Doanh nghiệp xăng dầu lãi 'khủng' - lợi ích người tiêu dùng ở đâu!?

Có một điều rất lạ, kể từ khi Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thì công việc làm ăn thu lãi của các doanh nghiệp xăng dầu lại tăng một cách đột biến. Vậy đâu là sự thật?

Nghị định mới, mối lo cũ!

Liên tục nhiều lần lãnh đạo bộ Công Thương khẳng định cách điều hành giá xăng theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ vềkinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) để hoạt độngkinh doanh xăng dầu tiếp tục vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. Giá xăng dầu trong nước phản ánh kịp thời diễn biến giá xăng dầu thế giới; tần suất, biên độ điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với sự phát triển kinh tế -xã hội, tâm lý người tiêu dùng. Tuy nhiên, cách điều hành giá xăng mới mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đơn cử, theo báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố, trong quý 2/2015, Petrolimex có mức lãi sau thuế hơn 1.125 tỉ đồng, tăng 170% so với quý 2/2014. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Petrolimex đạt mức lợi nhuận sau thuế là 1.586 tỉ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ năm 2014.

Doanh nghiệp xăng dầu lãi 'khủng' - lợi ích người tiêu dùng ở đâu!?

Người tiêu dùng đang chịu thiệt vì cách điều hành giá xăng hiện nay (ảnh Thành Long).

Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, tập đoàn lãi lớn so với cùng kỳ 2014 là do bước sang năm 2015, kết quả kinh doanh của một số công ty con, công ty liên kết của tập đoàn này trong các ngành nghề, lĩnh vực khác như hoá dầu, bảo hiểm, nhiên liệu bay, dịch vụ... Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguồn lợi thu lớn nhất vẫn là hoạt động kinh doanh xăng trên thị trường. Điều này cho thấy, cách điều hành giá xăng hiện nay đang “nuôi béo” các doanh nghiệp hơn là hướng đến hài hòa lợi ích người tiêu dùng như mục tiêu đề ra khi áp dụng Nghị định điều hành giá xăng dầu mới.

Đợt điều chỉnh giá ngày 19/8 được các chuyên gia rất kỳ vọng là giá xăng dầu sẽ giảm mạnh, nhưng trên thực tế mức điều chỉnh giá lần này không như kỳ vọng. Cụ thể, giá xăng RON 92 giảm 768 đồng/lít, về mức giá tối đa 18.536 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 703 đồng/lít, về mức giá 12.409 đồng/lít... Trong khi trên thị trường châu Á, giá dầu thô ngày 18/8 giảm 0,62 USD/thùng (tương đương 1,46%) còn 41,88 USD/thùng, xuống dưới cả mức giảm kỷ lục 42,03 USD/thùng hồi tháng 3/2015.

Với cách điều hành như hiện nay cho thấy dự báo của các chuyên gia trước đó cho rằng cách điều hành giá cơ sở dựa vào chu kỳ 15 ngày thay vì tính bình quân 30 ngày như trước đây chưa giải quyết rốt ráo câu chuyện cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Bởi, với Petrolimex hệ thống bán lẻ, cửa hàng quá lớn chiếm 60% thị phần nên cách tính mới chẳng ảnh hưởng gì, đang đúng trên thực tế.

Lãi cao vì được ưu ái quá lớn?

   Doanh nghiệp xăng dầu lãi 'khủng' - lợi ích người tiêu dùng ở đâu!?

TS. Lê Đăng Doanh.

Trao đổi với PV báo, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Doanh nghiệp xăng dầu lãi gấp ba lần trong quý II so với cùng kỳ năm trước là điều đáng ngạc nhiên và khá bất ngờ. Vậy vấn đề đặt ra đây có phải là lợi nhuận siêu ngạch của một doanh nghiệp độc quyền hay không? Khoản lợi nhuận khủng như thế liệu có sự chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán ra hay không. Trong khi đó những lần báo cáo gần đây doanh nghiệp xăng dầu thường kêu lỗ”. TS. Lê Đăng Doanh lo ngại: “Vậy cơ chế quản lý giá cả về xăng dầu có đảm bảo công bằng lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp Nhà nước hay không? Nếu chưa công bằng thì thiếu sót đó ở khâu nào cần phải làm rõ, ai chịu trách nhiệm cũng cần phải đưa ra. Điều đáng nói, một doanh nghiệp độc quyền lãi lớn, trong khi các doanh nghiệp khác và người dân chịu thiệt thòi. Xét về lợi ích quốc dân, số tiền thuế Nhà nước thu được từ khoản lãi của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó có thể bằng lợi ích từ việc các doanh nghiệp và người dân hưởng lợi từ giá xăng dầu giảm. Có thể nói lợi ích của người dân chưa được đặt trên lợi ích của doanh nghiệp độc quyền. Để tình trạng này xảy ra, rõ ràng các cơ quan quản lý về giá chưa làm đúng chức năng, hết trách nhiệm để người tiêu dùng chịu thiệt.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong, nhận định: “Gần như doanh nghiệp xăng dầu hiện nay không phụ thuộc vào cạnh tranh thị trường, trong khi đó Nhà nước tạo điều kiện cho họ một định mức chiết khấu. Cụ thể, trước đây định mức chiết khấu mà doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được Nhà nước cho lãi chỉ 300 -400 đồng/lít mà họ đã sống tốt rồi. Thực tế hiện nay các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đang lãi định mức quá cao lên tới 1.300 đồng/lít. Qua con số lãi khủng gấp gần ba lần của Petrolimex cho thấy doanh nghiệp này gần như đang lời ăn, lỗ người dân chịu. Điều đáng nói, lãi như vậy, nhưng doanh nghiệp xăng dầu nhiều khi còn báo lỗ trong chu kỳ bình quân giá xăng dầu điều chỉnh 15 ngày một lần để “né” việc giảm giá.

Ở góc nhìn của người tiêu dùng, TS. Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: “Việc các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lãi “đậm”, trong khi người tiêu dùng vừa phải chịu giá cao thì khó có thể chấp nhận được. Cần phải xem xét lại cơ chế vận hành của việc tăng giảm giá xăng dầu làm sao để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng chứ không nên chỉ vì lợi ích doanh nghiệp. Qua đây có thể thấy cơ chế Quỹ bình ổn giá xăng dầu vận hành chưa ổn và gây nhiễu giá, dễ bị ăn gian, lạm dụng”.

Không thể nói Petrolimex độc quyền

Trước dư luận cho rằng lãi khủng của Petrolimex là do độc quyền, PV báo đã trao đổi với ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex và được ông cho biết: Hiện, luật quy định độc quyền như thế nào, khái niệm độc quyền ra sao, tất cả đều cụ thể trong luật do đó không thể nói Petrolimex độc quyền. Đánh giá lợi nhuận của Petrolimex phải dựa trên sản lượng, số vốn đưa ra kinh doanh của doanh nghiệp, cần thiết phải có cái nhìn tổng thể, chứ không chỉ nhìn vào thị phần chiếm trên 50% của tập đoàn. Hơn nữa, số lợi nhuận này chỉ mới ở thời điểm hai quý đầu năm chưa nói lên tất cả. Bởi vấn đề điều chỉnh tỉ giá của NHNN mới đây sẽ tác động đến doanh nghiệp và tác động lớn đến một năm tài chính của doanh nghiệp. Khi có cái nhìn tổng thể như vậy thì mới đánh giá đúng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được.

Không thể tin vào báo cáo của doanh nghiệp đầu mối!?

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch hiệp hội Vận tải Hà Nội: “Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu dầu đang độc quyền về việc nhập cũng như xuất dầu ra thị trường. Bởi vậy những báo cáo của các doanh nghiệp này đang dần mất niềm tin đối với người tiêu dùng. Những lúc xăng dầu thế giới tăng thì họ kêu trời, trong khi đó giá xuống thì gần như không tự động giảm. Thông tin Petrolimex lãi khủng như vậy sẽ khiến nhiều người “choáng”. Cần thiết phải xem xét lại việc tăng, giảm giá xăng dầu hiện nay chứ không nên để doanh nghiệp xăng dầu mãi độc quyền như vậy sẽ ảnh hưởng đến người dân, các doanh nghiệp trong nước.

Theo Trinh Phúc – Vũ Phương (NĐT)