Lợi nhuận nghìn tỷ kiểu giật lùi của MobiFone

Lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2010-2014 của MobiFone tăng khoảng 6% nhưng 2015-2020 chỉ dự kiến 3-5%. Trong khi đó, nhà mạng này đặt mục tiêu tăng doanh thu 20%.

Đầu tháng 4, tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I của Bộ Thông tin Truyền thông, ông Lê Nam Trà – Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone bất ngờ công bố kết quả kinh doanh quý của nhà mạng này. Theo đó, MobiFone báo lãi 2.086 tỷ đồng tương đương 30% kế hoạch (doanh thu 8.556 tỷ đồng).

Trong thời gian còn lại của năm, doanh thu của MobiFone dự kiến tăng nhưng lợi nhuận lại giảm so với đầu năm. Hôm công bố tại buổi giao ban, dự kiến quý II, doanh thu MobiFone tăng lên 9.460 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại còn 1.786 tỷ đồng. Đây là lần hiếm hoi mạng di động đầu tiên tại Việt Nam chủ động công bố kết quả kinh doanh cũng như kế hoạch dự kiến của quý I.

Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận nghìn tỷ đi giật lùi của MobiFone không chỉ xảy ra ở riêng năm 2015. Theo số liệu được nhà mạng này công bố sau Đại hội Đảng bộ hồi tháng 6/2015, tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2015-2020 chỉ khoảng 3-5% so sánh với mức bình quân 6% của 2010-2014. Riêng năm 2015, MobiFone dự kiến lợi nhuận đạt 7.300 tỷ đồng – không tăng so với năm trước.

Lợi nhuận nghìn tỷ kiểu giật lùi của MobiFone
Trong khi đặt kế hoạch tham vọng về doanh thu, MobiFone lại thận trọng khi chấp nhận phần lợi nhuận tăng thấp. Ảnh: Phan Anh.

Dù lợi nhuận tăng trưởng giảm, nhưng mạng di động này lại công bố một kế hoạch khá tham vọng về doanh thu trong bối cảnh thị trường đang tiến tới bão hòa. Theo dự kiến, MobiFone sẽ tăng doanh thu bình quân 20%/năm trong giai đoạn 2015-2020 (gấp 2,5 lần tốc độ trung bình của 2010-2014) và đích đến vào cuối kỳ là 100.000 tỷ đồng.

Giải thích về tốc độ tăng trưởng doanh thu rất cao trong khi lợi nhuận đi giật lùi, một lãnh đạo cấp cao của nhà mạng này nói với Zing.vn: “Đó là hệ quả của việc cần mở rộng đầu tư vào hạ tầng và phát triển các mảng kinh doanh mới. Sau giai đoạn đầu tư này, lợi nhuận sẽ tăng trở lại”.

Tại đại hội Đảng bộ giữa năm, Tổng giám đốc MobiFone - Cao Duy Hải cho biết, các lĩnh vực được công ty này tập trung trong thời gian tới gồm di động, truyền hình, bán lẻ, đa phương tiện, xây dựng hệ thống kênh phân phối…

Tương lai của MobiFone nằm ở đâu?

Trao đổi với Zing.vn, một lãnh đạo cấp của MobiFone cho biết, công ty này vẫn kiên định với định hướng chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng tốt nhất. Đây sẽ là vũ khí để nhà mạng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Ngoài ra, để cải thiện thị phần, thay đổi cuộc chơi mà Viettel đang chiếm tỷ lệ chi phối, lãnh đạo MobiFone kỳ vọng vào mạng 4G sẽ được triển khai trong năm 2016 (thử nghiệm cuối 2015). Đối với các mảng kinh doanh mới như truyền hình, bán lẻ, đầu tư nước ngoài… nhà mạng này cần thời gian mới có thể đánh giá chính xác tiềm năng phát triển.

Không giống như vài năm trước, vị thế của MobiFone giờ rất khác. Dù vẫn quảng bá là mạng di động có Arpu (mức tiêu dùng trên di động) cao nhất Việt Nam nhưng MobiFone lại không chiếm thị phần 3G lớn (đi kèm với những người sử dụng smartphone) mà là Viettel (với hơn 50%). Trong khi doanh thu từ thoại và SMS tăng trưởng ngày càng chậm, việc không chiếm thị phần 3G lớn khiến cơ hội phát triển mạnh của MobiFone khó khăn hơn vì các dịch vụ dữ liệu là tương lai của di động.

Với 4G, mặc dù khẳng định đây là công nghệ sẽ thay đổi “bàn cờ” về thứ bậc trong những năm tới, khi được hỏi, các lãnh đạo cấp cao của MobiFone cũng chưa rõ ràng về kế hoạch triển khai. Đại diện của MobiFone chia sẻ: “Giờ cần nhìn vào sự thật để có thể tìm cách thay đổi tình hình. Trong vài năm tới, hiệu quả của chúng tôi khó có thể tăng lên vì vướng chi phí đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, nếu những mảng kinh doanh mới có thể bứt phá hoặc đón được làn sóng 4G thì mọi việc sẽ rất khác”.

Theo Hoàng Ly - Hạ Minh (Zing)