Dè dặt với cổ phiếu ngân hàng

Một thời cổ phiếu NH có giá cao gấp 20-50 lần giá trị sổ sách, giờ đây không ít NH có kết quả kinh doanh thuộc dạng khá và cổ phiếu được rao bán chỉ bằng 40% giá trị sổ sách.

Giá rẻ vẫn ế

Theo kết quả thông báo của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), không có nhà đầu tư nào tham gia đăng ký mua 51.322 cổ phiếu của 2 NH vừa mang ra đấu giá vào ngày 20/10/2015. Đơn cử DATC công bố bán đấu giá 26.660 cổ phần OCB với giá khởi điểm 4.900 đồng/cổ phần, chỉ tương đương khoảng 40% giá trị sổ sách và thấp hơn so với giá đang giao dịch trên thị trường tự do (OTC). Dù vậy vẫn không nhà đầu tư nào đăng ký mua.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến cuối năm 2015 các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó có lĩnh vực NH. Vì vậy, trong thời gian qua nhiều DNNN đã công bố thông tin bán cổ phiếu các NH đang nắm giữ.

Cụ thể, mới đây Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thông báo chào bán toàn bộ hơn 5,72 triệu cổ phiếu Eximbank, tương đương khoảng 0,46% vốn điều lệ với giá thỏa thuận. Theo tin từ Sabeco, giá trị sổ sách của khoản đầu tư này gần 64 tỷ đồng, tương đương giá mua vào bình quân 11.137 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá đang giao dịch trên thị trường là 11.800 đồng/cổ phiếu.

Được biết, ngoài Eximbank, Sabeco còn nắm giữ cổ phần của 2 NH khác là DongABank với 4,73 triệu cổ phiếu với giá gốc 136,3 tỷ đồng và 9,53 triệu cổ phiếu OCB giá gốc 216,6 tỷ đồng. Như vậy, giá gốc Sabeco mua những cổ phiếu NH này đang cao hơn rất nhiều so với giá trị thị trường hiện nay.

Trong thời gian qua, cổ phiếu của rất nhiều NH được chào bán và danh sách này có thể ngày càng dài thêm. Dự kiến VNPT sẽ bán 71,5 triệu cổ phần Maritimebank (MSB), tương đương 8,95%; Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng đang làm thủ tục thoái vốn khoảng 6% cổ phần của SeABank (thời điểm năm 2012) và hơn 12% tỷ lệ cổ phần của TPBank.

Việc chào bán giá cổ phiếu NH vào thời điểm hiện nay là việc không dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có vài ngoại lệ như việc 6 nhà đầu tư đã mua hơn 40 triệu cổ phiếu trên tổng số gần 81,6 triệu cổ phần của ABBank do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVN Hà Nội bán đấu giá với giá 10.000 đồng/cố phiếu, cao hơn so với giá trên thị trường tự do của ABBank.

Dè dặt với cổ phiếu ngân hàng

Sự kiện OceanBank bị mua lại với giá 0 đồng cho đến nay làm cho nhiều nhà đầu tư chùn tay khi mua cổ phiếu NH.

Lo ngại chưa minh bạch sức khỏe

Tại biên bản họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty Chứng khoán nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agriseco), các cổ đông đặt nghi vấn về thông tin khoản cầm cố cổ phiếu GPBank (NH mới bị mua lại với giá 0 đồng) với giá trị khoảng 230 tỷ đồng và yêu cầu đưa ra hướng giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được HĐQT trả lời cụ thể.

Theo một số cổ đông của Agriseco, việc công ty bị thua lỗ hơn 38 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2015 có thể liên quan đến vấn đề này, trong khi theo Agriseco nguyên nhân lỗ do trích lập dự phòng nhưng không nêu rõ khoản mục trích lập.

Việc 3 NH bị NHNN mua lại với giá 0 đồng đã làm cổ đông của các NH này trong phút chốc trắng tay. Trong đó đáng chú ý là Oceanbank. Đây là trường hợp gây bất ngờ nhất, bởi trước đó báo cáo tài chính kiểm toán của NH này công bố không có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng tài chính khó khăn. Nợ xấu của Oceanbank trong các báo cáo trước đó vẫn ở ngưỡng an toàn.

Tương tự là trường hợp DongABank bất ngờ bị kiểm soát đặc biệt và cổ phiếu bị ngừng giao dịch. Trong các báo cáo được công bố trước đó, DongABank vẫn là một NH bình thường. Những bất ngờ kể trên không khỏi khiến nhà đầu tư hoang mang về sức khỏe thật sự của các NH.

Theo báo cáo chính thức, tỷ lệ nợ xấu hiện nay của các NH chỉ còn 2,9%, con số khá thấp và xét theo tiêu chuẩn thông thường thì khá lành mạnh. Tuy nhiên, nếu cộng thêm hơn 225.000 tỷ đồng nợ xấu các NH đã bán cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống hơn 8%.

Triển vọng dài hạn của các NH cũng không thực sự sáng sủa. 2015 là năm cuối cùng thực hiện Đề án tái cấu trúc TCTD đã được Thủ tướng phê duyệt. Kết quả một số NH, công ty tài chính yếu kém đã biến mất khỏi thị trường thông qua việc sáp nhập và 3 NH bị NHNN mua lại với giá 0 đồng.

Đây được xem là một trong những thành công của việc thực hiện đề án tái cấu trúc. Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia cho rằng việc tái cấu trúc mới chỉ diễn ra ở “bề mặt” và mang tính chất cơ học, trong khi những vấn đề có tính chất hệ thống chưa có nhiều cải thiện. Như vậy, đích đến thực sự của việc tái cấu trúc NH vẫn còn xa. 

Theo Xuân Anh (Sài Gòn Đầu Tư)