Hai bệnh nhân COVID-19 ở TPHCM và Kiên Giang t.ử v.o.ng

Trưa 25/6, Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thông báo các ca tử vong 73 và 74.

hai-benh-nhan-covid-19-o-tphcm-va-kien-giang-t-u-v-o-ng

Ca tử vong thứ 73: BN9830, nam, 44 tuổi, có địa chỉ tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Tiền sử đái tháo đường type 2.

Ngày 14/6, bệnh nhân xét nghiệm SARS-COV-2 có kết quả dương tính được chuyển từ Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu COVID-19 trong tình trạng tỉnh, khó thở phải thở oxy mask 15 lít/phút.

Tại đây bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực bằng thở máy qua nội khí quản, an thần, giãn cơ, kháng sinh, kháng đông, kháng viêm, insulin, thuốc vận mạch.

Tuy nhiên do bệnh nhân có bệnh nền, đáp ứng điều trị kém, bệnh diễn biến nặng dần, mặc dù đã được bệnh viện dốc sức cứu chữa nhưng bệnh không qua khỏi, bệnh nhân tử vong lúc 1 giờ 32 phút ngày 22/6.

Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do SARS-CoV-2 nặng biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan trên bệnh nhân đái tháo đường type 2.

Ca tử vong thứ 74: BN11456, nữ, 68 tuổi, có địa chỉ tại huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Tiền sử: Đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, di chứng lao phổi (đã hoàn thành điều trị cách đây 10 năm).

Ngày 16/6 bệnh nhân xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả dương tính được chuyển từ Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị trong tình trạng suy hô hấp không cải thiện, hỗ trợ oxy mask liên tục.

Tại đây bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực bằng thở máy qua nội khí quản, an thần, giãn cơ, kháng sinh, kháng đông, kháng viêm, insulin, thuốc vận mạch. Tuy nhiên do tuổi cao, bệnh lý nền nặng, đáp ứng điều trị kém, bệnh diễn biến nặng dần, mặc dù đã được bệnh viện dốc sức cứu chữa nhưng bệnh không qua khỏi. Bệnh nhân tử vong lúc 0 giờ 10 phút ngày 23/6/2021

Chẩn đoán tử vong: viêm phổi do SARS-CoV-2 nặng biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, di chứng lao phổi.

Hà Minh

Theo Tiền Phong

------

Xem thêm:

Số ca mắc COVID-19 vượt 2.000, TP.HCM tăng số giường điều trị lên 5.000

Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ngành y tế TP.HCM đã chủ động tăng số giường điều trị dành cho bệnh nhân COVID-19 từ 3.500 giường lên 5.000 giường.

Sáng nay (24/6), Sở Y tế TP.HCM cho hay, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM vẫn còn diễn biến phức tạp, số bệnh nhân mắc COVID-19 đã lên tới 2.098 (tính đến sáng 24/6), ngành y tế Thành phố đã chủ động tăng số giường điều trị dành cho bệnh nhân COVID-19 từ 3.500 giường lên 5.000 giường theo đúng kế hoạch của Ban chỉ đạo Thành phố giao.

Theo đó, từ ngày 24/6, Bệnh viện huyện Bình Chánh tạm thời chuyển đổi thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh với quy mô 500 giường.

Ngoài 9 bệnh viện với quy mô 3.500 giường đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn Thành phố, ngành y tế TP.HCM tiếp tục tạm chuyển đổi công năng của Bệnh viện huyện Bình Chánh với quy mô 500 giường và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức với quy mô 1.000 giường trở thành những bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, nâng tổng số giường điều trị COVID-19 trên địa bàn Thành phố lên 5.000 giường.

Theo Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện huyện Bình Chánh sẽ tạm ngừng hoạt động khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ bệnh viện trở thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày mai (25/6).

Sở Y tế phân công Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hỗ trợ nhân lực chuyên Khoa Nhiễm và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ nhân lực chuyên Khoa Hồi sức cấp cứu cho Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh. Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh có quy mô 500 giường (bao gồm cả giường trẻ em) với 20 giường hồi sức.

so-ca-mac-covid-19-vuot-2-000-tp-hcm-tang-so-giuong-dieu-tri-len-5-000

Từ hôm nay (24/6), Bệnh viện huyện Bình Chánh tạm thời chuyển đổi thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Bình Chánh với quy mô 500 giường. Ảnh: Sở Y tế

Riêng Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh ngoại trú, tạm ngừng toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ khu vực điều trị nội trú của bệnh viện để trở thành Bệnh viện điều trị COVID-19 Thủ Đức theo mô hình tách đôi bệnh viện, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 28/6. 

Sở Y tế phân công Bệnh viện Lê Văn Việt tạm thời tiếp nhận bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức tiếp nhận bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức.

Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hỗ trợ nhân lực chuyên Khoa Nhiễm và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố hỗ trợ nhân lực chuyên khoa để can thiệp điều trị tại chỗ (khi cần). Bệnh viện điều trị COVID-19 Thủ Đức có quy mô 1.000 giường (bao gồm cả giường trẻ em) với 25 giường hồi sức.

Như vậy, để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ngành y tế Thành phố đã chủ động hiện thực hoá kế hoạch 5.000 giường điều trị COVID-19 bằng nhiều phương thức khác nhau như bệnh viện dã chiến hay tạm thời chuyển đổi công năng toàn bộ bệnh viện hoặc chuyển đổi công năng một phần bệnh viện theo mô hình tách đôi bệnh viện đối với các bệnh viện hội đủ các điều kiện cả về hạ tầng cơ sở và nhân lực trở thành bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19.

Các bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19 trên địa bàn Thành phố hiện nay gồm có 11 đơn vị. Cụ thể là Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (300 giường); Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi (500 giường); Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ (600 giường); Bệnh viện Điều trị COVID-19 Bình Chánh (500 giường); Bệnh viện điều trị COVID-19 Thủ Đức (1.000 giường); Bệnh viện Điều trị COVID-19 Phạm Ngọc Thạch (500 giường); Bệnh viên Điều trị COVID-19 Trưng Vương (1.000 giường); Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (100 giường); Bệnh viện Nhi Đồng 2 (60 giường); Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (400 giường); Bệnh viện Chợ Rẫy (40 giường hồi sức).

Theo GiaDinh