Hơn 65.000 người chết vì Covid-19, Mỹ phê chuẩn thuốc điều trị đầu tiên

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng thuốc chống virus Remdesivir của công ty Gilead trong điều trị Covid-19 trong bối cảnh hơn 65.000 người tại đây tử vong do viêm phổi cấp.

hon-65000-nguoi-chet-vi-covid-19-my-phe-chuan-thuoc-dieu-tri-dau-tien

Mỹ hiện là quốc gia có nhiều ca mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 nhất thế giới. (Ảnh minh họa: Reuters)

Theo số liệu trên trang web Worldometers, tính đến chiều 1/5 theo giờ địa phương, Mỹ ghi nhận thêm 1.855 ca tử vong so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước này lên 65.711 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 34.000 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại đây lên gần 1,13 triệu ca.

Mỹ hiện là nước có nhiều người mắc và tử vong vì Covid-19 nhất thế giới. Các chuyên gia dự đoán, số người chết vì dịch bệnh này tại Mỹ có thể lên 74.000 người vào đầu tháng 8.

Trong diễn biến liên quan khác, FDA ngày 1/5 đã phê chuẩn cho phép sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir của công ty Gilead Science trong điều trị khẩn cấp Covid-19. Điều này cho phép thêm nhiều bệnh viện trên khắp nước Mỹ sử dụng Remdesivir trong điều trị Covid-19.

Trong một cuộc hội kiến Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, Giám đốc điều hành Gilead Daniel O’Day gọi đây là một bước đi quan trọng đầu tiên và cho biết công ty sẽ tặng 1,5 triệu liều thuốc hỗ trợ bệnh nhân. Số thuốc này ước tính đủ cho ít nhất 140.000 bệnh nhân.

Theo các dữ liệu công bố trong tuần này, phương pháp điều trị thử nghiệm tại Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho thấy, Remdesivir giúp giảm 31% thời gian điều trị, song không làm tăng đáng kể cơ hội sống sót của bệnh nhân.

Gilead hiện chưa bình luận về giá cả của loại thuốc này, song Viện nghiên cứu Kinh tế và Lâm sàng dự đoán, giá có thể lên tới 4.500 USD.
Hiện vẫn còn nhiều hoài nghi về hiệu quả của thuốc chống virus Remdesivir do hãng dược Gilead Sciences của Mỹ sản xuất.

Remdesivir chưa từng được chấp nhận là thuốc điều trị cho bất cứ căn bệnh nào. Thuốc này trước đây từng được thử nghiệm chống Ebola nhưng không hiệu quả.

Theo Dantri

---

Ngày thứ 16 không có ca mắc mới COVID-19, bệnh nhân nặng 161 sẽ được điều trị thế nào?

Sáng 2/5, Bộ Y tế cho biết, không có ca mắc mới, không ghi nhận ca tái nhiễm. Đến hôm nay sang ngày thứ 16 Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Hội đồng chuyên môn tiếp tục hội chẩn điều trị những ca bệnh nặng, nguy kịch.

ngay-thu-16-khong-co-ca-mac-moi-covid19-benh-nhan-nang-161-se-duoc-dieu-tri-the-nao


Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày không có ca bệnh nào dương tính trở lại sau khi công bố khỏi bệnh, cũng không có bệnh nhân nào được công bố khỏi bệnh.

Đến thời điểm này đã có 219 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh/xuất viện. 51 bệnh nhân mắc COVID-19 còn lại hiện đang được điều trị, theo dõi sức khoẻ tại 9 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó riêng tại bệnh viện tuyến trung ương điều trị, theo dõi sức khoẻ cho 40 bệnh nhân; bệnh viện tuyến tỉnh điều trị, theo dõi cách ly 10 bệnh nhân và tuyến huyện là 1 bệnh nhân. Đa số các bệnh nhân có sức khoẻ ổn định.

Về tình trạng sức khoẻ của 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 19,91,161), Tiểu ban Điều trị cho biết, trong đó bệnh nhân số 19 và 161 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư hiện đều không sốt, đang tập cai thở máy, tập phục hồi chức năng.

Riêng bệnh nhân số 161, qua hội chẩn chuyên môn, các thành viên hội đồng nhấn mạnh nếu cấy virus cho kết quả âm tính thì có thể chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai để điều trị phục hồi tai biến mạch máu não. Cập nhật đến chiều ngày 1/5, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 161 đã âm tính với virus SARS-CoV-2.

Bệnh nhân 161 (88 tuổi, quê ở Hưng Yên) được chuyển từ khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai sang khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) hôm 25/3, với chẩn đoán chảy máu não thất, phát hiện tăng huyết áp 2 tuần, chụp CT phổi có tổn thương phổi trái.

Ba ngày sau khi nhập viện, tới ngày 28/3, bệnh nhân có xu hướng tổn thương phổi tăng hơn. Tới ngày 2/4, nữ bệnh nhân này phải thở oxy, sau đó mở nội khí quản và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực. Sau đó bệnh nhân được chỉ định thở máy.

Đến nay, bệnh nhân COVID-19 nhiều tuổi nhất Việt Nam này đã trải qua khoảng 30 ngày phải thở máy, điều trị hồi sức tích cực. Ngoài bệnh nền là xuất huyết não, liệt cứng nửa người trái, bệnh nhân còn phát hiện bị tăng huyết áp.

Bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM hiện tại tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, vẫn thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO. Bệnh nhân này hiện đã tiếp tục có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên tiên lượng về trường hợp này còn rất nặng.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị, theo dõi sức khoẻ, hiện đã có 10 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2  và 5 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.

Theo Tienphong

---

Xem thêm:

+ Vì sao bệnh nhân 254 "lọt lưới" chốt kiểm soát thôn Hạ Lôi, Mê Linh để đi chạy thận?

+ Tạm đình chỉ phó chủ tịch HĐND phản ứng kiểm dịch

+ Thêm 2 công dân ở ổ dịch Hạ Lôi mắc COVID-19, Công ty Samsung có ca mắc đầu tiên