Điều gì làm nên thành công ở doanh nghiệp tư nhân DOJI?



Bí quyết nào đã làm nên thành công của DOJI, một doanh nghiệp tư nhân vừa đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì?

Phát biểu tại buổi lễ tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, trao Huân chương Lao động cho Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Tập đoàn tập trung đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, tinh xảo, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Bên lề Hội nghị Biểu dương Doanh nghiệp – Doanh nhân tiêu biểu và “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” năm 2014 vừa được Thành phố Hà Nội tổ chức cuối tuần này, ông Dương Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc đã chia sẻ về thành công của Tập đoàn.

- Ông có thể chia sẻ đôi điều về thành công của Tập đoàn trong năm 2013?

Ông Dương Anh Tuấn: Năm 2013, DOJI đạt doanh thu được 35 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 1,5 tỷ đô la Mỹ. DOJI hiện là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Việt Nam và giữ vững danh hiệu trong hai năm liền.

Vừa qua, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn DOJI đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Tại Hội nghị biểu dương doanh nghiệp doanh nhân tiêu biểu của Hà Nội, DOJI cũng vinh dự là một trong 22 doanh nghiệp nhận Cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua” của Thành phố.

- Điều gì đã làm nên thành công của DOJI, thưa ông?

Ông Dương Anh Tuấn: Lĩnh vực hoạt động chính của Tập đoàn là chế tác vàng bạc, trang sức, đá quý và xuất nhập khẩu trang sức. Đây là một lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro.

Một trong những bí quyết quan trọng trong kinh doanh mà chúng tôi thường gọi là “đi ngược sóng”. Đó là sự kết hợp của sự sáng tạo cùng với tính kiên trì theo đuổi mục tiêu, là chiến lược marketing khôn ngoan đi kèm với kế hoạch mở rộng quy mô mạng lưới nhanh chóng. Tập đoàn luôn đầu tư vào những thời điểm khó khăn nhất. Chúng tôi coi đó chính là cơ hội.

Điều tôi muốn nói ở đây là khả năng đánh giá, phân tích thị trường. Cần có tầm nhìn xa, chiến lược lâu dài. Trên cơ sở đó mình đưa ra sách lược phù hợp. Hay nói cách khác, bí quyết ở đây là khả năng phân tích thị trường, đánh giá quá trình, tương lai lâu dài của thị trường cũng như của ngành nghề mà chúng tôi làm.

Với tuyên ngôn thương hiệu là “luôn tỏa sáng”, Tập đoàn DOJI chúng tôi luôn coi nguồn lực quý giá nhất không phải là tài chính, là máy móc công nghệ hay các dự án bất động sản tiềm năng, mà đó chính là nguồn lực con người. Chúng tôi quan tâm đến nguồn nhân lực, cụ thể là việc sử dụng con người.

Trong thời gian qua, Tập đoàn không chỉ duy trì ổn định về hoạt động sản xuất mà trong cả chính sách về con người và nhân lực và tạo dựng được văn hóa của tập đoàn. Chúng tôi gọi là văn hóa DOJI, làm cho sự phát triển của tập đoàn bền vững hơn, duy trì được đồi sống của người lao động cũng như sự tăng trưởng của Tập đoàn.

Không chỉ với mức thu nhập bình quân hơn 8 triệu/tháng, các chế độ BHXH, BHYT được chi trả, mà Công ty còn quan tâm đến đời sống tinh thần cho công nhân viên. Có một niềm tự hào chung của hàng nghìn công nhân viên từ trụ sở chính Hà Nội hay chi nhánh TP Hồ Chí Minh hay tỉnh Yên Bái xa xôi, họ chung một quyết tâm chung một niềm khát vọng để xây dựng DOJI ngày càng lớn mạnh.

- Là một doanh nghiệp kinh doanh chính trong lĩnh vực vàng bạc và đá quý, ông nghĩ như thế nào về chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực này?

Ông Dương Anh Tuấn: Vừa qua, Nhà nước đã có những chính sách quan trọng liên quan đến lĩnh vực hoạt động của DOJI, ví dụ như là Nghị định 24  của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng hay Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.

Các quy định này đã đưa việc quản lý, điều hành thị trường vàng bạc, ngoại tệ quy củ hơn và cũng đã điều chỉnh chất lượng quản lý trang sức vàng bạc theo hướng chuẩn hóa, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Các chính sách này tạo điều kiện tốt để các đơn vị làm ăn nghiêm túc, bài bản, giúp thị trường phát triển tốt hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Thành lập năm 1994, từ một cơ sở sản xuất, chế tác cắt mài đá quý được đặt trên một căn nhà nhỏ trong một ngõ nhỏ Phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa, Hà Nội, Công ty đã nghiên cứu thành công quy trình xử lý đá ruby, saphia của vùng mỏ Nghệ An, Yên Bái. Đầu năm 1997 DOJI lại tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu xây dựng quy trình chế tác ruby sao, một nguồn đá quý vô cùng quý hiếm vừa mới được khám phá từ vùng mỏ Yên Bình, Yên Bái.

Sau 20 năm hoạt động, DOJI đã sản xuất, xuất khẩu gần 1,5 triệu ca rat đá quý các loại. Thời kỳ 2009-2014 là  giai đoạn bứt phá hết sức ngoạn mục của Công ty. Nếu như doanh số của năm 2008 mới chỉ là 1.500 tỷ, thì đến năm 2009 đã đạt 5.000 tỷ, 2010 là 11.000 tỷ, 2011 cán đích 20.000 tỷ tương đương 1 tỷ USD, 2012 là 30.000 tỷ và năm 2013 đạt 34.000 tỷ và năm nay dự kiến kế hoạch sẽ đạt xấp xỉ 40.000 tỷ.

Sự vươn lên mạnh mẽ đã  đưa DOJI trở thành doanh nghiệp được Tổ chức đánh giá xếp hạng VNR 500 xếp hạng là  doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong 2 năm liên tiếp 2012 và  2013, và trở thành Thương hiệu Quốc Gia Việt Nam.

DOJI đã tham gia đầu tư vào 2 Dự  án trọng điểm của Thủ đô Hà Nội đó là  Dự án Khu Công nghiệp Hỗ trợ Nam Hà Nội Hanssip và Khu Công viên Công nghệ Phần mềm Hanel, và đang tiến hành Dự án Xây dựng Khu đô thị tại Thành phố Vĩnh Phúc. Đặc biệt năm 2012 DOJI đã được Thủ tướng Chính phủ, NHNN cho phép tham gia vào Đề án Tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng và đã trở thành Cổ đông lớn của NH TMCP Tiên Phong – TP Bank. Đến nay chỉ sau hơn 2 năm sau tái cơ cấu, TPBank đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong quá trình tái cơ cấu.

DOJI đã thành lập riêng 1 Viện Nghiên cứu  để tiến hành các nghiên cứu cơ bản về các loại Đá quý của Việt Nam. DOJI đã vinh dự cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tổ chức Hội nghị Quốc tế về Ngọc học IGC 33 tháng 10/2013. 

Minh Anh

Theo Cạnh tranh quốc gia