Trẻ em có thể trở thành nạn nhân của internet



Internet ảnh hưởng đến tâm lý, thể trạng của nhiều trẻ em, thậm chí đã có trường hợp tử vong do làm theo những thử thách trên mạng

Những nguy hại từ internet đối với trẻ em

Theo đánh giá, điện thoại, máy tính và mạng Internet đang được trẻ em sử dụng ngày một nhiều hơn, nhất là trẻ từ 10 - 17 tuổi. Kể từ sau khi khi các em phải học từ xa trong hơn 2 năm đại dịch COVID-19, điện thoại, máy tính và mạng internet còn là công cụ để học, để đọc, để giải trí, giao tiếp với bạn bè và người thân.

Không thể phủ nhận đây là các phương tiện để mọi người tiếp cận với kho tàng tri thức và giải trí khổng lồ. Cũng vì thế mà số trẻ sử dụng internet ngày càng tăng, độ tuổi sử dụng internet ngày càng trẻ hóa trong khoảng 5 năm trở lại đây. 74% các em sử dụng Internet tại trường học, thời lượng sử dụng Internet từ 5-7 giờ mỗi ngày.

Trẻ sử dụng internet đông như vậy, nhưng theo khảo sát mới nhất của UNICEF, chỉ có khoảng 1/3 trẻ em được dạy về an toàn mạng.

tre-em-co-the-tro-thanh-nan-nhan-cua-internet

 Trẻ em ngày càng sử dụng và đang lớn lên cùng internet. Ảnh ST

Trên thực tế, trẻ sử dụng internet quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng nghiện internet và trở thành một loại bệnh khó chữa. Việc xem quá nhiều nội dung nhanh và ngắn gọn trên các nền tảng như: TikTok, Facebook, sẽ khiến trẻ dần mất sự kiên nhẫn nếu phải đọc một cuốn sách hay giải một bài tập. Thay vào đó, các em có thể tìm câu trả lời bằng internet.

Bên cạnh đó, còn mối lo những cạm bẫy của kẻ xấu giăng bẫy các em nhan nhản trên mạng internet, nhất là các mạng xã hội với thủ đoạn ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Những trẻ được nhắm tới thường là từ 8 đến 16 tuổi. Lứa tuổi tò mò và chưa trưởng thành về nhận thức. Nếu không quản lý được con trẻ trong việc sử dụng internet, hậu quả sẽ khôn lường.

Thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ em làm theo những clip trên internet gây ra những hậu quả đau lòng. Như trường hợp của bé gái 9 tuổi ở Phú Thọ học theo clip trên Youtube nuốt bấm móng tay dài 6cm vào bụng rất may bé được đưa đi cấp cứu kịp thời. Đại diện Phòng quản lý chất lượng Trung tâm Y tế Cẩm Khê cho biết gia đình nói cháu hay xem các clip trên mạng xã hội, gần đây cháu có xem clip trong đó có hình ảnh nuốt các vật thể khác nhau trên YouTube, cháu thấy... hay nên làm theo. Mặc dù chiếc bấm móng tay dài tới 6cm, chiều rộng 1,6cm là kích thước khá lớn và khó nuốt, nhưng cháu đã học theo! Gia đình chỉ biết khi cháu đã bị đau bụng, ho nhiều mới hỏi và cháu kể lại vụ việc.

Hay vụ 4 em nhỏ ở Tuyên Quang làm theo clip bắt cóc ăn bị ngộ độc nặng. Người nhà các em cho hay các em Bàn Việt Q. (7 tuổi), Nguyễn Văn C. (7 tuổi), Bàn Văn C. (6 tuổi) và Bàn Văn H. (5 tuổi) xem video nướng cóc trên Youtube. Sau đó, các em đã đi bắt cóc nướng ăn như video trên mạng.

Đau lòng nhất là bé gái 5 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh học theo clip trên YouTube đã dùng vải voan treo cổ trong phòng ngủ. Sau 4 tiếng đồng hồ nỗ lực cứu chữa, bé đã không qua khỏi.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hiền Chuyên gia tâm lý lâm sàng, Trung tâm can thiệp sớm và trị liệu tâm lý HOPE chia sẻ trung tâm tiếp nhận nhiều trường hợp bị ảnh hưởng tâm lý bởi internet mới nhất là một học sinh lớp 4 có những hành động rất nguy hiểm như rủ các bản nhảy từ trên cao xuống, tấn công các bạn khác, bạn nhỏ này cũng thường xem những clip ma quỷ, hồi sinh người chết và bạn nhỏ khá tin vào điều ấy. Với những nguy cơ phải đối mặt, việc giáo dục trẻ em sử dụng mạng an toàn đang thực sự trở nên cấp thiết.

Cần phải làm gì để bảo vệ trẻ em trước những mối nguy hại từ internet?

Để hạn chế những tác động tiêu cực của internet các quốc gia trên thế giới đã có những quy định kiểm soát việc tiếp xúc của trẻ em đối với các thiết bị số.

Tháng 7 vừa qua Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc UNESCO đã kêu gọi chỉ sử dụng thiết bị công nghệ ở lớp học cho mục đích hỗ trợ học tập. Pháp, Canada đã cấm học sinh mang thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh vào trong lớp, Hà Lan từ nay sau cũng áp dụng quy định này. 

Riêng Trung Quốc đang có đề xuất tước quyền truy cập internet ban đêm của trẻ em, thanh thiếu niên, cùng một số biện pháp giới hạn chung về thời gian sử dụng điện thoại thông minh, quy định mới sẽ có hiệu lực từ mùng 2 tháng 9, sau quá trình lấy ý kiến của người dân nước này. 

Theo dự thảo trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi ở Trung Quốc sẽ bị cấm sử dụng thiết bị đầu cuối thông minh di động (ngắt internet) từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Trẻ dưới 8 tuổi chỉ được sử dụng điện thoại thông minh dưới 40 phút/ngày, thanh thiếu niên từ 16-17 tuổi được sử dụng 2 giờ/ngày. Để triển khai quy định này, Trung Quốc cho xây dựng hàng rào kỹ thuật, cùng phụ huynh cài tài khoản vị thành niên để quản lý trẻ em sử dụng internet. Tuy nhiên quy định này không bắt buộc phụ huynh áp dụng

Ở Việt Nam, theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết “Hệ thống pháp luật Việt Nam đã có quy định pháp lý để góp phần bảo vệ an toàn trẻ em và phòng chống xâm hại cho em trên không gian mạng. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Tôi cho rằng, đây là một chính sách, chương trình rất kịp thời. Về phía Bộ LĐTT&XH chúng tôi cũng đã chủ động tham mưu cho Bộ trưởng để xây dựng các kế hoạch để thực hiện Quyết định 830 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng. Đồng thời, chúng tôi cũng đã tham gia vào quy chế phối hợp liên ngành bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Bộ LĐTT&XH. Và với quy chế liên ngành này đã được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua”. 

Cùng với quan điểm trên, bà Leo Thị Lịch - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện triệt để chính sách, pháp luật bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện nay đã rất cấp thiết chứ không chỉ là cần thiết. Và việc thực hiện trong chăm sóc trẻ em và bảo vệ trẻ em không những Đảng, Nhà nước mà toàn xã hội chúng ta đều phải quan tâm.

Theo các chuyên gia, 'lá chắn' quan trọng để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong thời gian tới đó là, duy trì và tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật thì vai trò của xã hội, nhà trường và gia đình là rất cấp thiết qua việc giáo dục, truyền thông và nâng cao nhận thức cho trẻ em, thanh thiếu niên, từ đó các em có thể tự nhận biết và phân biệt bảo vệ chính mình trên môi trường mạng.

Theo VietQ