Phát hoảng với đường Sucralose có độ ngọt cao gấp 600 lần

Với thời hạn sử dụng 1-2 năm, đường Sucralose được rao bán với giá 1.800.000 đồng/kg, tương đương với 1 túi đựng trong giấy bạc được người bán “mách nước” chế biến cho hàng ngàn thực phẩm.

Tiểu thương săn lùng chất tạo ngọt, Sucralose “cháy hàng”

Được quảng cáo trên thị trường là một chất thay thế đường nhưng an toàn và lành mạnh cho người dùng. Chất tạo ngọt nhân tạo hay còn gọi là đường Sucralose đang được sử dụng phổ biến nhất và có số lượng tiêu thụ cao.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, một nghiên cứu tại Viện Ramazzini, Ý mới được công bố trên tạp chí Quốc tế Occupational và Environmental Health cho biết, tiêu thụ đường sucralose có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư máu.

Theo đó, phóng viên báo Người Đưa Tin đã tìm đến đầu mối được cho là cung cấp loại đường nhân tạo Sucralose đồng thời quảng cáo có giấy tờ chứng minh đầy đủ chứng thực loại đường này có độ ngọt cao gấp 600 lần các loại đường thông thường khác.

Liên hệ với chị Thủy hiện đang bán hàng tại Quận 1 - TP. Hồ Chí Minh, PV được chỉ sang một địa chỉ khác tại Quận 1 mặc dù sản phẩm đường Sucralose được rao bán công khai tại đây.

Chia sẻ về loại đường Sucralose này chị Thủy tiết lộ: "Nó có độ ngọt cao gấp 600 lần đường mía, không chứa calo. Chị cho hay, các loại đường nhân tạo khác chỉ có độ ngọt cao gấp 200 lần Sucralose. Hiện nay, đường nhân tạo sucralose được phép sử dụng rộng rãi trên 80 quốc gia và có trong nhiều loại thực phẩm, dược phẩm phổ biến như: Nước ngọt, cà phê, kẹo, bánh, trà, trái cây, mứt, thạch, các sản phẩm từ sữa, nước xốt, dầu trộn salad…"

Chị Thủy chứng minh đường Sucralose có thể pha chế cho hàng ngàn thực phẩm với giá 1.800.000 đồng/kg trong 1 năm sử dụng. Ảnh: Thanh Tuyền

Đặc biệt, chị Thủy nhấn mạnh: "Loại đường Sucralose được sử dụng trong thực phẩm, dược phẩm dành cho những người ăn kiêng như bệnh nhân bị tiểu đường vì chất tạo ngọt này không có giá trị dinh dưỡng".

Chị Thủy cũng khuyến khích người mua, nếu mua 5kg trở lên thì sẽ được miễn phí vận chuyển. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi về thời hạn sử dụng nếu mua nhiều dùng không hết, chị Thủy lúng túng trả lời: "Tùy từng loại đường nhân tạo, còn đường Sucralose bên em chỉ có thời hạn sử dụng trong vòng 1 năm thôi".

Người mua tỏ ý lo lắng về hạn sử dụng trong vòng 1 năm là hơi ngắn, chị Thủy trả lời ấp úng “tùy theo từng người mua 10kg hay 20kg thì mình có thể sử dụng đường Sucralose được lâu hơn hạn sử dụng”.

Như vậy, theo như lời của chị Thủy, thì mua càng nhiều đường Sucralose thì hạn sử dụng sản phẩm càng lâu?

Chị Thủy cũng nhấn mạnh, đường nhân tạo Sucralose có xuất xứ từ Trung Quốc đồng thời chị liên tục cung cấp ảnh và giấy chứng nhận kèm theo công thức pha chế với hàng ngàn các sản phẩm khác cũng có trong danh mục được cấp phép sử dụng loại đường nhân tạo này đã được Bộ Y tế phê duyệt?!

Tràn lan bán đường tạo ngọt “giá rẻ”

Trước những thông tin liên quan tới nghiên cứu tại Viện Ramazzini, Ý về việc đường tạo ngọt nhân tạo là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư máu, tiểu đường, theo ghi nhận của chúng tôi, người dùng Việt hầu như không quan tâm tới điều này.

Bằng chứng là nhiều chợ lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội rao bán đường “trôi nổi” trên thị trường không có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng nhưng người tiêu dùng vẫn tin tưởng và vô tư mua bán.

Ngày 18/3, phóng viên đã khảo sát tại chợ Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Với vai trò người đi mua đường tạo ngọt về chế biến trong các mặt hàng thực phẩm. Dạo qua những cửa hàng tạp hóa đang bày bán bên ngoài chợ để mua đường nhân tạo về chế biến, hầu hết các chủ tiệm tạp hóa đều lắc đầu, xua tay với câu nói: “Không bán”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt chân vào sâu trong chợ, tại đây, các sạp đồ khô được chủ kiot “giấu nhẹm” không bày bán sản phầm này kèm theo những lời chia sẻ khá dè dặt: “Chỉ có đường nhân tạo giống như viên B1 được sử dụng cho phở thay mì chính thôi”.

Nhiều chợ lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội bán đường “trôi nổi” không nhãn mác, địa chỉ rõ ràng nhưng người tiêu dùng vẫn tin tưởng và vô tư mua bán. Ảnh: Thanh Tuyền

Một phụ nữ bán hàng cho biết, thành phần chính của đường B1 (tên đầy đủ NaBiCa-2) là Kali, Canxi… chỉ cần 1 viên cho vào 1 lít nước là được, loại đường này to bằng hạt đỗ, màu trắng. Tuy nhiên, loại đường này bà không bày bán công khai lên sạp, chỉ khi nào người mua đồng ý thì bà mới đem ra.

Bà này cũng cho biết, loại đường B1 này có giá 70.000 đồng/0,5kg. Nếu mua nhiều thì bà mới đưa ra cho xem. Loại đường này được sử dụng trong chế biến thực phẩm như nước dùng, nước xốt… và nó có khả năng làm ngọt mà không cần cho mì chính.

Trên thị trường cũng xuất hiện các loại đường hóa học có ghi kín các dòng chữ Trung Quốc và phiên âm bằng chữ La Tinh, người bán thường gọi là đường tinh luyện. Một kiot khác cũng chia sẻ bí kíp cung cấp nguồn từ Trung Quốc: “Mình tự nhập về và đóng gói tại Việt Nam chứ Việt Nam không sản xuất được loại đường nhân tạo này”.

Trong khi đó, theo Quyết định 3742/2001/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 31/8/2001 thì đường hóa học và một số loại đường nhân tạo hiện đang được bán không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.

Theo Thanh Tuyền ( NĐT )