'Nếu bạn yếu đuối, Trung Quốc sẽ nuốt sống bạn'

Trong thời gian qua, Indonesia sốt sắng với các vấn đề trên biển Đông và tự nhận là trung gian hòa giải giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Indonesia tỏ ra mình đứng ngoài các tranh chấp nhưng thực tế không phải vậy. Quốc gia này thừa hiểu chân lý: Trung Quốc sẽ nuốt sống bạn nếu bạn yếu đuối.

Sau khi hạ cánh xuống Natuna (còn gọi là Natuna Besar), hòn đảo lớn nhất của Indonesia ở biển Đông, người nước ngoài phải làm thủ tục rất chặt chẽ cho dù họ vừa thực hiện một chuyến bay nội địa. Việc chụp hình cũng không được cho phép cho đến khi ra bên ngoài sân bay vì đây cũng được coi một căn cứ không quân Indonesia.

Và khi rời đảo, tất cả người nước ngoài lại bị các nhân viên an ninh kiểm tra gắt gao, thời gian lưu trú, hành trình trên đảo phải được khai báo bất kỳ lúc nào. Hòn đảo này dường như rất đề cao cảnh giác như thể nay mai họ sẽ bị tấn công.

 Dù khá xa nhưng Natuna vẫn trong tầm với của lưỡi bò Bắc Kinh

Sự cảnh giác của Indonesia không thừa khi gần đây Bắc Kinh ban hành bản đồ với đường lưỡi bò liếm luôn vùng biển xung quanh quần đảo Natuna như là một phần của lãnh thổ của Trung Quốc, bất chấp Natuna cách đảo Hải Nam, cực nam lãnh thổ Trung Quốc đến hàng ngàn cây số.

Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã tăng cường tuyên bố chủ quyền lãnh thổ (phi pháp) thông qua đe dọa, tuần tra hải quân, phong tỏa cục bộ, hạ đặt giàn khoan dầu, xua tàu đánh cá và xây dựng cơ sở trên nhiều đảo nhỏ. Điều đó khiến các nước trong khu vực lo ngại cảnh giác và Indonesia cũng không ngoại lệ.
Có thể bạn quan tâm>>Lầu 5 góc tìm cách ém số án tình dục tăng chóng mặt trong quân đội Mỹ

Cho dù những năm gần đây, Indonesia tỏ ra miễn nhiễm với các tranh chấp trên biển với Trung Quốc nhưng Tổng thống mới đắc cử của Indonesia, Joko Widodo có thể ý thức sự xâm lược của Trung Quốc là một trong những vấn đề quan trọng tại nhiệm kỳ của mình.

Ông cũng sẽ thấy rằng căn cứ không quân ở Natuna cũng như "căn cứ hải quân" không đủ khả năng trở thành phòng tuyến an toàn. Căn cứ không quân chẳng qua là hơn 30 tòa nhà nhỏ - nhưng chỉ có 3 nhà chứa máy bay khiêm tốn. Thực tế là không có máy bay quân sự tại đây, trừ phi nó tàng hình.

Cái gọi là “căn cứ hải quân” chỉ là bãi đậu gần đó với hai chục quân nhân tập võ hàng ngày ở đó. Tàu hải quân duy nhất trên đảo là 2 tàu tuần tra nhỏ được trang bị nhẹ và một chiếc xuồng bơm hơi. Chính vì vậy, việc yêu cầu khắt khe với du khách tới Natuna thật ra chỉ là để che giấu điểm yếu chứ không phải là để giữ bí mật quân sự gì cả.

Đến tận tháng 3 năm nay, chính phủ Indonesia lần đầu chịu lên án các tuyên bố đơn phương của Trung Quốc trên hầu hết biển Đông bao gồm một số phần của tỉnh Riau như quần đảo Natuna và các đảo khác thuộc Indonesia.

Đừng nghĩ rằng quần đảo Natuna nằm cách xa Trung Quốc mà Bắc Kinh không để ý. Quần đảo Natuna đã là chủ đề tranh cãi Indonesia - Trung Quốc trước đây. Cho đến những năm 1970, đa số cư dân ở Natuna là người gốc Trung Quốc. Cuộc bạo loạn tại Indonesia trong những năm 1960, đầu những năm 1980, gần nhất vào năm 1998 đã dẫn đến một sự suy giảm của người gốc Trung Quốc trên Natuna từ khoảng 5.000-6.000 đến 1.000 hiện nay.

Năm 1996, Indonesia, cảm thấy rằng Trung Quốc muốn bành trướng chủ quyền lãnh thổ trên các vùng biển gần Natuna nên đã thực hiện các cuộc tập trận lớn chưa từng có ở khu vực biển Natuna với sự tham gia của 20.000 quân. Jakarta muốn chứng tỏ họ đủ khả năng chống chọi bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc tại vùng biển giàu trữ lượng dầu này. Nhưng sau đó, do khó khăn kinh tế cộng với Trung Quốc tạm lơ vùng biển Natuna thì Indonesia ít chú tâm phòng thủ tại đây.

Tại thời điểm năm 1996, khi Indonesia tổ chức diễn tập quân sự để bảo vệ khu vực Natuna, một chuyên gia của Viện Khoa học Indonesia, Dewi Fortuna Anwar, đã tiên đoán: "Trung Quốc thấy bạn mạnh thì sẽ tôn trọng bạn. Nếu họ thấy bạn yếu đuối, Trung Quốc sẽ nuốt sống bạn". 
Lời nói của bà Anwar vẫn đúng sự thật tại biển Đông vào lúc này.

Anh Tú (theo Diplomat)