nhiều gói bánh Choco-Pie bị nhái thành Choco-Pai, bánh kẹo Danisa thành Damisa, Kitkat thành Kitket... khiến người mua khó phân biệt do kích thước và bao bì được thiết kế tinh vi như hàng thật.

Theo tiến sĩ Anh Nguyễn - bác sĩ, cố vấn dinh dưỡng đang làm việc tại Anh: "Nguy cơ nhiễm độc có thể đến từ bất kỳ khâu nào như từ sản xuất kém vệ sinh đến đóng gói liên quan đến chất lượng bao bì và bảo quản, thành phần nguyên liệu như chất bảo quản và tạo màu không an toàn, chất làm ngọt hóa học độc hại, chứa kim loại nặng như chì hay aluminum, nhiễm vi khuẩn nguy hại như salmonella, E.coli và các vi sinh vật có hại khác".

Một điều mà các bậc phụ huynh cần lưu tâm là mùi hương hay vị của kẹo giả. Thành phần khác nhau thì vẫn có thể tạo ra vị chua, vị ngọt giống nhau, và vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thường.

Ngoài ra, do quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh hoặc không kiểm soát chất lượng, kẹo giả có nguy cơ cao bị nhiễm kim loại nặng như chì, aluminum cũng như các vi khuẩn, vi sinh vật có hại như Salmonella, E.coli, đe dọa sức khỏe, thậm chí là tính mạng trẻ nhỏ.

Do hệ miễn dịch của trẻ nhỏ vẫn chưa được hoàn thiện nên các bé là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất, nhẹ thì nổi mẩn đỏ, khó chịu, nặng thì phải nhập viện điều trị. Thường xuyên sử dụng bánh kẹo giả chứa thành phần không an toàn, về lâu dài trẻ có thể tiềm ẩn một bệnh nào đó như tim mạch, dị ứng…

Thực tế đã có không ít vụ ngộ độc bánh kẹo không rõ nguồn gốc mua tại cổng trường đã xảy ra thời gian qua. Điển hình trong năm học 2022-2023 chứng kiến nhiều vụ ngộ độc thực phẩm ở học sinh nghiêm trọng. Bên cạnh những vụ việc có nguyên nhân đến từ bếp ăn trường học, đáng chú ý, có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do bánh kẹo mua trước cổng trường.

Cuối tháng 4/2023, 9 học sinh lớp 4 của một trường tiểu học tại Bình Phước có triệu chứng ngộ độc thực phẩm như sốt, đau bụng, đau đầu, nôn ói sau khi chia nhau gói kẹo vị ổi mua tại cửa hàng tạp hóa trước cổng trường. Vụ một trường tiểu học tại Đông Hà, Quảng Trị, ghi nhận 10 học sinh lớp 4 có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, khó thở và đau đầu sau khi ăn một loại kẹo không rõ nguồn gốc khi mua ở cổng trường.

Tạ sao phải kiểm nghiệm chất lượng bánh kẹo?

Bánh kẹo là loại thực phẩm rất phổ biến trên thị trường. Đặc biệt, bánh kẹo là mặt hàng được tiêu thụ lớn bởi trẻ em, do đó việc kiểm nghiệm bánh kẹo là cần thiết để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh kẹo: Ngày nay, khi ngành kinh doanh bánh kẹo handmade và nhập khẩu ngày càng phát triển và rất được ưa chuộng thì nhu cầu kiểm nghiệm bánh kẹo càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó, để đảm bảo tốt chất lượng, các cơ sở sản xuất bánh kẹo phải đảm bảo kiểm soát tốt quy trình sản xuất ngay từ khâu nhập nguyên liệu, sản xuất, thành phẩm và đưa ra thị trường nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tăng độ tin cậy của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của mình.

Đối với các cơ sở quản lý nhà nước: Ngành thực phẩm bánh kẹo có sức tiêu thụ rất lớn trên thị trường làm đặt ra nhiều thách thức đối với các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm.Do đó, kiểm nghiệm bánh kẹo là một việc làm quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước xác định các chỉ số về an toàn thực phẩm từ đó giúp cho đơn vị sản xuất có căn cứ để làm thủ tục tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Theo quy định hiện hành, các chỉ tiêu kiểm nghiệm bánh kẹo sẽ được căn cứ vào cơ sở pháp lý của các quy định, quy chuẩn sau: Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT về việc ban hành Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm; QCVN 8-2:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm; QCVN 8-1:2011/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm.

Theo VietQ