Thị trường ông Công ông Táo: Người bán ngóng người mua

Còn hai tuần nữa là đến ngày ông Công, ông Táo về chầu trời. Thay vì sự tấp nập của “kẻ bán, người mua” như mọi năm thì nay là sự trầm vắng đáng ngạc nhiên từ làng đến phố đến cả các “trung tâm” làm mã.

cúng ông táo

Hàng Mã và Lương Văn Can - hai con phố lâu nay vẫn là địa chỉ hút khách chật cứng mỗi dịp tuần rằm, đặc biệt vào dịp rằm tháng 7 xá tội vong nhân hay tết ông Công, ông Táo. Thế nhưng năm nay, từ đầu tháng Chạp đến giờ người bán cứ bày biện nhưng người mua thì vắng bóng.

Quan sát của phóng viên tại chợ Cầu Diễn và chợ Đồng Xa. Mặc dù đây là những chợ “làng” nhưng mọi năm vào dịp này những gian hàng bán vàng mã người mua cũng phải chen chân nhau thì nay khá đìu hiu.

Bà Thành ở ki ốt bán mã chợ Cầu Diễn cho biết: Hàng mã cúng lễ năm nay vẫn là những bộ quần áo, hài, mũ, cá chép, tiền vàng, ngựa giấy…với đủ cỡ: nhỏ, trung bình và hàng đại. Giá cả tùy thuộc vào kích cỡ và chất liệu. Bộ cỡ nhỏ làm bằng giấy màu có giá từ 40.000 - 60.000 đồng/bộ. Bộ cỡ trung bình có giá từ 90.000 - 110.000 đồng/bộ và loại to giá từ 140.000-160.000 đồng/bộ. Riêng loại mã làm bằng giấy màu bóng, có mùi thơm và in hoa văn chìm, giá từ 300.000 đồng/bộ trở lên.

Cũng theo bà Thành, từ đầu tháng tới giờ, những bộ ông Công ông Táo loại nhỏ bán được nhiều hơn cả, loại đắt hơn rất ít người mua, những mặt hàng khác như nhà lầu, xe hơi, tivi thì gần như không bán được.

Có lẽ do sức mua của thị trường kém nên ở những làng làm vàng mã nổi danh như làng Đông Hồ (thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vào những “ngày mùa” năm nay cũng thưa khác hẳn với dịp này mọi năm. Thay vì hàng dài xe tải lớn nhỏ, xe máy, xe đạp tấp nập chở vàng mã ùn ùn từ trong làng đi ra;  trong làng người già, trẻ nhỏ ngày đêm hối hả làm hàng để kịp bán thì “đận” giáp tết này vẫn vừa làm vừa trông.

Anh chủ cửa hàng Tâm Luyến, nằm ngay đầu thôn làng Đông Hồ cho biết: Từ lâu người dân Đông Hồ chủ yếu sống bằng nghề làm hàng mã. Cứ mỗi dịp như ngày rằm tháng 7 âm lịch hay Tết ông Công, ông Táo, Tết Nguyên đán… người dân làng Đông Hồ lại mướt mồ hôi cũng không đáp ứng đủ những đơn đặt hàng. Khách đặt hàng đủ loại từ áo, mũ, giấy, tiền đến ngựa, voi, ti vi, tủ lạnh, máy bay, xe hơi, nhà lầu… Tất cả các hãng nổi tiếng, đời mới công nghệ người dương có sao thì đặt cho người âm là vậy nhưng năm nay thưa thớt. Các đơn hàng chủ yếu đặt các bộ mũ, mã, giày ông Công, ông Táo loại nhỏ. Sức mua năm nay giảm mạnh tới hơn chục phần trăm.

Mặc dù “người bán chẳng có người mua” thế nhưng không ít các bà, các cô bán hàng mã từ chợ làng đến phố, cho tới vỉa hè đều cho rằng: Việc các gia đình “thành tâm” sắm lễ vừa phải như vậy là hợp lý, tiết kiệm một khoản tiền thật không nhỏ mà mỗi năm các gia đình đã đốt theo vàng mã.

Theo Thanh Tâm (Báo Công Thương)