Gạo Việt yếu thế trên sân nhà

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Tuy nhiên, thương hiệu gạo Việt vẫn chưa tạo được dấu ấn trên thị trường thế giới. Ngay cả trên sân nhà, gạo Việt vẫn có phần lép vế so với các loại gạo ngoại nhập như Thái, Nhật, Đài Loan (Trung Quốc) về giá cả và thương hiệu.

Bà Lý Kim Chi.

Hiện nay, tại các chợ truyền thống và đại lý, các loại gạo được bán mang thương hiệu nào thì chỉ có người bán là hiểu rõ. Gạo được đựng trong những bao khoảng 100kg dưới nhiều tên gọi khác nhau. Khó có thể chứng minh về tên và nguồn gốc các mặt hàng gạo đang bán trên thị trường. Chất lượng gạo cũng là câu hỏi mù mờ bởi vì trên sản phẩm không có chỉ tiêu chất lượng được chứng nhận từ cơ quan kiểm định nhà nước. Ngoài ra, các điểm bán gạo chưa đảm bảo điều kiện bảo quản như nhiệt độ, độ ẩm không khí làm ảnh hưởng tới chất lượng và thời hạn sử dụng gạo.

Hầu như chỉ mua tại siêu thị, người tiêu dùng mới có thể chọn gạo có thương hiệu của doanh nghiệp. Chỉ có sản phẩm này, có công bố tiêu chuẩn kỹ thuật và các chứng nhận chất lượng trên bao bì.

Theo nhận định chuyên gia, phương thức thu mua, phân phối gạo Việt Nam còn lạc hậu, thường thông qua thương lái nhỏ. Phải qua đến 5-6 tầng nấc gạo mới đến được người tiêu dùng. Qua các tầng trung gian, người bán pha trộn các sản phẩm gạo, mà không có người kiểm soát. Điều đó cũng làm một bộ phận người tiêu dùng mất niềm tin vào chất lượng gạo Việt Nam.”

Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm, Thủy hải sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho rằng: “Người tiêu dùng nên mua các sản phẩm của doanh nghiệp có thương hiệu, có mẫu mã bao bì rõ ràng để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Các doanh nghiệp này đặt mua nguyên liệu tại địa phương hoặc doanh nghiệp hợp đồng với các địa phương để liên kết đầu tư cánh đồng lớn, sau đó đem sản phẩm về chế biến. Tỉnh Nam Định, Ninh Bình là hai nơi làm ra gạo tám thơm Hải Hậu nổi tiếng, theo thông tin của cơ quan chức năng địa phương của tỉnh thì lượng gạo này chỉ sản xuất đủ ăn trong địa bàn tỉnh, thế nhưng tại địa bàn Hà Nội rất nhiều nơi bán gạo tám thơm Hải Hậu. Tương tự, gạo tám xoan Điện Biên sản xuất với sản lượng rất ít nhưng cũng được bán tràn lan tại những nơi khác. Như vậy, có thể các thương lái đã thay tên đổi họ cho các loại gạo không rõ nguồn gốc!”. Có những loại gạo thơm nhưng thực chất là sử dụng hương nhân tạo, khi nấu chín mùi thơm bay hơi mất, không còn thơm nữa, điều này khác với gạo thơm tự nhiên khi để nguội vẫn còn giữ hương thơm, ông Đô chia sẻ thêm.

Một nguyên nhân khác khiến người tiêu dùng khó tính khá e dè với chất lượng gạo Việt vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc trừ sâu, trong khi khâu kiểm định của nước ta chưa chặt chẽ.

Nhiều người tiêu dùng mặc dù lòng tin vào gạo Việt không cao nhưng vì tài chính eo hẹp nên vẫn lựa chọn những loại gạo bán trôi nổi trên thị trường. Chị T.Thảo, công nhân tại Khu công nghiệp Tân Bình cho rằng: “Hàng ngày đi chợ phải nhắm mắt mua đại các loại gạo có tên có tuổi như gạo Lài, gạo Nàng Hương, gạo dẻo đặc biệt,... nhưng không biết có phải đúng hàng 100% không ?”.

Gạo Việt - Bụt nhà không thiêng


Ảnh minh họa.

Cơ quan chức năng từng phát hiện nhiều vụ gian lận của các thương lái, người bán buôn khi bán gạo Việt núp dưới bao bì gạo Thái, Nhật, nhằm bán với giá cao hơn kiếm lời nhiều. Điều này xuất phát từ tâm lý người tiêu dùng coi chất lượng gạo Việt thấp hơn gạo ngoại.

Không chỉ là bụt nhà không thiên, theo nhận định nhiều chuyên gia, so với gạo Thái Lan hay Ấn Độ, gạo Việt có chất lượng thấp, không đồng đều. Nhiều gia đình khá giả người Việt vẫn thích chọn mua gạo Thái mặc dù giá gạo Thái đắt gấp rưỡi gạo ta. Theo chị Hoa, Q.10, TP.HCM cho biết: “Chị mua gạo Thái vì ngon, giá cả đúng với chất lượng, gạo Việt nhiều lúc mua giá gạo chất lượng loại 1 nhưng thực chất người bán trộn đủ loại gạo trong đó”. Với gia đình chị, gạo là thức ăn chính trong thực đơn hàng ngày nên chị không ngần ngại chi mức cao hơn để mua gạo ngon như gạo Thái, chị Hoa diễn giải.

Lý do làm cho gạo Việt có chất lượng thấp giá cao cũng được bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội LTTP TP.HCM nêu: Đầu tư công nghệ để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, góp phần giảm giá thành sản phẩm gạo từ các phụ phẩm chưa được coi trọng. Do thiếu liên kết sản xuất gắn doanh nghiệp với người trồng lúa nên tồn tại nhiều khâu trung gian trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Hiện Nhà nước đang thí điểm xây dựng các cánh đồng mẫu lớn để cải tạo sản xuất nhưng còn rất ít so với tỷ lệ sản xuất hiện nay.

Ngoài ra, Việt Nam còn hạn chế về năng lực về công nghệ, các cơ sở chế biến cũ, trang thiết bị và công nghệ không đồng bộ, lạc hậu. Tỷ lệ tổn thất thu hoạch cao (11-13%). Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ có dây chuyền đánh bóng gạo, không có xay xát. Trang thiết bị cho các khâu đóng bao, bốc xếp, vận chuyển hầu như không có, chủ yếu làm bằng thủ công, năng suất lao động thấp.


Gạo có thông tin đầy đủ được bán trong siêu thị.


Ảnh minh họa.

Gạo là loại lương thực chính cho bữa ăn hàng ngày của người Việt. Vì vậy, gạo cần giữ lại đầy đủ các thành phần dinh dưỡng như vitamin B1, B2, protein, tinh bột... sau khi qua các giai đoạn sơ chế. Đồng thời, gạo chất lượng cao, yêu cầu phải ngon, dẻo, thơm, ngọt, đạt các chỉ tiêu hóa lý quy định.

Thúy Hồng (NTD)