Mua sắm dịp Tết, đừng vung tay kẻo rồi hối tiếc

Lương thưởng là một khoản cũng là sức lao động của bạn trong một năm qua. Vậy nên mua sắm tết thế nào để vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo một cái tết đầy đủ là bài toán cần phải tính của người nội trợ ngay từ bây giờ.

Dự trù một khoản chi phí tiêu Tết cụ thể

Tùy theo hoàn cảnh gia đình và túi tiền, bạn nên dự trù hẳn một khoản chi phí cụ thể để mua sắm Tết. Luôn thống nhất tư tưởng, năm nay kinh tế khó khăn, lương thưởng ít, nên số tiền dự trù để sắm Tết năm nay phải tiết kiệm hơn năm ngoái.

Bạn nên dự trù cụ thể từng khoản chi tiêu. Cụ thể như ăn uống, quà biếu, lì xì, tiền xe cộ, đi lại... ngày Tết. Nếu không có xe riêng, bạn cũng thể rủ thêm bạn bè để thuê xe lớn, vừa chủ động về thời gian, vừa giảm bớt được kha khá chi phí.

Khi đã dự trù xong các khoản chi tiêu cụ thể, bạn hãy lên kế hoạch và "giương cao quyết tâm" để không tiêu quá số tiền dự trù này.

Lên danh sách chi tiết những thứ cần mua

Trước khi đi mua sắm Tết, bạn hãy dành thời gian lập danh sách chi tiết những thứ bạn cần mua sắm từ những mặt hàng lớn đến nhỏ nhất. Việc lập danh sách sản phẩm này tuy có thể khiến bạn mất chút thời gian vì phải đau đầu nghĩ ngợi nhưng sẽ tránh được chi tiêu vung tay quá trán, tránh được sự hoang phí khi mua sắm những thứ không cần thiết hoặc không dùng đến.

Khi lập danh sách những thứ cần mua, bạn nên xác định rõ ràng giữa những thứ quan trọng cần phải có và những sản phẩm không có cũng chẳng sao để lược bớt những vật dụng, thực phẩm không thực sự cần thiết và hữu dụng.

mua-sam-dip-tet-dung-vung-tay-keo-roi-hoi-tiec
Tuyệt đối tránh việc mua hàng theo ngẫu hứng hoặc "tiện tay" trong những ngày Tết bởi nó sẽ là thủ phạm vô hình làm tiền trong túi bay ra vèo vèo không kiểm soát được.

“Săn” khuyến mãi nhưng đừng quá đà

Thời điểm cận tết, hầu hết các siêu thị đều đưa ra chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng quà. Đây là dịp tốt để mọi người mua sắm tiết kiệm khi các sản phẩm giảm giá. Tuy nhiên, mọi người rất dễ bị ham đồ rẻ, đồ tặng kèm mà mua sắm quá tay.

Một mẹo mà mọi người cần chú ý chính là nên lên danh sách cho các đồ cần mua, với số lượng cụ thể. Khi bị thu hút bởi các sản phẩm khuyến mãi, nên tỉnh táo xem thử coi giá trị khuyến mãi bao nhiêu? Và nó có sử dụng được hay không.

Cảnh giác giảm giá ảo

Dịp Tết, các siêu thị, cửa hàng tung ra hàng loạt các đợt ưu đãi, khuyến mãi. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tiêu dùng, một số cửa hàng trục lợi bằng phương thức tăng giá cao, sau đó giảm giá ảo. Do đó, người tiêu dùng cần thực sự tỉnh táo để phân biệt khuyến mãi thật hay không.

So sánh giá trước khi mua

Nếu bạn đã quyết định mua sắm sớm, việc bạn có nhiều thời gian lựa chọn là điều tất nhiên. Thời buổi internet thống trị, nếu bạn muốn mua bất kỳ món gì, thay vì đến các siêu thị kiểm tra giá hàng hóa, bạn có thể lên internet để tham khảo thử giá sản phẩm, sau đó chọn nơi bán giá tốt nhất. Nếu mỗi thứ bớt một chút bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá.

mua-sam-dip-tet-dung-vung-tay-keo-roi-hoi-tiec
Về quê hoặc ra chợ đầu mối mua sắm Tết

So với chợ đầu mối hay chợ quê, thì giá cả tại các chợ cóc và siêu thị ở thành phố khá "chát". Do vậy, các bà nội chợ có thể nghĩ tới việc về quê đặt mua trước các thực phẩm. Đa phần, các loại thực phẩm ở chợ quê đều tươi ngon hơn và có giá rẻ hơn khoảng 20-30% khi mua tại thành phố. Giá cả tại chợ đầu mối tuy rẻ nhưng thường không bán lẻ, do vậy, nếu định mua hàng ở đây, bạn nên rủ thêm người mua chung để chọn được đồ ngon, giá tốt.

Không mua quá nhiều

Nhiều bà nội trợ thường có tâm lý mua thật nhiều thực phẩm, các loại đồ ăn trong dịp tết để phòng trường hợp siêu thị hoặc các chợ chưa mở cửa trở lại. Tuy nhiên, việc tích trữ quá nhiều thực phẩm trong nhiều ngày, nhất là đối với các loại rau xanh, trái cây... sẽ rất dễ dẫn đến thực phẩm khô héo, thối, hỏng, biến dạng, biến chất... Từ đó, việc thu nạp những loại thực phẩm đó vào cơ thể sẽ như chuốc họa vào thân.

Hơn thế nữa, hiện nay các siêu thị đều mở cửa trở lại rất sớm khoảng mồng 2 tết, chứ không lâu như bạn vẫn tưởng. Lời khuyên dành cho bạn là không nên dự trữ quá nhiều đồ ăn, chỉ nên tính toán khẩu phần ăn dành cho gia đình trong 1-3 ngày là tối đa.

Không mang nhiều tiền khi đi sắm tết

Khi mua sắm không nên mang quá nhiều tiền, thay vào đó chỉ nên mang một khoản tiền vừa đủ với nhu cầu mua sắm của bạn. Nếu mang quá nhiều tiền, bạn sẽ sẵn tay chi tiền cho những món hàng ngoài kế hoạch, điều này cũng khiến kế hoạch mua sắm không theo dự tính.

Tận dụng đồ cũ

Sau khi đã có một danh sách những thứ cần thiết cho dịp Tết sắp tới, bạn hãy kiểm tra lại những thứ có sẵn trong nhà để xem có tận dụng được gì không! Những món đồ trang trí cây đào, mai, quất, câu đối… từ năm trước hoàn toàn có thể tái sử dụng thay vì phải tốn một khoản tiền không nhỏ để mua đồ mới. Hoặc tái chế những món đồ cũ như hộp bìa cát-tông, ly thủy tinh… thành những chiếc lọ cắm hoa hay những chiếc hộp đựng đồ mới… cũng là một cách tiết kiệm rất sáng tạo và độc đáo.

Theo GiaDinh