Con vàng da vì mẹ bổ sung quá nhiều cà rốt



Vì sợ rau xanh không an toàn nên chị Hằng đã tích trữ cà rốt, hằng ngày cho con ăn mỗi loại củ này thay rau. Điều này gây ra không ít tác dụng phụ lên sức khỏe của con chị.

Con vàng da vì mẹ bổ sung quá nhiều cà rốt

Ảnh minh hoạ.

Tưởng con bị viêm gan

Gần đây, vợ chồng chị Hằng trú tại Hà Đông, Hà Nội đứng ngồi không yên vì cậu con trai 11 tháng tuổi bỗng dưng bị vàng da, vàng mắt. Vợ chồng chị lo lắng cho bé đi bệnh viện khám vì nghĩ viêm gan.
Cả ngày trời ở viện đi làm các xét nghiệm và đủ thứ cũng không ra bệnh, chị Hằng được bác sĩ khuyên đi khám dinh dưỡng vì có thể do vấn đề dinh dưỡng gây ra vàng da.
Qua khám và tư vấn, chị Hằng cho hay, con chị không bao giờ ăn rau lá vì sợ rau lá không an toàn. Hàng ngày, chị Hằng chỉ cho con ăn cà rốt và bí đỏ. Chính điều đó dẫn đến bé bị thừa chất và gây nên hiện tượng vàng da.
Nỗi ám ảnh sợ rau chứa thuốc trừ sâu, rất nhiều bà mẹ xoay sang cho con ăn củ quả vì nghĩ ít thuốc trừ sâu hơn. Như chị Hằng, để trốn lại cơn bão thực phẩm kém an toàn, chị tích trữ cà rốt sạch mẹ chị trồng cho con ăn dần. Thậm chí, chị còn nấu sẵn, nghiền nhỏ rồi để ngăn đá thành các viên cà rốt đông lạnh. Với chị như thế tạm gọi an toàn hơn là mua ngoài chợ.
Tuy nhiên, TS, BS Nguyễn Trọng Hưng viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm vì bản thân người lớn cũng không muốn ăn một loại thực phẩm kéo dài huống chi đến trẻ nhỏ.

Lời khuyên của bác sĩ vẫn là đa dạng thực phẩm, không nên ăn các loại để tủ lạnh quá lâu dù đó là ngăn đá hay ngăn mát. 
Ngoài ra, thói quen của cha mẹ cho rằng củ quả tốt hơn rau lá là hoàn toàn sai lầm. Tại viện dinh dưỡng quốc gia, bác sĩ cũng thường xuyên gặp các bé bị rối loạn tiêu hoá và các bệnh lý khác do ăn duy nhất 1 loại thực phẩm.
Trường hợp của bé Nguyễn Thanh Kh. trú tại Hoài Đức, Hà Nội cũng thế. Từ lúc sinh ra bé Kh. rất kén ăn và không ăn được thô. Thịt cá bé đều không chịu ăn, thay vào đó bé chỉ đòi ăn cơm với lạc. 
Bé ăn đủ kiểu, từ lạc rang muối đến chiên dầu. Gần đây bé ậm ạch khó tiêu, bụng trướng lên. Gia đình đưa đi kiểm tra, bác sĩ cho biết đó là tác dụng phụ của việc ăn nhiều lạc quá.

Cà rốt không nên ăn quá nhiều

Lương Y Hoàng Gia Trí – Nguyên bác sĩ tại bệnh viện Y học cổ truyền trung ương cho biết, cà rốt vị ngọt cay, tính hơi ấm, có tác dụng hạ khí bổ trung, yên ngũ tạng, tăng tiêu hoá, làm khoan khoái trong bụng. 

Cà rốt có các tính chất: bổ, tiếp thêm chất khoáng, trị thiếu máu (làm tăng lượng hồng cầu và huyết cầu tố) làm tăng sự miễn dịch tự nhiên, là yếu tố sinh trưởng kích thích sự tiết sữa, làm cho các mô và da trẻ lại. Nó còn giúp điều hoà ruột (chống ỉa chảy và đồng thời nhuận tràng), chống thối và hàn vết thương ở ruột, lọc máu, làm loãng mật, trị ho, lợi tiểu, trị giun và hàn liền sẹo.

Về giá trị dinh dưỡng: Trong 100g cà rốt có 88g nước, 8g đường, 1.5g protid, 1.2g xenluloza, 43mg canxi, 39mg photpho, 0.8mg sắt, 0.06mg vitamin B1, 0.06mg vitamin B2, 0.4mg vitamin PP, 0.8mg vitamin C và từ 1 đến 9mg caroten… 

Chất sắt và vitamin A trong cà rốt có tác dụng phòng và chữa thiếu máu, tăng cường khả năng sinh trưởng đối với trẻ em. 

Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều bởi cái gì thái quá cũng thành bất cập. Với cà rốt, ăn quá nhiều cơ thể sẽ không chuyển hóa hết được beta-caroten. Chất này sẽ ứ đọng lại gây vàng mắt, vàng da, chán ăn (nhiều người dễ nhầm tưởng là bị bệnh gan), chỉ cần ngừng ăn cà rốt thì các biểu hiện trên sẽ hết.

Ngoài ra, củ cà rốt cũng không phải là sạch vì có thể bị ảnh hưởng từ đất chứa các phân hoá học nên củ cà rốt chứa rất nhiều nitrat. Đây là tiền chất gây ung thư.

Theo Phương Thuý (infonet)