Tìm ra sự thật về bài thuốc chữa ung thư từ cây xạ đen

Hàng chục năm trước, bài thuốc chữa ung thư từ cây xạ đen đã được lan truyền rộng rãi trong nhân dân. Tuy nhiên cho đến nay, hiệu quả thực sự trong điều trị ung thư của loài cây này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

1. Quan điểm về công dụng chữa ung thư của cây xạ đen

Cây xạ đen (cây bách giải, cây dây gối, xạ đen cuống, quả nâu, cây đồng triều, bạch vạn hoa), tên khoa học là Celastrus hindsii Benth.et Hook, được phân bố ở nhiều nước như Trung Quốc, Myanmar, Việt Nam...Xạ đen thuộc loài cây dây leo thân gỗ, thân cây dạng dây dài 3-10m. Phiến lá hình bầu dục không có lông , cành tròn, lúc non có màu xám nhạt, sau chuyển sang màu nâu hoặc màu xanh. Tại Việt Nam, loài cây này chủ yếu phân bố ở các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Gia Lai, Thừa Thiên Huế, Vườn quốc gia Ba Vì, Vườn quốc gia Cúc Phương...

Xạ đen có tính hàn, vị đắng chát, được coi là một trong những loại thuốc quý nhất. Các tài liệu nghiên cứu của Viện quân y 103 đã công nhận xạ đen chứa các chất như Saponin Triterbenoid có tác dụng chống nhiễm khuẩn, Fanavolnoid là chất chống oxy hóa, Quinon có tác dụng làm cho tế bào ung thư hóa lỏng dễ tiêu, bên cạnh đó là rất nhiều hoạt chất có khả năng điều trị mụn nhọt, ung thũng, tiêu viêm giải độc, giảm tiết dịch trong xơ gan cổ trướng, hạn chế phát triển của các khối u và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Xoay quanh công dụng chữa ung thư của cây xạ đen, có 3 quan điểm như sau:

- Quan điểm 1: Bác sỹ Trang Xuân Chi (nguyên Chủ nhiệm khoa Nội 2, Bệnh viện Quân y 13, Quân khu 5, Bộ Quốc Phòng) cho biết: Một số bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến đường tiêu hóa nói chung như: Tá tràng, viêm đại tràng mạn tính , viêm loét dạ dày, viêm gan mạn tính; xơ gan đơn thuần, ung thư gan giai đoạn đầu, ung thư dạ dày mới phát hiện, rối loạn tiêu hóa, ăn chậm tiêu...sau khi uống nước sắc từ cây xạ đen đã thấy kết quả phần nào. Đặc biệt, các ứng dụng lâm sàng trong nước cũng chưa thấy bất kỳ phản ứng phụ của loài cây này. Tuy nhiên cũng cần lưu ý, hiệu quả sử dụng của cây thuốc Nam tùy thuộc vào cơ địa của từng người nên không phải bệnh nhân nào cũng đạt kết quả như nhau.

Sau đây là bài thuốc: Lấy 100 g xạ đen tươi rửa sạch, cho vào siêu đất, đổ thêm 800 ml nước vào. Đun sôi trong vòng 30 phút rồi gạn lấy nước uống thay trà trong ngày. Dùng khi nào nước sắc nhạt màu thì thay ấm khác. Không nên ăn rau muống khi sử dụng xạ đen vì rau muống sẽ làm mất tác dụng của thuốc. Phụ nữ mang thai không sử dụng sản phẩm từ xạ đen, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

- Quan điểm 2: Nguyên chủ tịch hội Đông y Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng một lần nữa khẳng định cây xạ đen hoàn toàn không thể chữa khỏi ung thư, mà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, có tác dụng thanh nhiệt giải độc là chính. Trên thực tế, chưa có chứng minh cho thấy cây xạ đen có thể chữa được ung thư. Do vậy, người bệnh cần xem xét kỹ trước khi sử dụng loài cây này. Nếu sử dụng một thời gian mà không thấy có tác dụng thì nên chuyển ngay sang phương pháp điều trị kịp thời khác.

- Quan điểm 3: Lương y Vũ Quốc Trung chia sẻ: Xạ đen có các hoạt chất ức chế tế bào ung thư, làm cho tế bào ung thư không phát triển. Vì thế, có thể dùng để hỗ trợ điều trị, phòng ngừa các loại ung thư, giúp tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bản thân xạ đen nếu đứng một mình sẽ không bộc lộ rõ được tác dụng của cây thuốc mà phải kết hợp với các vị thuốc khác để nâng cao tác dụng điều trị. Hợp chất lấy từ xạ đen nếu được kết hợp với chất Phylamin (từ một số loài thảo dược ở đồng bằng) còn có thể kéo dài tuổi thọ trung bình của động vật bị ung thư hơn nhiều chất đã qua nghiên cứu thực nghiệm tỏi Thái Lan hay Trinh nữ hoàng cung.

Một số bài thuốc kết hợp:

• Bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư bằng tia xạ, hóa chất: 30g xạ đen khô, 20g cỏ lưỡi rắn, 6g cam thảo dây, hãm uống như trà trong ngày.

• Bài thuốc chữa ung nhọt, giải nhiệt, thông kinh, lợi tiểu: 15g xạ đen khô, 12g kim ngân hoa, đem tất cả các vị thuốc thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, hãm nước uống ngày 1 thang.

• Bài thuốc tăng cường khả năng miễn dịch, hỗ trợ điều trị ung thư, giảm đau, giúp bệnh nhân ăn ngủ được: Xạ đen khô, giảo cổ lam, nấm linh chi, mỗi thứ 15g sắc uống hàng ngày.

Chú ý:

Xạ đen có công dụng làm hạn chế sự phát triển của các khối u trong cơ thể. Vì thế, người bị ung thũng, mụn nhọt, lở ngửa, ung thư...có thể dùng thuốc sắc từ lá xạ đen với liều dùng tùy thuộc vào độ tuổi, thể trạng và chỉ dẫn của bác sỹ. Nhằm tăng cường hiệu quả, bệnh nhân có thể dùng từ 20-40g/ngày kết hợp với một số vị thuốc khác. Lưu ý: Người bình thường không nên uống xạ đen mặc dù loài cây này không có độc tố.

2. Cảnh giác với xạ đen “rởm”

Sau khi bài thuốc chữa ung thư từ cây xạ đen được lan truyền, xạ đen đã trở thành đối tượng chính của dân săn dược liệu. Từ năm 2003, xạ đen bắt đầu trở nên khan hiếm, giá bán trên thị trường tăng vọt từ 50.000 đồng lên 150.000-200.000 đồng/kg khô. Nhiều người thường nhầm lẫn xạ đen với cây thạch xương bồ (hay thủy xương bồ) chứ không phải xạ đen.

Những loài cây này thường rất dễ nhầm lẫn bởi nó cũng có vị chát, lá xanh gần giống lá chè nhưng không lớn hoặc sẫm bằng xạ đen. Đặc biệt, không chuyển sang màu đen mực ngay sau khi bị băm nhỏ như loài dược thảo quý này.

Những thứ xạ đen giả nói trên sẽ được chuyển về các kho thuốc Đông y và cắt cho bệnh nhân nhiều tỉnh. Vì thế bệnh nhân mắc ung thư nên cảnh giác với xạ đen “rởm” để tránh “tiền mất tật mang”.

3. Cách phân biệt xạ đen với xạ vàng

Xạ đen thường rất dễ nhầm lẫn với xạ vàng bởi 2 loài cây này có hình dáng gần giống nhau, do vậy, người ta hay trộn xạ vàng vào để bán cùng. Điều này lý giải tại sao sau một thời gian sử dụng, người bệnh thường không thấy hiệu quả và vị thuốc có xuất hiện mùi vị khác lạ. Để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, bệnh nhân cần lưu ý cách phân biệt cây xạ đen và xạ vàng như sau:

Cây xạ đen (bên trái), cây xạ vàng (bên phải)

Phân biệt cây tươi:

- Xạ đen: Lá dày, màu xanh đậm, có sắc tím, thân có màu tím.

- Xạ vàng: Lá mỏng hơn, màu xanh non, không có sắc tím, không có răng cưa, thân có màu xanh.

Phân biệt cây khô:

- Xạ đen:

• Khi phơi khô lá có mùi thơm nhẹ, lá không bị giòn, vụn nát như cây xạ vàng.

• Thân khi phơi khô vẫn có màu đen do nhựa cây chảy ra ở vân gỗ, thân khô cũng có mùi thơm nhẹ.

• Khi pha nước sắc cây xạ đen có màu nâu đậm, uống vị ngọt nhẹ.

- Xạ vàng:

• Lá cây giòn, vụn nát khi phơi khô, khi ngửi có mùi ngái, thân rỗng màu trắng và nhạt.

• Thân khô khi ngửi không mùi vị.

• Khi pha nước có màu vàng nhạt, khi uống có mùi ngái không thơm như xạ đen.

Theo PNN