Cuộc chiến sống còn trên thị trường nước giải khát Việt

Thị trường nước giải khát Việt Nam trị giá hàng tỷ USD mỗi năm đã khiến cuộc đua giành thị phần của các doanh nghiệp NGK nóng hơn bao giờ hết.

Cạnh tranh không khoan nhượng

Pepsi và Coca Cola là 2 “gã khổng lồ” của thị trường nước giải khát có gas, dường như không có bất cứ đối thủ nào xứng tầm tại Việt Nam. Cơ hội duy nhất cho các doanh nghiệp nội là ở mảng nước giải khát không gas còn lại.

Số lượng doanh nghiệp và sản phẩm không ngừng tăng khiến cho “mảnh đất” này ngày càng chật chội, “cuộc chiến” dành thị phần cũng trở lên khốc liệt hơn.

Tân Hiệp Phát hiện đang là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực nước giải khát. Còn nhớ vào thời điểm năm 2006, khi sản phẩm Trà xanh 0 độ lần đầu ra mắt đã tạo lên một “cơn địa chấn” về nước giải khát.

Các sản phẩm khác của Tân Hiệp Phát như: Number 1, Trà thảo mộc Dr Thanh, sữa đậu nành Number 1 Soya,… sau đó cũng gây được tiếng vang lớn. Với hàng loạt những “bom tấn” này, Tân Hiệp Phát ngày càng củng cố vị trí độc tôn của mình.

Cả Tân Hiệp Phát và URC Việt Nam đều cho rằng bị

Cả Tân Hiệp Phát và URC Việt Nam đều cho rằng bị "chơi xấu" trong vụ "con ruồi"

Thế nhưng, câu chuyện “Tân Hiệp Phát và con ruồi” có lẽ là bước ngoặt lớn nhất đối với công ty này trong thời gian qua. Sau vụ việc “con ruồi 500 triệu”, “vận đen” của doanh nghiệp này tiếp tục kéo dài khi hàng loạt các sự cố liên quan tới dị vật bị phát hiện bên trong chai nước.

Sự “vụng về” trong cách xử lý khủng hoảng đã khiến Tân Hiệp Phát tự buộc dây vào cổ mình. Dư luận vô cùng bức xúc, một làn sóng tẩy chay sản phẩm Tân Hiệp Phát đã bùng nổ mạnh mẽ.

Chính làn sóng tẩy chay này đã khiến lượng người tiêu dùng tìm đến sản phẩm của công ty sụt giảm nghiêm trọng. Sức cạnh tranh của Tân Hiệp Phát với các doanh nghiệp trong nước cũng như 2 “đại gia” Pepsi và Coca Cola bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

Một “ông lớn” khác cũng lao đao vì dị vật là URC. Hàng loạt các trường hợp như 5 con ruồi cùng ở trong 1 chai C2, dị vật trong chai C2, và mới đây nhất là một chai C2 bị bốc hơi,… đã được phát hiện.

Vốn là những cái tên quen thuộc và có mặt trên thị trường nhiều nhất, nhưng sau các sự cố trên, người dùng đang ngày càng cảnh giác với sản phẩm của 2 doang nghiệp này hơn.

Nhưng khó khăn của doanh nghiệp này sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp khác, đó là quy luật cạnh tranh tất yếu. Nắm bắt thời điểm “trượt chân” của 2 “ông lớn” này, hàng loạt các tên tuổi khác nhanh chóng gia tăng ảnh hưởng của mình trên thị trường nước giải khát.

“Quần hùng” nổi dậy

Sau thành công của Tân Hiệp Phát với Trà Xanh 0 độ và URC với C2, “chiếc bánh” mang tên nước giải khát không gas nhanh chóng bị chia nhỏ bởi hàng chục nhãn hàng trà của các thương hiệu lớn ra đời như Real Leaf (Coca Cola), Vfresh (Vinamilk), Lipton Pure Green (Pepsi), Thiên Trà (Vedan)...

"Chiếc bánh" thị phần đang bị xâu xé quyết liệt

Không chỉ có mặt hàng trà xanh, các nhãn hiệu quen thuộc như Delta, Uni-President, Bidrico, Yến sào Khánh Hòa, Chương Dương …cũng đua nhau cho “ra lò” thêm nhiều sản phẩm mới như sữa đậu nành, nước trái cây các loại, collagen, nước yến Sanest Khánh Hòa, Nha đam, mãng cầu Chương Dương…ở nhiều dạng: đóng lon, hộp giấy, chai nhựa, chai thủy tinh uống liền.

Sự ra đời hàng loạt các sản phẩm mới là minh chứng rõ ràng nhất cho cuộc chiến khốc liệt của thị trường này. Các nhà sản xuất không chỉ đầu tư lớn cho việc nghiên cứu mẫu mã, bao bì để gia tăng thị phần các sản phẩm cũ và đưa thêm ngày càng nhiều sản phẩm mới ra thị trường mà còn đang giành quyền khai thác ở những vị trí “đắc địa” trên các quầy, kệ siêu thị.

Một trong những thời điểm chốt của “cuộc chiến” là mùa nắng nóng hàng năm, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp thể hiện sức mạnh của mình, cụ thể là việc gia tăng số lượng sản phẩm.

Để đáp ứng cho thị trường mùa nắng nóng năm nay, hầu hết các nhà máy sản xuất đều tăng công suất, điều chỉnh sản lượng tăng từ 5 - 15% so với bình thường. Riêng đối với một số nhà máy tại các tỉnh thành phía Nam đã tăng đến 30% sản lượng để kịp đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Nếu chỉ tính riêng các sản phẩm của Tribeco, sản lượng nước giải khát không gas tăng bình quân từ 19 đến 22% tùy theo chủng loại. Nước ép Cam cà rốt TriO có sản lượng tăng tới 8,5 lần, sữa đậu nành Canxi Somilk bịch và hộp giấy tăng hơn 2,3 lần. Các sản phẩm khác như sữa đậu nành Trisoy, trà bí đao, nước yến ngân nhĩ... đều có tỷ lệ tiêu thụ tăng cao.

Mới đây, Công ty CP nước giải khát Chương Dương cũng ra mắt hai loại sản phẩm nước giải khát không gas là nước uống nha đam và nước mãng cầu dạng đóng lon. Ngoài ra, công ty này tiếp tục đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại, duy trì sản xuất nhà máy hiện có cũng như khởi công xây dựng nhà máy có công suất 50 triệu lít/năm.

Đối với dòng sản phẩm nước uống cao cấp, nước yến Sanest Khánh Hòa của Công ty TNHH nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa cung cấp ra thị trường các dòng sản phẩm như nước yến Sanest collagen, nước yến Sanest nhân sâm… đang chiếm lợi thế lớn. Các sản phẩm nước yến Sanest Khánh Hòa được nhà sản xuất đưa ra thị trường ở các dạng lon, chai và lọ thủy tinh có dung tích từ 70ml - 190ml và ở hai thể loại có đường và không đường.

Theo Văn Nguyễn (NDT)