'Đừng chọn người nói hay, làm dở, xoay xở làm lãnh đạo'

"Đừng chọn người nói thì hay, làm thì dở, chỉ xoay xở tìm cách làm lãnh đạo, tâm lý ăn xổi ở thì”, đại biểu Đỗ Văn Đương phát biểu ở Quốc hội chiều 2/11.

Sợ 1 người làm gian, làm khó cho nghìn người khác

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội chiều nay, đại biểu Nguyễn Hữu Đức ( Đồng Tháp) cho rằng, việc tổ chức vận hành các cơ chế chính sách pháp luật để điều hành chính sách kinh tế xã hội còn nhiều bức xúc, bất cập. Chậm và chờ là đặc trưng của công tác xây dựng luật.

Nhiều chủ trương chính sách từ khi ban hành đến khi thực hiện là cả năm chờ hướng dẫn từ các ngành các cấp, thậm chí còn chồng chéo. Khi có vướng mắc thì chờ quy trình ngược lại từ thấp lên cao để xem xét tháo gỡ. Trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi sự tương tác nhanh, bộ máy phản ứng quá chậm làm mất thời cơ, cơ hội.

Quốc hội và Chính phủ ban hành chính sách pháp luật theo hướng mở ra. Cơ quan quản lý thì đóng lại, vì tâm thế của cơ quan quản lý khi ban hành là muốn thuận tiện, an toàn, dễ cho mình. Chúng ta sợ 1 người làm gian nhưng vô tình làm khó cho nghìn người khác. Vì thế, nhiều chính sách không như mong muốn.

Đừng chọn người nói hay làm dở xoay xở làm lãnh đạo
Đại biểu phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội ngày 2/11. Ảnh:Quochoi.vn

Theo đại biểu này, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện nhưng đủ để quản lý các lĩnh vực. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vi phạm luật, đứng trên luật, nhưng chậm can thiệp, điều chỉnh, xử lý kịp thời từ cơ quan quản lý. Điều này làm mất niềm tin của người dân vào công bằng, lẽ phải và tính nghiêm minh và thượng tôn pháp luật của các tổ chức.

Đại biểu Đức kiến nghị phải đặt người dân, tổ chức, doanh nghiệp vào trọng tâm về chính sách xã hội. Khi quyết định một vấn đề phải minh bạch, cụ thể, thực hiện ngay, hạn chế phải qua cơ quan trung gian, tránh tình trạng ra chính sách mà không có nguồn lực để thực hiện.

Đừng chọn người nói hay, làm dở, xoay xở làm lãnh đạo

Đại biểu của Đồng Tháp cũng quan ngại trước thực tế cải cách hành chính và bộ máy nhà nước. Việc cải cách đã có nhiều kết quả tích cực, giúp phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thể chế còn chưa đồng bộ, chồng chéo, nhiều về số lượng, hạn chế về chất lượng.

Các bộ thuộc Chính phủ giảm, nhưng bộ máy bên trong chưa giảm, trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ ràng.

Cụ thể, giai đoạn 2007-2013, cả nước qua 3 đợt tinh giảm biên chế, nhưng biên chế vẫn tăng trên 20%, theo số liệu báo cáo của Bộ Nội vụ.

Hơn nữa, ở Việt Nam có hàng chục tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp. Mỗi địa phương có khoảng 20 tổ chức đoàn thể đặc thù cùng hưởng ngân sách nhà nước, số còn lại được hỗ trợ một phần từ ngân sách (khoảng 2,8 triệu công chức hưởng lương ngân sách).

Sự cồng kềnh của bộ máy gây sức ép lên ngân sách quốc gia: 35% ngân sách chi trả lương, mỗi năm 40.000 tỷ đồng để tăng lương cho số cán bộ này.

Ông khuyến nghị việc cải cách tổ chức bộ máy mang tính quyết định, cần tinh giản bộ máy trong hệ thống đảng, chính quyền, mặt trận, tổ chức đoàn thể từ trung ương đến cơ sở.

Đừng chọn người nói hay làm dở xoay xở làm lãnh đạo
Đại biểu Đỗ Văn Đương. Ảnh: Tuổi trẻ.

Trước đó, đại biểu Đỗ Văn Đương đề xuất việc tuyển chọn công chức phải minh bạch, có tính cạnh tranh, thông qua đánh giá sản phẩm công vụ, cống hiến của họ mà xã hội nhìn thấy được

"Đừng chọn người nói thì hay, làm thì dở, chỉ xoay xở tìm cách làm lãnh đạo, tâm lý ăn xổi ở thì”, đại biểu Đương nói.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng than phiền bộ máy công chức Nhà nước đang quá cồng kềnh. "Trung ương và Chính phủ đang chỉ đạo tinh giản biên chế, nhưng với các giải pháp đã làm thì tôi tin là không thể giảm được, vì không biết giảm ai, thậm chí tạo thêm những bức xúc khác", ông Nam nói.

Ông đề nghị Quốc hội năm 2016 phải ban hành Luật Công vụ xác định rõ chức danh, vị trí việc làm tạo điều kiện để tinh giản biên chế.

Giấu bằng đại học làm thợ xây, phụ hồ

"Trong khi đất nước phát triển kinh tế thị trường thì việc tuyển dụng, đào tạo vẫn theo hướng cũ, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Thực tế có doanh nghiệp nhận hàng trăm hồ sơ sinh viên mới tốt nghiệp ra trường nhưng cho vào vận hành máy thì chỉ 1 người làm được.

Sinh viên ra trường thì giấu bằng đại học (ĐH) đi làm thợ xây, phụ hồ, đánh giày, bán báo. Thế thì đào tạo ĐH làm gì cho lắm? Nhân đây, tôi cũng khuyên các em đừng quá nặng tâm lý học ĐH mà có thể đi học nghề, trưởng thành từ thực tiễn rồi sau này nâng tầm".

Đại biểu Đỗ Văn Đương

Theo Phương Loan (zing)