Mua nhầm 'sâm rác'

Chuyên gia hướng dẫn phân biệt sâm giả - sâm thật bằng cách bẻ củ, nếu lõi trong suốt, nếm có vị đắng đắng thì có thể đó là sâm thật. Tuy nhiên, đây chỉ là cách nhận biết thông thường và không phải ai cũng có thể phân biệt chính xác.  

mua-nham-sam-rac

Khách hàng đừng ham mua sâm rẻ, bởi sâm đó đã bị rút hết hoạt chất 

Nhân sâm vốn được biết đến là một dược liệu quý giá, đắt tiền. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá sâm có dấu hiệu giảm một cách đáng ngờ. Đến các cửa hàng sâm trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, đường 3/2, Lê Hồng Phong (TPHCM)… thì thấy hiện sâm Ngọc Linh của Việt Nam có giá khá cao, 55 - 75 triệu đồng/kg, trong khi các loại sâm nước ngoài giá thấp hơn như sâm Nhật 5 triệu đồng/kg, sâm Hàn Quốc 6 triệu đồng/kg... Đều đáng nói, có những nơi cùng một loại sâm nhưng giá chênh nhau từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/kg. Bất ngờ nhất là sâm khô, giá chỉ khoảng 500 đến 700 nghìn đồng/kg.

Tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thông (TPHCM), người chủ giới thiệu, đẳng sâm loại 1 năm giá 500 nghìn đồng/kg, loại 2 năm giá 850 nghìn đồng/kg và loại 3 năm giá hơn 1,5 triệu đồng/kg. “Đây là sâm trồng, còn sâm rừng thì giá cao hơn nhiều. Nếu muốn mua sâm rừng thì phải đặt hàng và chờ chừng nửa tháng. Khách hàng đừng ham mua sâm rẻ, bởi sâm đó đã bị rút hết hoạt chất. Nếu muốn rẻ thì giá nào cũng có. Thậm chí, có loại sâm trên 10 tuổi, giá chỉ vài trăm nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khi mua về dùng mới biết được giá trị như thế nào”, chủ cửa hàng này tiết lộ.

Dân trong nghề ai cũng rõ, hơn 70% trọng lượng của củ sâm là… nước. Thế nên 1kg sâm nếu phơi khô "teo" lại chỉ còn chưa đến 200gr, như vậy để có 1kg sâm khô phải tiêu tốn ít nhất 5kg sâm tươi. Tính theo thời giá trung bình được bán ở siêu thị thì 1kg sâm tươi bình quân khoảng 700.000đ, 5kg sâm tươi có tổng giá trị phải đến 3,5 triệu đồng, vậy mà có nơi chỉ bán 400 - 500.000 nghìn đồng/kg sâm khô!

“Sâm rác” bị rút tinh chất

Chị Hoàng Thu Trang (Q.Phú Nhuận, TPHCM) cho biết, vài tháng trước, thấy sức khỏe của mình không được tốt, thường xuyên mệt mỏi, đau ốm, nghe người quen giới thiệu, chị bỏ ra 70 triệu đồng mua 1kg sâm Ngọc Linh về tẩm bổ. Thế nhưng, sau một thời gian sử dụng, sức khỏe của chị vẫn không cải thiện bao nhiêu. Trò chuyện với bạn bè, chị Trang mới “té ngửa”, có thể mình đã mua phải sâm giả.

Theo một chuyên gia thì sâm được "rút tinh chất" dưới hình thức quay li tâm, củ sâm tuy bị vắt gần như kiệt nước nhưng vẫn không thay đổi hình dạng, chỉ nhẹ và xốp hơn. Nước từ củ sâm xuất ra sẽ được cô đặc lại bán cho các công ty dược. Còn cái xác sâm nếu “may mắn lắm” còn chưa đến 30% dược chất sau đó sẽ được xử lý dưới các hình thức tẩm ướp sấy khô, hoặc ngâm vào dung dịch đặc biệt, đường hóa học cho sâm nặng ký trở lại và thơm mùi sâm đặc trưng, thậm chí để tươi. Lúc này sâm chỉ còn là bã, là xác nên bán giá bao nhiêu cũng lời.

Thông thường, sâm thật sự có giá trị khi thời gian “sống” được vài chục năm, lúc này sâm mới tích tụ được hoạt chất. Trong khi đó, sâm bán trên thị trường hầu hết là sâm trồng. Mà thời gian được trồng đa phần chỉ vài năm. Do vậy, chất lượng của sâm không cao.

Một điều cần lưu ý là không phải bất kỳ ai cũng có thể dùng sâm. Đối với những người có sức khỏe bình thường thì không nên dùng. Bởi nếu khi khỏe mà dùng sâm thì đến lúc bệnh tật sẽ lờn thuốc. Do đó, dùng không đúng thì sẽ phản tác dụng. Nếu muốn phân biệt sâm thật - giả, người tiêu dùng có thể mang sâm đến kiểm nghiệm tại Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM, trường Đại học Y Dược TPHCM, Viện Dược liệu, Viện Kiểm nghiệm thực phẩm quốc gia… 

Theo Nguyễn Đăng (Phunuvietnam)