Những cái chết được cảnh báo

15 người chết do ăn phải nấm độc, 3 người chết do ăn ốc chứa độc tố, 1 người chết vì ngộ độc so biển, 2 người chết do ăn cá nóc, 1 người chết do ăn bọ xít, 2 người chết vì rượu ngâm rễ cây… Đây chỉ là trích lược số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về những vụ ngộ độc thực phẩm gây chết người trong năm 2014. Điều đáng nói là, những cái chết kể trên đều đã được cảnh báo trước, nhưng nhiều người vẫn “liều mạng” để… ăn!.

nấm độc

Ảnh minh họa

Và sự trả giá là chính mạng sống của những người mạo hiểm ăn uống thực phẩm lạ có chứa độc tố vẫn chưa đủ sức để cảnh tỉnh một bộ phận dân cư khi ngay trong nửa đầu tháng 1 của năm 2015 lại ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong vì ăn ốc lạ. Điều đáng ngại hơn nữa là những người có nguy cơ bị ngộ độc do độc tố tự nhiên không chỉ thuộc nhóm người ít hoặc không tiếp cận với các phương tiện truyền thông, ít đọc báo, nghe đài để tiếp nhận thông tin về mức độ nguy hiểm của thực phẩm chứa độc tố mà ngay cả những người hiểu rõ nguy cơ cũng mạo hiểm ăn thực phẩm có độc tố tự nhiên dẫn đến tử vong, trong đó, nhiều nhất là dân cư vùng biển, thích ăn cá nóc và sam lông. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu trong nhiều năm qua cũng đã xảy ra những ca ngộ độc thực phẩm do ăn con so (sam lông), ăn cá nóc gây tử vong. Năm 2014, lại tiếp tục có 2 ca tử vong do ăn sam lông và cũng lại rơi vào cư dân vùng biển.

Theo nhận định của cơ quan y tế, có một số lý do dẫn đến ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên, nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là do người dân chủ quan, cố tình ăn thực phẩm lạ dù biết nguy cơ ngộ độc. Trong khi đó, những loại thực phẩm có độc tố tự nhiên như cá nóc, ốc biển hay sam lông đến nay vẫn chưa có thuốc giải độc. Thống kê của ngành y tế còn cho thấy, có đến 25-35% vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến thực phẩm có độc tố tự nhiên và số ca tử vong do loại độc tố này chiếm từ 85-95% tổng số tử vong, những người được cứu sống thì chi phí điều trị là rất lớn. Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2014 tỷ lệ tử vong do ngộ độc thực phẩm có liên quan đến độc tố tự nhiên chiếm 100% và đây không phải là lần đầu tiên có tỷ lệ này.

Những cái chết được báo trước kể trên là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm có độc tố tự nhiên. Các cơ quan chủ quản không thể chỉ sử dụng những biện pháp phòng ngừa lâu nay để tác động mà cần phải có giải pháp khác, mạnh mẽ hơn. Trên thực tế, tại các khu vực dân cư thường hay xảy ra ngộ độc thực phẩm từ thực phẩm có độc tố tự nhiên, khi được khảo sát thì đều cho rằng, nội dung truyền thông còn chung chung, thiếu chi tiết, không cụ thể nên chưa đủ “sức nặng” để làm thay đổi hành vi của người dân. Nhiều người vẫn thờ ơ trước các cảnh báo và chủ quan khi sử dụng thực phẩm có nguy cơ cao từ tự nhiên. Vì vậy, đã đến lúc cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần đổi mới phương pháp truyền thông để làm sao ngăn chặn được tình trạng người dân sử dụng thực phẩm có độc tố tự nhiên. Phương pháp truyền thông phải được cải tiến về cách thức, nội dung để làm sao người dân chuyển đổi hành vi, chứ không dừng ở mức nhận thức. Đồng thời, tùy theo từng nhóm đối tượng mà có cách tiếp cận, tuyên truyền hiệu quả, tránh tình trạng thông điệp chung chung, không rõ ràng, cụ thể, khó hiểu. Những cái chết được cảnh báo trước nêu trên sẽ còn xảy ra nếu người dân chưa thực sự thay đổi hành vi.

Theo MINH THƯ (Báo Bà Rịa Vũng Tàu)