Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội: Sản phẩm kém chất lượng vì... “thân quen”?

Trong thời gian qua, thị trường phía Nam rộ lên thông tin thuốc lá Khánh Hội, của Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội – Nhà máy thành viên của TCty Công nghiệp Sài Gòn, bị mốc, mọt ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe người tiêu dùng. Nguyên nhân vì đâu là cả một câu chuyện dài…

thuoc-la-khanh-hoi
Sản phẩm còn hạn sử dụng mà vẫn mốc, mọt của thuốc lá Khánh Hội

Để kiểm tra thông tin về hiện tượng thuốc lá Khánh Hội bị mọt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng, một chuyên gia ngành thuốc lá chỉ chúng tôi không cần đi đâu xa, cứ ra “thủ phủ” buôn thuốc lá lớn nhất Sài Gòn – chợ Học Lạc trên đường Học Lạc, quận 5, TP HCM – là nắm mọi chuyện.

Từ hiện tượng lạ...

Nhiều đại lí cùng cho biết, với thuốc lá Khánh Hội, thị trường cách đây không lâu đã phát hiện lô hàng mới nhất bị mọt có ngày sản xuất code 14/7 và 15/7, tức chỉ mới được ra bao thành phẩm và có ngày sản xuất khoảng 4 tháng. Một đại lí chỉ ra tỷ lệ nhiễm mọt của hai lô hàng nói trên có thể đạt tới 15% trong 1 thùng thuốc, tức cứ một thùng thuốc 500 gói thì có khoảng 75 gói thuốc bị mọt. Cũng theo nguồn tin các đại lí, thông thường hiện tượng mọt, tức có dấu hiệu sản phẩm “có vấn đề” ngay từ bên trong, nghĩa là từ khâu sản xuất đã làm không kỹ ở công đoạn chế biến diệt ấu trùng đã dẫn đến mọt xuất hiện sau vài tháng sản xuất.

Một chuyên gia trong ngành cho biết theo đánh giá sơ bộ, khả năng hiện tượng thuốc lá Khánh Hội, một thương hiệu lâu đời của ngành thuốc lá Việt Nam, đột nhiên bị mọt và nhiều đại lí phải trả sản phẩm lại cho nhà phân phối, có nguyên nhân do nằm ở khâu sản xuất, chế biến sản phẩm. “Mặc dù trước đó, trên một vài phương tiện thông tin, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội đã khẳng định các sản phẩm bị lỗi thường là do hết hạn sử dụng hoặc khâu bảo quản chưa được tốt. Nhưng trên thực tế nếu đúng như các đại lí phản ánh lô hàng có mã code 14-7 và 15-7, nếu sản xuất đúng quy trình thì không thể có chuyện bị mọt, vì thông thường hạn sử dụng các bao thuốc lá sẽ khoảng từ 6 tháng -1 năm. Riêng thuốc lá Khánh Hội có hạn sử dụng 6 tháng. Cùng một địa điểm lưu kho và bán hàng cũng như cùng như một quy trình bảo quản, vận chuyển, phân phối như nhau trong hàng loạt lô thuốc lá nội, ngoại, mà chỉ thuốc lá Khánh Hội bị mọt, thì sản phẩm rõ ràng có vấn đề”, vị chuyên gia nói.

Đến chuyện... rối nội bộ

Ngày 21/11/2014, DĐDN nhận được đơn tố cáo của một đại diện phân xưởng Thành phẩm thuộc Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội. Do nội dung đơn tố cáo iên quan đến nhiều cá nhân của DN này. Tuy nhiên, ghi nhận từ đơn tố cáo, ngoài các vấn đề liên quan đến cá nhân, có cả nội dung về việc Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội sử dụng các Cty đang cung cấp toàn bộ nguyên vật liệu sản xuất như sợi, mảnh, hương liệu, đầu lọc… như một dạng “sân sau”. Lần theo thông tin đó, chúng tôi phát hiện nhiều điểm bất ngờ.

Đáng chú ý nhất là thực tế, đang có tới 2 trên 4 DN đang tham gia cung cấp nguyên vật liệu sản xuất cho Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội có liên quan đến Giám đốc Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội - ông Lê Anh Tuấn. Cụ thể, cơ sở cung cấp Hương liệu Minh Huy chuyên cung cấp hương liệu cho nhà máy, có địa chỉ tại 312/27 đường Tôn Đản, Phường 4, quận 4, TP HCM, là do ông Lê Anh Kiệt, em trai ông Tuấn làm chủ cơ sở. Một Cty khác, cũng do em trai ông Tuấn là ông Kiệt đứng tên làm Giám đốc đại diện, là Cty TNHH SXTMDV Thùy Khanh có địa chỉ tại 15 Tân Vĩnh, Phường 4, Quận 4, TP HCM, thì đang cung cấp đầu lọc cho Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội. Cả hai Cty này đều được Giám đốc Lê Anh Tuấn kí trong phiếu đánh giá nhà cung cấp và chỉ định tại thời điểm mua để trình TCty Công nghiệp Sài Gòn duyệt chọn mua hàng khi kết thúc năm 2013, để tái kí hợp đồng trong năm 2014 là  “đầu lọc của đơn vị được sử dụng nhiều năm, chất lượng ổn định”, hoặc “cơ sở chịu trách nhiệm pha chế hương cho các mặt hàng thuốc lá Khánh Hội trong thời gian qua”…

Phát hiện này cũng trùng với nội dung trong đơn tố cáo của đại diện công nhân Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội, là họ bị vị Giám đốc nhà máy “ép phải nhận các nguồn nguyên liệu

Nguồn nguyên liệu chất lượng kém đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm thuốc lá Khánh Hội.

kém chất lượng để đưa vào sản xuất”, trong khi giá thành của các Cty cung ứng cho nhà máy “giá trên trời”, dẫn đến “kết quả hàng loạt thuốc của nhà máy đều bị mọt sau khi mới sản xuất chưa được hai tháng”.

Trong một công văn khẩn của Phó GĐ Nhà máy kiêm Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Nhà máy thuốc lá Khánh Hội Trần Hồng Sơn gửi Đảng Bộ TCty Công nghiệp Sài Gòn kí ngày 20/10 /2014 lại khẳng định: “Phân tích nguyên nhân chủ quan của Nhà máy làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc trong thời gian vừa qua, ví dụ như quy trình công nghệ đã bỏ qua công đoạn hấp chân không (đây là một trong những công đoạn rất quan trọng trong quy trình công nghệ sản xuất sợi)...”. Cũng trong công văn, ông Sơn nêu diễn biến phức tạp tại Nhà máy thời gian qua do GĐ nhà máy và một số nhân viên với ý đồ giành quyền kiểm soát hệ thống phân phối mà Cty CP Thương Mại Bến Thành đang phụ trách phân phối thuốc lá Khánh Hội.

Mặc dù trực tiếp trao đổi với DĐDN, ông Sơn không tiết lộ gì thêm với lí do “ông tuân thủ quy định báo cáo lên Đảng”, tuy nhiên những nội dung ông đã báo cáo trong công văn đã thừa nhận: Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội đang tồn tại nhiều  vấn đề khá nghiêm trọng.

 Với những vấn đề này, người dân hoàn toàn có quyền chờ đợi tiếng nói và những động thái cụ thể của TCty Công nghiệp Sài Gòn, Cty “mẹ” quản lý Nhà máy  Thuốc lá Khánh Hội, để trả lại cho họ chất lượng của một sản phẩm Việt có uy tín. Và công luận đang rất chờ TCty Công nghiệp Sài Gòn tỏ rõ vai trò của một TCty lớn, trong việc quản trị các Nhà máy thành viên, sao cho không để thất thoát vốn Nhà nước cả ở góc độ giá trị vốn hữu hình lẫn vô hình - điều mà các Tập đoàn, TCty Nhà nước đang phải nỗ lực hướng đến bằng mọi kế hoạch tái cấu trúc!

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Luật sư Điều hành Hãng Luật Giải phóng:

"Hiện DNNN được điều chỉnh theo Luật DN và được định nghĩa: "là DN trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ". Luật không có khái niệm DN "sân sau" và cấm đoán nó. Tuy nhiên, trong các quy định của Luật DN về loại hình Cty TNHH MTV như sau: "Đối với Cty con của Cty có phần vốn góp, cổ phần của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, Giám đốc hoặc TGĐ không được là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý của Cty mẹ" (khoản 2 điều 57 Luật DN).

Quy định này nhằm hạn chế những tiêu cực phát sinh do quan hệ như đã nói ở trên. Trong trường hợp Cty TNHH MTV hoặc DNNN ở các loại hình nói chung, có nghi vấn làm thất thoát vốn nhà nước thì cơ quan quản lí mẹ (tập đoàn, TCty) trước hết cần căn cứ theo luật để xử lý trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ liên quan. Sau đó cần rà soát lại tất cả các hợp đồng để xác định sự minh bạch của các giao dịch đó. Từ đó có biện pháp khắc phục phù hợp".

Theo Thuận Hóa (DDDN)