Thực phẩm sạch vướng đầu ra

Khi vấn nạn thực phẩm “bẩn” đang ngày càng hoành hành như hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, trong đó có mặt hàng rau, củ, quả an toàn ngày càng trở nên cấp thiết. Song, trong thực tế việc tiêu thụ các sản phẩm rau an toàn của các HTX lẫn bà con nông dân vẫn còn gặp không ít khó khăn…

Thực phẩm sạch vướng đầu ra

Mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang

Tại TP. Đà Nẵng, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng, địa phương đã có nhiều dự án về sản xuất rau an toàn, mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap. Các DN cũng đã tích cực ký hợp đồng với HTX, bao tiêu sản phẩm, một số điểm bán rau an toàn được thành lập…

Song, nhìn chung việc tiêu thụ rau sạch cho bà con nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tại HTX rau an toàn Tuý Loan (huyện Hoà Vang), nơi có nhiều vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, hệ thống nhà lưới, giếng bơm, phân bón, quy trình kỹ thuật... đã được các cơ quan chuyên môn tích cực hỗ trợ, hướng dẫn áp dụng. Được sản xuất bài bản là thế, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm rau an toàn của HTX vẫn gặp khó khăn vì vấn đề giá cả.

Theo đó, trung bình mỗi ngày HTX bán ra thị trường khoảng 7 tạ rau, thì chỉ có 2 tạ mang thương hiệu vào các siêu thị, còn lại người nông dân đem bán lẻ ở chợ, hoặc được thương lái thu mua về bán trôi nổi. 

Tương tự, tại HTX sản xuất rau an toàn La Hường (quận Cẩm Lệ), mỗi ngày HTX bán ra thị trường khoảng 5 tạ rau, trong đó chỉ 1 tạ vào cửa hàng rau sạch, các bếp ăn tập thể.

HTX sản xuất có quy mô lớn đã thế, hộ sản xuất rau an toàn nhỏ lẻ càng vướng khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử, mô hình sản xuất rau an toàn của gia đình ông Phan Đình Thành và bà Lê Thị Hải, ở thôn 1 xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang, mặc dù đã đầu tư một trang trại rộng hơn 5.000 m2 trồng rau sạch được thiết kế bài bản, với hệ thống nhà lưới, nước tưới hiện đại…

Song, việc tiêu thụ các sản phẩm rau, củ, quả an toàn vẫn rất trầy trật. Bà Hải cho biết, các loại rau sạch trồng trong nhà lưới giá bán phải cao hơn rau thường từ 25-30% thì mới có lãi.

Thế nên, trên thị trường với mức giá này các sản phẩm của trang trại rất khó tiêu thụ, khi phải cạnh tranh với các sản phẩm rau trôi nổi, có giá “mềm” hơn rất nhiều. Tương tự, lý giải việc các sản phẩm rau sạch vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của các “thượng đế”, đại diện HTX Rau an toàn Túy Loan giải thích, việc sản xuất rau an toàn vất vả hơn so với rau thường, khi phải tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt của VietGap nên giá thường đắt hơn khoảng 30% trên thị trường.

Với mức giá này, nếu đem ra chợ bán thì rất ít người tiêu dùng lựa chọn. Bởi, ngoài việc chê giá thành cao, nhiều người còn băn khoăn không biết rau có thực sự là rau an toàn hay không?!

Thực tế, tại TP. Đà Nẵng mặc dù diện tích đất trồng rau ở các vùng ngoại ô như Cẩm Lệ hay Hoà Vang… còn khá nhiều, song các thương hiệu rau an toàn ở những khu vực này vẫn ít được người tiêu dùng ngay ở địa phương biết đến. Trong khi, hàng ngày nhu cầu về sử dụng rau sạch trên địa bàn tương đối cao.

Trước đó, để hỗ trợ cho các HTX sản xuất rau an toàn, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo xây dựng chuỗi cửa hàng để quảng bá rau sạch. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, các cửa hàng này đều phải đóng cửa vì rơi vào tình trạng “càng bán càng lỗ”. Một số siêu thị trên địa bàn đã ký hợp đồng với vùng rau khác ngoài thành phố, chẳng hạn như siêu thị Metro, Co.opmart gắn với thương hiệu rau Trà Quế của Hội An (Quảng Nam)…

Như vậy, để hướng đến xây dựng những thương hiệu rau an toàn, đem đến sự tin cậy cho người tiêu dùng từng bước cải thiện thu nhập cho người nông dân…, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ở TP. Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

Theo Nghi Anh (thời báo ngân hàng)