Người tiêu dùng có quyền yêu cầu "Dinh dưỡng lành mạnh"

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện đang là vấn đề mang tính toàn cầu, đã đến lúc chúng ta nhận ra cái giá phải trả cho chế độ ăn, uống không lành mạnh.

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) tại Hội thảo “Vệ sinh an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng” diễn ra sáng 18/6/2015 do Báo Người Tiêu Dùng tổ chức tại TP.HCM.

Tham dự hội thảo có sự hiện diện của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch VINASTAS, ông Nguyễn Thái Thiên, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông), ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, đại diện Chi Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM), bà Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cùng hơn 200 đại biểu gồm đại diện các cơ quan truyền thông báo chí, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (trái) tặng hoa diễn giả Nguyễn Thái Thiên (Phó Cục trưởng Cục Báo chí).

Trong khuôn khổ hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch VINASTAS nhìn nhận: Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Đơn cử, năm 2015, Tổ chức Quốc tế Người tiêu dùng (CI) đã chọn chủ đề “Dinh dưỡng lành mạnh” làm chủ đề Ngày quyền của người tiêu dùng thế giới.

Sở dĩ CI lựa chọn chủ đề như thế vì cho rằng: Đã đến lúc thế giới phải nhận ra cái giá phải trả cho chế độ ăn, uống không lành mạnh. Tất cả mọi người tiêu dùng được quyền có thực phẩm không chỉ để ăn, mà đòi hỏi thực phẩm phải sạch và sự lựa chọn của người tiêu dùng chính là trung tâm để giải quyết vấn đề này.

Chế độ ăn uống không lành mạnh liên quan đến những nguyên nhân gây tử vong lớn nhất thế giới. Nạn thừa cân béo phì tiếp tục gia tăng, chi phí chống béo phì ước khoảng 2.000 tỷ USD/năm. Tình trạng báo động này cho thấy, đã đến lúc phải nhận ra cái giá phải trả cho chế độ ăn, uống không lành mạnh.

Đối với Việt Nam, những mặt tồn tại, yếu kém cũng như thách thức đối với doanh nghiệp trong công tác VSATTP là vấn đề được nhiều người quan tâm. Làm thế nào để đảm bảo chất lượng sản phẩm VSATTP cho người dân được đề cập trong hội thảo và đó cũng là nguyên nhân thu hút sự quan tâm của báo giới dành cho đại diện Cục ATVSTP.

Những câu hỏi đặt ra: Bao giờ người dân mới được dùng thực phẩm sạch? Thực phẩm bẩn tràn lan và hiện diện không chỉ trên bàn ăn của mỗi gia đình mà còn hiện diện cả nơi sang trọng như nhà hàng lớn… sẽ được kiểm soát thế nào?


Quang cảnh Hội thảo VSATTP vì quyền lợi NTD.

ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, đại diện Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM) cho biết: Việc quản lý, kiểm soát ATTP chủ yếu do các tỉnh, thành cung cấp thực phẩm và các địa phương này chịu trách nhiệm. TP.HCM là nơi tiêu thụ thực phẩm lớn của cả nước và đây cũng là vấn đề thách thức lớn cho TP.HCM.

Hiện tại, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, tình hình ATTP diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bùng phát nhanh, bệnh qua con đường thực phẩm rất lớn. Để hoạt động đảm bảo ATTP trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát ATTP trên phạm vi cả nước. Đồng thời, nhân rộng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn tại thành phố.

Ngoài ra, Bộ Y tế triển khai một hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP trên quy mô toàn thành để nắm bắt kịp thời các sự cố, vụ việc liên quan ATTP đang xảy ra, qua đó mở rộng nhanh các biện pháp ứng phó trên địa bàn quản lý.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng: Tình trạng không tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Trong khi đó, nhận thức của người tiêu dùng về quyền lợi của mình vẫn chưa đầy đủ, chưa tạo thành sức mạnh để buộc các doanh nghiệp không chân chính tự nguyện thực hiện nghĩa vụ với người tiêu dùng.

Người tiêu dùng cũng chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của mình như mua hàng không lấy hóa đơn, không xem nhãn mác, xuất xứ, hướng dẫn sử dụng, ngại khiếu nại, khiếu kiện…Các nhà sản xuất cũng cần liên tục sáng tạo, nếu không muốn bị tụt lại phía sau trong cuộc đua thỏa mãn nhu cầu luôn thay đổi của người tiêu dùng. ‘‘Để đảm bảo cho thị trường, luật và chính sách cạnh tranh phải trở thành công cụ hữu hiệu nâng cao lợi ích cho người tiêu dùng. Và đó cũng là mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng’’, bà Trang nói.

Trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng đóng vai trò trụ cột, đảm bảo sự vận hành hiệu quả của cơ chế thị trường, phân bổ nguồn lực xã hội tối ưu. Theo bà Trang, cạnh tranh để thúc đẩy nhà sản xuất bán sản phẩm ở mức giá hấp dẫn nhất với nhiều lựa chọn về chất lượng.

Trên thị trường cạnh tranh, các nhà sản xuất phải đẩy mạnh doanh số, thu hút khách hàng mới bằng cách thỏa mãn các nhu cầu của người tiêu dùng, đó là sự sẳn có của các sản phẩm thay thế ở mức giá chấp nhận được giúp người tiêu dùng có thể thay đổi hành vi mua hàng, áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt đối với mỗi người bán để thỏa mãn sở thích của người tiêu dùng.

Hội thảo kết thúc mang lại nhiều thông tin thú vị từ các diễn giả tham dự. Đây là cơ hội bày tỏ, chia sẻ từ các cơ quan chức năng quản lý, các nhà sản xuất với người tiêu dùng về vấn đề VSATTP hiện đang là vấn nạn của xã hội.

Theo Ths. BS Huỳnh Mai, việc tiêu thụ phải thực phẩm không an toàn là nguyên nhân gây ra các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1/3 dân số bị ảnh hưởng bởi các bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra. Điều đó gây thiệt hại nặng nề về kinh tế nhà nước nói chung, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng nói riêng.

Nguyễn Phương - Thế Mỹ (NTD)