Nuôi con thông thái: Nguyên tắc "cây gậy phạt và củ cà rốt thưởng"

Thưởng hay phạt đối với con trẻ cũng cần có những phương pháp hợp lý mới đạt được hiệu quả mà không làm trẻ nhỏ tổn thương lòng tự trọng.

Trong buổi hội thảo “Nghệ thuật giao tiếp và thưởng phạt đối với con” được tổ chức mới đây, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có buổi trao đổi cùng với các ông bố, bà mẹ về cách nuôi dạy con sao cho các bé sống có nề nếp, nghe lời. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần có những phương pháp thưởng và phạt con cho phù hợp với từng lứa tuổi.

Dưới đây là một số nguyên tắc khi sử dụng “cây gậy – phạt” và “củ cà rốt – thưởng” mà TS. Vũ Thu Hương chia sẻ:

nuoi-con-thong-thai-nguyen-tac-cay-gay-phat-va-cu-ca-rot-thuong

TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên trường đại học Sư phạm Hà Nội 

Không xúc phạm đến thân thể và danh dự của trẻ

Không bao giờ chúng ta sử dụng cách thức xâm phạm thân thể con. Bởi khi xảy ra sự vụ gì đó, cha mẹ có xúc phạm tới con thì đứa trẻ ngay lập tức sẽ không nghĩ đến tội đã gây ra mà chỉ nghĩ rằng cha mẹ đã xúc phạm mình.

Như trong trường hợp: Bé nhà bạn tranh giành đồ ăn với em. Người bố ngay lập tức bảo: “Con ăn tham như chó”. Trẻ không nghĩ rằng điều người bố đang nói tới là vấn đề ăn tham. Nó chỉ chú ý, bố bảo mình là chó. Chính vì vậy, muốn cho trẻ hiểu ra và nhận lỗi thì người bố cần phải xin lỗi con và phân tích cho con hiểu rõ vấn đề.

Không được so sánh trẻ 

Hiệu ứng con nhà người ta chắc chắn các ông bố bà mẹ cũng đã từng trải qua và hiểu được nỗi khó chịu, bực tức. Hẳn các ông bố bà mẹ trước đây cũng đã từng nghĩ "Tại sao lại sinh mình ra? Tại sao lúc nào cũng đem mình so sánh với bạn ấy? Bạn ấy thì có gì tốt chứ?". Chính những suy nghĩ vậy sẽ khiến trẻ có phản ứng chống đối lại, trẻ sẽ không bao giờ nghe lời mà thường cố ý làm ngược lại với những gì mà bố mẹ mong muốn.

nuoi-con-thong-thai-nguyen-tac-cay-gay-phat-va-cu-ca-rot-thuong

 Hãy đặt mình vào vị trí của con, đưa ra cho con những lời khuyên. Đừng dùng cái uy của người làm cha, làm mẹ, quát mắng lại con. (Ảnh minh họa).

Không sử dụng thưởng phạt để thực hiện mục đích cá nhân của cha mẹ

"Nếu như con không học cái này thì…". Những điều này ta không nên làm với con mà hãy để cho trẻ lựa chọn. Nếu ta lựa chọn cho trẻ dù sau này con bạn có thành công như thế nào, chúng vẫn "oán trách" bởi lúc nhỏ trẻ đã không được làm theo ý của mình.

Ví dụ: Lúc nhỏ đừng bao giờ chuyển trường cho con vì mục đích cá nhân. 

Hãy tôn trọng con, cho con quyền được lựa chọn. Nhưng với quyền lựa chọn đó, con phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Điều đó sẽ thúc đẩy con tích cực hoàn thành nhiệm vụ khi mà con đã quyết định.

Tâm sự với con như những người bạn

Hãy là một người bạn của con trẻ. Con sẽ sẵn sàng chia sẻ với bạn những vấn đề con khúc mắc trong cuộc sống. Hãy đặt mình vào vị trí của con, đưa ra cho con những lời khuyên. Đừng dùng cái uy của người làm cha, làm mẹ, quát mắng lại con. Điều này chỉ khiến con thêm phản ứng trái ngược lại.

Cha mẹ cũng có những cách thức phạt con mà không xâm phạm đến thân thể con: Phạt nói, phạt tập thể dục, phạt tách khỏi tập thể...

TS.Vũ Thu Hương nhấn mạnh với các bậc cha mẹ rằng, muốn hình thành thói quen tốt phải kiên trì cho con thực hiện trong 40 ngày

Theo Dương Nga (Người đưa tin)